Điểm sáng của Cao su Bến Thành trong năm qua là kinh doanh xuất khẩu tăng mạnh. |
Tăng tốc doanh thu xuất khẩu
Cao su Bến Thành được thành lập từ năm 1976 với tên gọi là Xí nghiệp Cao su Giải Phóng và đến năm 1994 đổi tên thành Công ty Cao su Bến Thành. Công ty hoàn thành cổ phần hóa từ tháng 5/2007 và niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) từ năm 2011.
Vốn điều lệ hiện tại của công ty này là 123,8 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ cổ phần đại chúng khá thấp, nên một trong những nhược điểm của cổ phiếu BRC là tính thanh khoản thấp. Hiện 3 cổ đông lớn nắm tới gần 90% cổ phần của doanh nghiệp. Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nắm 48,85% vốn, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn nắm 19,86% vốn và Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên nắm 18,87% vốn.
Về kinh doanh, điểm sáng đáng chú ý của Cao su Bến Thành là doanh thu xuất khẩu lũy kế cả năm 2018 đạt gần 53,2 tỷ đồng, tăng tới 40,7% so với năm 2017. Sự tăng tốc mạnh của doanh thu xuất khẩu đã đóng góp quan trọng vào doanh thu toàn Công ty, với doanh thu thuần quý IV/2018 đạt 73,3 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ; doanh thu thuần lũy kế cả năm 2018 đạt 232,5 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước.
Tính theo các quý trong năm 2018, có thể thấy, doanh thu xuất khẩu đều tăng trưởng khá so với năm 2017. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, xuất khẩu của Cao su Bến Thành tăng tốc mạnh hơn.
Gánh nặng từ chi phí quản lý
Mặc dù doanh thu xuất khẩu đang tăng mạnh, đặc biệt trong quý IV/2018, nhưng điều này vẫn không đủ năng lượng để kéo lợi nhuận cho Cao su Bến Thành. Theo đó, lợi nhuận quý IV/2018 vẫn bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận quý IV/2018 chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng, giảm gần 4,8% so với quý IV/2017. Theo dõi các khoản chi phí của Công ty trong quý IV/2018, điểm đáng chú ý là chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng rất mạnh, lên tới gần 4,5 tỷ đồng, trong khi khoản chi phí này cùng kỳ năm trước chỉ là gần 1,8 tỷ đồng. Trong đó, chi phí nhân viên quản lý tăng mạnh từ mức 1,06 tỷ đồng quý IV/2017 lên tới hơn 1,7 tỷ đồng trong quý IV/2018. Đặc biệt, chi phí dự phòng mới là khoản biến động mạnh nhất, từ mức âm 200 triệu đồng vào quý IV/2017, lên tới gần 1,9 tỷ đồng vào quý IV/2018.
Sự tăng vọt của chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý IV/2018 đã đẩy khoản chi phí này trong cả năm 2018 cũng tăng cao, đạt 11,8 tỷ đồng trong cả năm 2018, tăng 34% so với năm 2017. Chi phí nhân viên quản lý và chi phí dự phòng vẫn là nguyên nhân chính đẩy chi phí quản lý doanh nghiệp cả năm 2018 tăng cao. Theo đó, chi phí nhân viên quản lý đã tăng từ 4,7 tỷ đồng năm 2017 lên 5,5 tỷ đồng năm 2018, chi phí dự phòng tăng từ âm 57 triệu đồng lên gần 2,6 tỷ đồng trong năm 2018.
Tính chung cả năm, lợi nhuận năm 2018 của Công ty vẫn tăng trưởng, đạt gần 16,9 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2017. Đây cũng có thể coi là một tốc độ tăng trưởng khá, nhưng lẽ ra, Công ty có thể đạt lợi nhuận tốt hơn nữa nếu như không có sự “nhảy vọt” về chi phí quản lý doanh nghiệp, đặc biệt trong quý cuối cùng của năm.