Cao su Đà Nẵng đã ký hợp đồng hợp tác với Vietcombank cho khoản vay với hạn mức tín dụng gần 598 tỷ đồng. |
Vay tối đa gần 600 tỷ đồng cho dự án nâng công suất
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng đã chấp thuận việc huy động vốn tại các tổ chức tín dụng, quỹ tài chính thực hiện dự án đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe radial, nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm.
Theo Nghị quyết HĐQT, công ty sẽ vay vốn tối đa 597,8 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay gồm tài sản hình thành từ chính dự án và các tài sản hợp lý khác. Việc sử dụng tài sản hợp lý khác làm tài sản đảm bảo được thực hiện theo quy định pháp luật và điều lệ cng ty. Cao su Đà Nẵng uỷ quyền cho tổng giám đốc công ty thực hiện ký kết các hợp đồng vay vốn và thế chấp tài sản với các tổ chức tín dụng, quỹ tài chính.
Cập nhật tiến độ dự án nâng công suất, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng cho biết hạng mục đang được thực hiện như lộ trình, hồ sơ dự án đang được bổ sung thêm theo yêu cầu. Về huy động vốn cho dự án, công ty đã ký hợp đồng hợp tác, hoàn tất xong thủ tục với Vietcombank. Ngân hàng này đã đồng ý tài trợ toàn bộ nhu cầu vốn vay hơn 597 tỷ đồng.
Sản lượng tiêu thụ năm 2022 vượt chỉ tiêu đề ra, lợi nhuận ước đạt 380 tỷ đồng
Cập nhật về tình hình kinh doanh năm 2022, Cao su Đà Nẵng cho biết sản lượng tiêu thụ vượt chỉ tiêu đề ra (vượt 20% công suất thiết kế) dù trong năm đã có ba lần tăng giá tất cả các dòng sản phẩm lốp.
“Đây được xem là bước đi mạo hiểm nhưng đầy tự tin của Cao su Đà Nẵng trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động. Mạo hiểm là dám tăng giá thành để cải tiến chất lượng sản phẩm giữa “cơn bão giá rẻ”, đồng thời thể hiện sự tự tin vào chất lượng, hiệu năng mà sản phẩm đem đến cho khách hàng”, phía công ty cho hay.
Từ đầu năm 2022 đến nay, DRC phải đối mặt với sự gia tăng chi phí về nguồn nguyên liệu: cao su tổng hợp, hóa chất,… cùng sự cạnh tranh gay gắt đến từ các thương hiệu giá rẻ Trung Quốc đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty. Trước tình hình trên, Ban lãnh đạo công ty xác định “chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ” là ưu tiên hàng đầu, lấy đó làm mục tiêu để đưa ra những chính sách phát triển phù hợp.
Lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2022 ước tính đạt khoảng 380 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra nhưng tốc độ tăng trưởng thấp hơn năm trước.
Trước đó, Cao su Đà Nẵng đạt 3.784 tỷ đồng doanh thu và 282 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm, tăng lần lượt 24,2% và 10,8% so với cùng kỳ. So với kế hoạch 4.428 tỷ đồng doanh thu thuần và 320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra, công ty đã hoàn thành 85,5% và 88% mục tiêu sau 9 tháng. Riêng quý III, lợi nhuận công ty tăng 128% so với mức nền thấp cùng kỳ do được hưởng lợi từ giá bán tăng và sản lượng tiêu thụ lốp cao hơn.
Cập nhật tại báo cáo phân tích mới đây, SSI Research nhận định khả năng cạnh tranh cao hơn đối với lốp radial từ các nhà sản xuất lốp xe Trung Quốc sau khi các biện pháp phong tỏa của quốc gia này được dỡ bỏ sẽ tác động đến kết quả kinh doanh của Cao su Đà Nẵng.
Đánh giá về xu hướng giá nguyên vật liệu năm tới, bộ phận phân tích Chứng khoán SSI dự báo giá than đen và hóa chất nhiều khả năng sẽ giảm cùng với giá dầu, ở mức 15~20% vào năm 2023. Đối với giá cao su tự nhiên, với việc Trung Quốc khôi phục sản xuất săm lốp khi dần dần nới lỏng giãn cách xã hội và xu hướng giảm giá dầu, SSI dự báo giá cao su tự nhiên có thể chỉ tăng trong biên độ 1~5% trong năm 2023.
Theo nhận định của SSI Research, dù đánh giá xu hướng nguyên liệu thuận lợi hơn và hiệu suất hoạt động của nhà máy lốp radial cao hơn, nhu cầu thị trường xuất khẩu giảm do kinh tế toàn cầu đang suy thoái và các nhà máy sản xuất lốp của Trung Quốc hoạt động trở lại hậu phong tỏa là các yếu tố gây áp lực giảm biên lợi nhuận gộp mảng lốp xe xuất khẩu.