Doanh nghiệp
Cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử: Cuộc so kè không khoan nhượng
Anh Hoa - 10/03/2020 09:11
Sự lớn mạnh của start-up, màn “hạ cánh” không an toàn của Leflair, phương án mua bán - sáp nhập (M&A) giữa Tiki và Sendo... cho thấy cuộc so kè không khoan nhượng trên thị trường thương mại điện tử, mà ở đó, “cá bé” hoàn toàn có thể nuốt “cá lớn”.
Cùng với kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng, Gumac đang đẩy mạnh kênh thương mại điện tử.

Start-up bứt phá và sự hụt hơi của Leflair

“Dịch thì dịch, chứ Gumac vẫn khai trương đều đều. Cuối tuần này là Đà Nẵng, đầu tuần sau là khai trương văn phòng mới, cuối tuần lại ở Long An, còn tuần nữa thì Đồng Nai, sau nữa lại là Bình Chánh....”, đó là dòng status mà Lê Thành Vân, sáng lập chuỗi Thời trang Gumac đăng trên Facebook cá nhân để lấy đà tăng trưởng cho Công ty trong năm nay.

Hiện Gumac có 78 cửa hàng và mục tiêu trong năm nay của chuỗi là mở 20 điểm mới, phủ sóng cả nước. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên mục tiêu phủ sóng này có thể kéo dài sang năm 2021.

Mở thêm chuỗi cửa hàng, đồng nghĩa tỷ lệ doanh thu từ kênh bán hàng online sẽ giảm đi. Thành Vân cho biết, năm 2019, doanh số hai kênh online và offline của Gumac là 30/70. Dự kiến, trong năm nay, tỷ lệ này là 40/60. Riêng trong tháng 2 vừa qua, do e ngại dịch Covid-19, người tiêu dùng đẩy mạnh mua sắm online, nên tỷ lệ này là 50/50.

Gumac đang đứng vị trí thứ 5 trong cuộc khảo sát về thương hiệu mà người tiêu dùng nghĩ tới đầu tiên khi mua hàng thời trang online, đứng sau 4 “ông lớn” thuần về thương mại điện tử là Shopee, Tiki, Sendo và Lazada. “Năm nay, chúng tôi nhất định phải tạo ra sự bứt phá lớn hơn”, nhà sáng lập Gumac tự tin nói.

Để đạt được điều đó, Gumac sẽ phải làm rất nhiều điều khác biệt, nhưng theo Thành Vân, sẽ tập trung ở hai điểm chính: sở hữu nhiều mẫu mới, chính sách tốt. 

Đã có rất nhiều quỹ đầu tư cả trong và ngoài nước tiếp cận Gumac, nhưng chưa hợp tác. “Tôi đã từ chối khoản đầu tư lên tới vài trăm tỷ đồng cho Gumac để sở hữu cổ phần tối thiểu. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững, phải có sự chung tay từ nhiều nguồn lực, nhất là về tài chính. Nhà đầu tư nào có kinh nghiệm, tôn trọng và ủng hộ khát vọng đưa Gumac ra toàn cầu sẽ được lựa chọn”, Thành Vân nói. Hiện Gumac cũng đang làm việc với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

Sự lớn mạnh của start-up trong lĩnh vực tiêu dùng, thời trang như Gumac là một trong những nguyên nhân khiến website bán thời trang hàng hiệu chính hãng Leflair đóng cửa mới đây. Bên cạnh khó khăn trong việc tìm nguồn vốn, thì sự biến đổi thị trường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp càng gia tăng thách thức cho doanh nghiệp này.

Trong 4 năm qua, Leflair đã kêu gọi gần 12 triệu USD trong các vòng gọi vốn, phục vụ hơn 120.000 khách hàng, doanh thu ước đạt hàng chục triệu USD.

Tuy nhiên, tham vọng cải tạo và thay đổi ngành bán lẻ của hai nhà sáng lập Leflair (người Pháp) đã phải dừng lại. Hụt hơi trong chạy đua đầu tư công nghệ, kho vận và nhân sự, website chuyên bán hàng hiệu này đã phải chấm dứt hoạt động hồi đầu tháng 2.

Trước Leflair, trong hai năm 2018 - 2019, hàng loạt trang thương mại điện tử như Vuivui.vn (MWG), Lotte.vn, Adayroi.com (Vingroup), Robins.vn (Central Group) cũng ngậm ngùi đóng cửa.

Cuộc chiến “đốt tiền” giành thị phần

Kết quả khảo sát được thực hiện bởi Nielsen Việt Nam và Infocus Mekong Mobile Panel với 500 đáp viên sinh sống ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng mới đây cho thấy, Covid-19 không những tác động đến hành vi chung, mà còn đến cả việc mua sắm và các kênh ăn uống bên ngoài. Những cửa hàng hiện hữu bị tác động mạnh, khi 50% người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống; 25% người dân tăng cường mua sắm trực tuyến.

“Người Việt Nam đang dành nhiều thời gian hơn trên mạng và mua sắm trực tuyến. Việc này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường trực tuyến”, ông Mohit Agrawal, Giám đốc bộ phận Thấu hiểu hành vi người tiêu dùng (Nielsen Việt Nam) cho hay.

Vì thế, dễ hiểu vì sao các doanh nghiệp bán lẻ, thương mại không ngại dốc hầu bao cho quảng cáo trực tuyến. Theo báo cáo Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2019 của Công ty quảng cáo Adsota, ngành bán lẻ, thương mại điện tử có mức chi lên đến 23,9% tổng chi cho tiếp thị trực tuyến của toàn thị trường. Con số này liên quan trực tiếp tới cuộc chiến “đốt tiền” của các doanh nghiệp thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo hay Tiki cho các kênh quảng cáo trong thời gian qua.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam như một cuộc đua tiếp sức dài hơi. Nếu năm 2015, quy mô giá trị thị trường chỉ ở mức 0,4 tỷ USD, thì năm 2019 lên đến 5 tỷ USD và dự báo đạt mốc 23 tỷ USD vào năm 2025 (theo Google - Temasek). Mặc dù quy mô giá trị thị trường ngày càng tăng, nhưng qua giai đoạn đầu hưng phấn, sẽ chỉ còn 2 - 3 “tay chơi” trụ lại và chiếm phần lớn thị phần.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tiki, cho hay, nếu chỉ gói gọn trong thương mại điện tử, thì kịch bản như thế có thể diễn ra. Nhưng nếu nhìn rộng hơn cho cả nền kinh tế số và toàn ngành bán lẻ (cả online, offline), sẽ có nhiều người cùng chiến thắng.

Dẫu vậy, 2020 sẽ một năm đầy thử thách với những start-up nói chung và các công ty trong lĩnh vực công nghệ nói riêng, mà màn “hạ cánh” của Leflair là một minh chứng.

Bên cạnh đó, việc nhiều công ty khởi nghiệp trong mảng công nghệ thực hiện IPO không thật sự thành công trên thế giới, như Uber, Slack, hay WeWork, đã ảnh hưởng khá nhiều đến các nhà đầu tư trong việc định giá và ra quyết định đầu tư. Những bất ổn về tình hình vĩ mô, kinh tế, chính trị toàn cầu cũng tác động đến dòng vốn và có thể dẫn đến lượng tiền đầu tư vào các mô hình khởi nghiệp công nghệ sẽ giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, những thử thách này cũng chính là bàn đạp để các tên tuổi tham gia thị trường chứng minh năng lực thực sự của mình. Ai mang lại nhiều giá trị thiết thực, lâu dài cho khách hàng và kiểm soát dòng tiền hiệu quả sẽ tiếp tục trụ vững trên thị trường.

Riêng trong ngành thương mại điện tử, các tên tuổi có nền tảng công nghệ tốt, hiệu quả sử dụng vốn cao, tư duy hướng đến khách hàng…, sẽ tận dụng được đà tăng trưởng của ngành để phát triển hơn nữa, cũng như có được lợi thế để giành thêm thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ, ít khả năng cạnh tranh hơn. Cụ thể, sự đa dạng của sản phẩm, giá tốt và sự tiện lợi khi mua sắm là 3 yếu tố mà các doanh nghiệp sẽ chạy đua để chiến thắng đối thủ.

Ngoài ra, phương án M&A cũng được các doanh nghiệp lên kế hoạch nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thay đổi của khách hàng. Một thông tin được chú ý trong những ngày qua là hai trang thương mại điện tử Sendo.vn và Tiki.vn sẽ tính chuyện sáp nhập.

Giới phân tích cho rằng, xét về hiệu quả kinh doanh thực tế của việc bán hàng trên các trang thương mại điện tử, thì câu chuyện “cá lớn” sợ “cá bé” là có thật. Hiệu suất của những công ty nhỏ hoặc cá nhân có thể cao hơn hệ thống cồng kềnh của các “siêu” trang thương mại điện tử, bởi hệ thống càng lớn, thì bài toán tối ưu càng khó khăn.

Trên thực tế, hầu hết các “ông lớn” đều đang kinh doanh thua lỗ, nhưng vẫn được các nhà đầu tư săn đón, rót vốn khủng. Lý do là, họ đã chiếm lĩnh thị trường, sở hữu hệ thống, đặc biệt là mạng lưới bán hàng và tệp khách hàng lớn, tạo được xu hướng tiêu dùng...

Chẳng hạn, hệ thống của Tiki hay Lazada đang sở hữu hàng triệu đến chục triệu user (người dùng). Một số quỹ có thể đầu tư chiến lược cho các trang này để sử dụng hệ thống với những mục tiêu khác.

Hiện sân chơi bán lẻ các sản phẩm dịch vụ thiết yếu, sản phẩm giá trị thấp sẽ không còn là thế thượng phong của các sàn thương mại điện tử nữa. Song các sản phẩm giá trị cao, độc quyền, sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ, có thương hiệu vẫn là “miếng bánh” của các ông lớn.

Chưa bao giờ, thị trường này lại cho thấy sự khốc liệt đến như vậy. Hàng loạt “ông lớn” đưa ra số lỗ lũy kế lên đến cả ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận không cao, khách hàng ít đi và miếng bánh thị phần ngày càng bị chia nhỏ, nhưng vẫn không thể không “đốt tiền”.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho rằng, dư địa thị trường ngành thương mại điện tử Việt Nam rất lớn, nhưng các doanh nghiệp trong ngành đều đang gặp phải những khó khăn về nhân sự, phần lớn người tiêu dùng chưa hiểu rõ về thương mại điện tử và khâu thanh toán.

Kịch bản “ngã ngựa” dành cho những người không đủ tiềm lực tài chính luôn hiện diện, vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần toan tính kỹ và chuẩn bị về mọi mặt để có thể trụ vững trên thị trường cạnh tranh khốc liệt này.

Nghiên cứu của Nielsen Việt Nam cho thấy, khách hàng mua sắm online có độ tuổi từ 25 đến 29 tuổi chiếm 55%; 60% người mua sắm online là nữ.

Đa số khách hàng mua sắm online là người độc thân; 55% nhân viên văn phòng sử dụng dịch vụ mua sắm online. Hiện có 35,8 triệu người sử dụng kết nối Internet, mức tăng trưởng hàng năm là 11%.

Tin liên quan
Tin khác