Doanh nghiệp
Cao su Đắk Lắk kỳ vọng từ tăng giá cao su tự nhiên
Khắc Lâm - 10/03/2022 14:24
Giá cao su tự nhiên trên thị trường thế giới đang tăng mạnh, kỳ vọng sẽ giúp Cao su Đắk Lắk hưởng lợi và tiếp tục duy trì kết quả sản xuất, kinh doanh cao trong năm nay.
Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu cập nhật từ Trading Economics, giá hợp đồng tương lai của cao su tự nhiên trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom) trong phiên cuối cùng của tháng 2/2022 đã giao dịch ở mức 260 JPY/kg (tương đương 2.260 USD/tấn), là mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 5/2021 đến nay.

Nguyên nhân đẩy giá cao su tự nhiên tăng mạnh một mặt được đánh giá đến từ sự tăng cao của giá dầu thế giới, khiến giá cao su nhân tạo được sản xuất từ chế phẩm dầu mỏ tăng theo, bởi thế giá cao su tự nhiên cũng tăng.

Bên cạnh đó, nhu cầu cao su tự nhiên cũng được dự báo tăng trong năm nay khi các nền kinh tế đẩy mạnh phục hồi sản xuất, ngân hàng trung ương của nhiều nước tung ra các gói hỗ trợ lớn, trong khi nguồn cung mặt hàng này hạn chế do thời tiết bất lợi tại một số quốc gia sản xuất cao su tự nhiên.

Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) ước tính sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 đạt khoảng 14,6 triệu tấn, tiêu thụ ở mức 14,4 triệu tấn. Việc giá hợp đồng cao su tự nhiên trên thị trường thế giới tăng mạnh được đánh giá sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất thành phẩm từ mủ cao su hưởng lợi, trong đó có Cao su Đắk Lắk.

Theo báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh tháng 1/2022, do CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (Cao su Đắk Lắk) công bố, trong tháng đầu năm nay, Công ty đã xuất khẩu 930,72 tấn mủ thành phẩm với giá bán bình quân 1.763,87 USD/tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,64 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng xuất khẩu tăng 50,8%, trong khi đơn giá bán bình quân tăng 4,5%. Cùng với việc tiêu thụ 315 tấn ở thị trường nội địa (cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận), tổng cộng doanh thu lũy kế tháng đầu năm của Công ty đạt 2,167 triệu USD, tăng 108% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng trong tháng đầu năm nay, Cao su Đắk Lắk cho biết, đã ký hợp đồng xuất khẩu 614,4 tấn với đơn giá bình quân 1.842,67 USD/tấn, tăng 106% về sản lượng so với hợp đồng ký được trong tháng 1/2021, trong khi về đơn giá, mức tăng là 11,74%. So với tháng 1/2022, mức giá bình quân đã ký kết cũng tăng 4,46%.

Kết quả này cho thấy tình hình tiêu thụ của Công ty trong tháng đầu năm rất tốt với sự cải thiện mạnh cả về sản lượng và giá bán. Với việc giá cao su trên thị trường thế giới đang tăng mạnh, đơn giá bán bình quân dự báo sẽ duy trì xu hướng tăng trong các tháng tiếp theo.

Cao su Đắk Lắk hiện là một trong 50 doanh nghiệp xuất khẩu cao su dẫn đầu năm 2020 tính theo kim ngạch xuất khẩu (xếp thứ 34/50 - Tạp chí Cao su số 1/2021). Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Công ty chủ yếu thực hiện tại công ty con do Công ty đầu tư 100% vốn là Công ty TNHH Cao su Đắk Lắk tại Lào, đang quản lý 8.810 ha cao su, trong đó 8.341 ha đã đưa vào khai thác; 498,64 ha điều và 17,65 ha bạch đàn, 1 nhà máy chế biến mủ công suất 18.000 tấn/năm. Tỷ lệ xuất khẩu chiếm 62,88% sản lượng của Công ty với các thị trường lớn là Đài Loan (21,44%), Ấn Độ (16,24%), Mỹ (14,68%)…

Cơ cấu vườn cây trẻ đem lại năng suất khai thác cao được đánh giá là điểm mạnh của Công ty so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành. Số liệu năm 2020 cho biết, năng suất bình quân đạt 1,8 tấn/ha, trong đó có những lô cao su kinh doanh năm thứ 5, 6 đạt trên 2,65 tấn/ha.

Trong năm 2021, nhờ giá cao su thế giới tăng trưởng tốt, đặc biệt là trong giai đoạn nửa đầu năm đã giúp doanh thu thuần hợp nhất của Công ty đạt 599,8 tỷ đồng, tăng 35,9% so với thực hiện năm 2020. Biên lợi nhuận gộp đạt 42,3%, tăng đến 13,6 điểm phần trăm so với năm 2020. Khấu trừ chi phí, Công ty thu về 77,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 3,17 lần năm 2020. Mặc dù so với kế hoạch đã đề ra, Công ty chỉ vượt 2% mục tiêu doanh thu, nhưng đã vượt 68% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Báo cáo tài chính của Cao su Đắk Lắk cũng cho biết, tính đến cuối năm 2021, Công ty đang có dư nợ vay 278,3 tỷ đồng, giảm 27,4% so với đầu năm và chiếm 25% trong cơ cấu nguồn vốn, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 36,6%. Xét trên cơ cấu nguồn vốn, tỷ lệ nợ vay của Công ty ở mức khá an toàn, chi phí lãi vay cũng không lớn so với lợi nhuận mà hoạt động kinh doanh của Công ty tạo ra.

Tuy nhiên, do hoạt động của Cao su Đắk Lắk tập trung ở công ty con đặt tại Lào, nên dư nợ vay của Công ty chủ yếu bằng đồng kíp Lào (LAK), điều này khiến kết quả kinh doanh chịu tác động khá lớn từ biến động tỷ giá trong bối cảnh thị trường tiền tệ thế giới nhiều biến động thời gian qua. Như trong năm 2021, việc đồng kíp giảm xuống mức thấp nhất 15 năm so với đồng USD đã tăng đáng kể đến chi phí tài chính của Công ty.

Tin liên quan
Tin khác