Sức khỏe doanh nghiệp
Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk: Rủi ro khi giá cao su đảo chiều
Lâm Vũ - 06/09/2021 13:07
Gần như phụ thuộc hoàn toàn vào mảng cao su khiến kết quả kinh doanh của CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk chịu tác động từ biến động của giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới.
Thu hoạch mủ cao su tại Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk

Lãi lớn nhờ giá cao su tăng

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (Cao su Đắk Lắk) cho thấy những số liệu khả quan với doanh thu thuần đạt 242,9 tỷ đồng, tăng 78,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp của Cao su Đắk Lắk tăng đến 6,07 lần, đạt 100,7 tỷ đồng nhờ doanh thu tăng trưởng và biên lãi gộp tăng vọt lên 58,5% từ mức 12,2% cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động tài chính cũng cải thiện khi chỉ còn lỗ 15,1 tỷ đồng, giảm 18,8% so với cùng kỳ 2020 nhờ diễn biến tỷ giá thuận lợi và chi phí lãi vay được tiết giảm. Qua đó, giúp lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt 63,4 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lỗ trước thuế 20,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tại Đại hội cổ đông tháng 4/2021, Ban lãnh đạo Cao su Đắk Lắk đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch 586,9 tỷ đồng tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 60,6 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã hoàn thành vượt 4,6% kế hoạch lợi nhuận đề ra dù chỉ mới đi qua nửa đầu năm. Trong khi theo tính chu kỳ hàng năm, quý IV mới là mùa cao điểm ghi nhận lợi nhuận của doanh nghiệp.

Động lực giúp kết quả kinh doanh của Cao su Đắk Lắk tăng trưởng tích cực chủ yếu đến từ mảng bán các thành phẩm mủ cao su trong bối cảnh giá cao su tự nhiên trên thị trường thế giới liên tục thiết lập các đỉnh cao mới trong nửa đầu năm nay.

Cụ thể, theo cập nhật của Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), giá hợp đồng tương lai cao su tự nhiên tại thị trường Nhật Bản trung bình đạt 2,21 USD/kg trong quý II/2021, tăng 71,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân của sự tăng giá và khối lượng xuất khẩu do 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ tăng nhu cầu nhờ hồi phục kinh tế trong khi thiếu hụt nguồn cung do các quốc gia có sản lượng sản xuất lớn bị ảnh hưởng bởi dịch.

Báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm của Cao su Đắk Lắk cũng cho biết, giá bán bình quân của Công ty trong nửa đầu năm nay đạt 1.797,78 USD/tấn, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp giá trị thu về đạt 10,56 triệu USD, tăng 86,55% so với cùng kỳ năm 2020 dù sản lượng bán chỉ tăng 26,13%. Trong đó, giá bán bình quân các sản phẩm chế biến từ mủ nước (chiếm khoảng 3/4 sản lượng bán) như SVR 3L+, SVR CV60+, SVR CV50+, SVR5 đạt 1.899,61 USD/tấn, còn giá bán bình quân các sản phẩm chế biến từ mủ phụ như SVR10, SVR 20 đạt 1.359,12 USD/tấn.

Bên cạnh lợi nhuận tăng trưởng, dòng tiền kinh doanh của Công ty cũng thặng dư 99,3 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, giúp Công ty giảm thêm 52,6 tỷ đồng nợ vay, đồng thời vẫn gia tăng giá trị tiền và tương đương tiền các loại.

Lo giá cao su đảo chiều

Việc gần như phụ thuộc hoàn toàn vào mảng cao su cũng khiến kết quả kinh doanh của Công ty Cao su Đắk Lắk chịu tác động từ biến động của giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới, vốn là yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp và thường xuyên tăng sốc, giảm sâu trong những năm vừa qua, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp biến động mạnh.

Các đợt bùng phát Covid-19 gần đây của biến thể Delta tại nhiều quốc gia ảnh hưởng lớn đến phục hồi sản xuất. Đặc biệt, nhiều hãng sản xuất ô tô giảm sản lượng do thiếu hụt chip nghiêm trọng khiến tiêu thụ cao su gặp khó.

Trên thị trường thế giới, sau giai đoạn tăng mạnh đầu năm, từ đầu tháng 6/2021 đến nay, giá cao su tự nhiên đang có tín hiệu hạ nhiệt. Đến cuối tháng 8/2021, giá hợp đồng tương lai cao su tự nhiên trên Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) đã giảm về dưới 200 JPY/kg, giảm hơn 20% so với vùng giá hồi cuối tháng 6/2021.

Các đợt bùng phát Covid-19 gần đây của biến thể Delta tại nhiều quốc gia ảnh hưởng lớn đến phục hồi sản xuất. Đặc biệt, nhiều hãng sản xuất ô tô thông báo kế hoạch giảm sản lượng do sự thiếu hụt chip nghiêm trọng, bên cạnh nhu cầu mủ cao su từ lĩnh vực sản xuất găng tay cao su có thể sẽ tiếp tục yếu do nhu cầu không có sự đột biến như năm 2020 là một số nguyên nhân ảnh hưởng đến diễn biến giá cao su gần đây.

Trở lại với Cao su Đắk Lắk, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh tháng 7 của doanh nghiệp cho biết, giá ký hợp đồng xuất khẩu bình quân trong tháng của Công ty chỉ đạt 1.673,59 USD/tấn, thấp hơn 10,6% so với mức giá bán bình quân 6 tháng đầu năm.

Trước đó, trong năm 2017, lợi nhuận của Cao su Đắk Lắk tăng gấp 5,4 lần so với năm 2016 nhờ diễn biến giá bán thuận lợi, nhưng việc giá cao su sụt giảm sau đó đã khiến lợi nhuận giai đoạn 2018-2020 liên tục đi xuống. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 34 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ 24,2 tỷ đồng, qua đó kéo các chỉ số hiệu suất sinh lợi cũng bị suy giảm đáng kể.

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp cao su tự nhiên trong nước như Phước Hòa, Đồng Phú, Cao su Hòa Bình… đã chuyển đổi một phần đất trồng cao su sang làm khu công nghiệp để tận dụng lợi thế quỹ đất rộng, trong khi nhu cầu thuê đất khu công nghiệp và giá thuê tăng cao. Sự chuyển đổi này cũng đã giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp ổn định hơn, giảm sự biến động do phụ thuộc hoàn toàn vào mảng cao su, nhưng với Công ty Cao su Đắk Lắk, do rừng cao su có vị trí địa lý cách biệt nên đang đứng ngoài xu hướng này.

Về cấu trúc tài chính, mặc dù liên tục giảm dư nợ trong thời gian qua, nhưng tính đến ngày 30/6/2021, Công ty đang dư nợ vay 330 tỷ đồng, chi phí lãi vay vẫn đang bào mòn đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là trong những năm điều kiện kinh doanh khó khăn giá bán giảm thấp.

Tin liên quan
Tin khác