Hụt cổ tức từ Khu công nghiệp Nam Tân Uyên
Trong báo cáo tài chính riêng quý III/2022, Cao su Phước Hoà ghi nhận doanh thu đạt 322,28 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 12,32 tỷ đồng, giảm 80,7% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 13,8% về còn 11,3%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 6,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 2,38 tỷ đồng về 36,41 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 93,3%, tương ứng giảm 44,43 tỷ đồng về 3,18 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 27,1%, tương ứng tăng thêm 4,81 tỷ đồng lên 22,58 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Công ty cho biết doanh thu tài chính bất ngờ giảm mạnh trong quý III do trong quý III năm 2021, Công ty có ghi nhận được khoản tiền cổ tức 47,31 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, Cao su Phước Hoà ghi nhận doanh thu đạt 863,86 tỷ đồng, giảm 0,9% và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 261,15 tỷ đồng, tăng 114,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2022 tăng chủ yếu do ghi nhận lợi nhuận khác tăng 1.234,1% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 261,62 tỷ đồng lên 282,82 tỷ đồng. Công ty cho biết khoản tiền thu khác tăng đột biến trong 9 tháng đầu năm bao gồm khoản tiền thu từ đền bù, hỗ trợ thiệt hại theo các Quyết định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III của UBND thị xã Tân Uyên và UBND huyện Bắc Tân Uyên khi bàn giao đất để thực hiện dự án.
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, Công ty mẹ của Cao su Phước Hoà ghi nhận dòng tiền kinh doanh dương 132,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 154,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 48,4 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận âm 219,8 tỷ đồng.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Cao su Phước Hoà giảm 3,8% so với đầu năm về 3.213,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu đầu tư tài chính dài hạn đạt 1.478,5 tỷ đồng, chiếm 46% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 584,3 tỷ đồng, chiếm 18,2% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 441,3 tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 397,9 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng tài sản và các tài sản khác.
Danh mục đầu tư tài chính của PHR tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC). |
Trong danh sách đầu tư tài chính, chủ yếu 917,8 tỷ đồng vào Công ty TNHH Phát triển Cao su Phước Hòa Kampongthom; 128 tỷ đồng vào CTCP Khu công nghiệp Tân Bình; 113,9 tỷ đồng vào Công ty TNHH Cao su và Lâm Nghiệp Phước Hòa Đắk Lắk …
Thêm nữa, điểm đáng lưu ý là Cao su Phước Hoà đang sở hữu 32,85% vốn điều lệ tại CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC - sàn UPCoM) với giá trị sổ sách là 53,03 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính theo giá thị trường hợp lý, khoản đầu tư này trị giá 1.340,4 tỷ đồng, gấp 25,28 lần giá sổ sách.
Ngoài ra, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn bất ngờ tăng 427,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 120,17 tỷ đồng lên 148,3 tỷ đồng và chiếm 4,6% tổng nguồn vốn.
VinaCapital không còn là cổ đông lớn của Cao su Phước Hòa
Ngày 10/8, nhóm quỹ VinaCapital vừa bán ra 460.500 cổ phiếu PHR để giảm sở hữu từ 6,1% về còn 5,76% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ thực hiện bán ra là Vietnam Investment Property Holdings Limited đã bán 460.500 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 483.040 cổ phiếu (0,36% vốn điều lệ) để giảm về 22.540 cổ phiếu (0,02% vốn điều lệ).
Tới ngày 30/8, nhóm VinaCapital tiếp tục bán ra 320.200 cổ phiếu PHR để giảm sở hữu về 4,83% vốn điều lệ và chính thức không còn là cổ đông lớn của Cao su Phước Hòa. Trong đó, quỹ thực hiện là VOF Investment Limited bán 124.800 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 6.665.006 cổ phiếu (4,92% vốn điều lệ) về còn 6.540.206 cổ phiếu (4,83% vốn điều lệ); quỹ Windstar Resources Limited bán 195.400 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 195.440 cổ phiếu (0,14% vốn điều lệ) xuống còn 40 cổ phiếu (0,00% vốn điều lệ).
Cao su Phước Hoà đưa ra 2 phương án hợp tác và đền bù phát triển dự án Khu công nghiệp VSIP III
Công ty vừa thống nhất trình Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) xem xét thỏa thuận giá khởi điểm và phương thức bán cao su thanh lý để bàn giao đất về địa phương thực hiện dự án Khu công nghiệp VSIP III – đợt 2.
Trong đó, 2 phương án hợp tác với Công ty VSIP bao gồm phương án 1, do không thành lập liên doanh nên kiến nghị GVR cho phép Cao su Phước Hòa nhận tiền đền bù hỗ trợ tối thiểu 2,5 tỷ đồng/ha và chia ra nhiều đợt theo tiến độ triển khai của dự án và bàn giao đất.
Phương án 2, thống nhất trình GVR về thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh và tỷ lệ góp vốn của Cao su Phước Hòa là 20% vốn chủ sở hữu đầu tư vào dự án.
Được biết, dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III) có quy mô 1.000 ha, được đầu tư xây dựng tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm với tổng vốn đầu tư 6.407 tỷ đồng. Khu công nghiệp VSIP III được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư vào tháng 11/2016.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/10, cổ phiếu PHR giảm sàn 3.300 đồng về 44.300 đồng/cổ phiếu.