VEC tổ chức thu phí trở lại Trạm thu phí Quốc lộ 51 trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ ngày 5/10. |
Ưu tiên vay ODA Nhật Bản
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 9863/BGTVT-KHĐT gửi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JCA) về việc cung cấp vốn vay cho Dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tại đây, Bộ GTVT đề nghị JICA - một trong hai đối tác từng tham gia tài trợ cho việc xây dựng tuyến cao tốc này cách đây hơn 10 năm cho ý kiến chính thức về khả năng cung cấp vốn vay cho Dự án.
“Đây là cơ sở để Bộ GTVT triển khai các thủ tục đầu tư trong nước đối với dự án được xác định là động lực mới cho khu vực Đông Nam bộ”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Trong Tờ trình số 2735/PMUMT-KTTH gửi Bộ GTVT cuối tuần trước, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án đã đề nghị bộ chủ quản xem xét có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính về đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo phương án sử dụng nguồn vốn ODA của JICA để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, Dự án sẽ đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao An Phú, TP. Thủ Đức (TP.HCM) đến huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai dài 23,76 km từ 4 làn xe hiện hữu lên 8 làn xe, riêng cầu Sông Tắc mở rộng lên 10 làn xe, cầu Long Thành 9 làn xe; tốc độ thiết kế 100 -120 km/h.
Dự kiến tổng mức đầu tư cho đoạn tuyến đề xuất mở rộng khoảng 12.969,4 tỷ đồng, tương đương 566,8 triệu USD. Số vốn đề xuất vay ODA của JICA dự kiến là 10.217,5 tỷ đồng, tương đương 446,6 triệu USD. Nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 2.751,8 tỷ đồng, tương đương 120,27 triệu USD. “Dự kiến thời gian thực hiện Dự án là 5 năm sau khi hiệp định vay cho Dự án có hiệu lực, từ năm 2021 đến năm 2025”, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, phương án vay ODA để thực hiện Dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có ưu điểm là triển khai được ngay, không phụ thuộc vào nguồn vốn khu vực tư nhân, không phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro không lựa chọn được nhà đầu tư (như cao tốc Bắc - Nam phía Đông), từ đó đẩy nhanh tiến độ Dự án.
Một ưu điểm khác của việc vay vốn ODA Nhật Bản là hiện chính sách của JICA cho phép các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các dự án có nguồn vốn của JICA, đồng thời nới lỏng hơn chính sách vay và các quy định về vốn vay. Lãi suất vay với quốc gia có mức thu nhập dưới trung bình khoảng 1,15%/năm, thời gian trả nợ dài (30 năm, 10 năm ân hạn).
Nan giải phương án PPP
Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, quy mô 4 làn xe, được hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2015 do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trực tiếp đầu tư bằng các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), JICA, với tổng mức đầu tư 20.630 tỷ đồng.
Tại Quyết định số 3789/QĐ-BGTVT ngày 23/11/2016, Bộ GTVT đã duyệt thời gian thu phí hoàn vốn dự án là 21 năm (từ năm 2015 đến năm 2036). Theo đó, thời gian thu phí hoàn vốn còn lại là 15 năm. Từ nguồn thu còn lại này, VEC đứng ra trả nợ cho phần vốn vay lại với nguồn vốn vay thương mại lãi suất ưu đãi của ADB.
Đây là yếu tố khiến đơn vị lập dự án đắn đo rất nhiều khi lên phương án huy động vốn cho Dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Được biết, trong quá trình nghiên cứu, Bộ GTVT từng chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cân nhắc phương án triển khai Dự án theo phương thức PPP, trong đó có việc giao VEC tiếp tục đầu tư mở rộng lên 8 làn xe; hoặc tiến hành đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.
Việc giao VEC tiếp tục đầu tư giai đoạn mở rộng và tổ chức thu phí để hoàn vốn cho cả 2 giai đoạn có nhiều thuận lợi, trong đó đáng kể nhất là không tạo xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư cũ với nhà đầu tư mới (nếu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư). Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho rằng, ngoài việc không thuộc đối tượng được chỉ định thầu theo hình thức PPP, bản thân VEC đang có nhiều vấn đề nội tại chưa được xử lý dứt điểm, nên sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn cho dự án mở rộng.
Cụ thể, VEC đang trong quá trình tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc do đơn vị này đầu tư. Tại Công văn số 10609/VPCP-QHQT ngày 6/10/2017, lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bố trí vốn và tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án của VEC, trong đó có tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đồng thời chỉ đạo VEC không được sử dụng dòng tiền của 5 dự án cho các dự án khác, không được chuyển nhượng quyền thu phí của bất kỳ dự án nào.
Cho đến thời điểm hiện nay, việc tái cơ cấu VEC được Bộ Chính trị giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo, xử lý và hiện chưa có kết quả, chưa có ý kiến chỉ đạo chính thức, trong khi vốn chủ sở hữu của đơn vị này không còn để tiến hành đầu tư các dự án mới.
Với phương án triển khai theo hình thức hợp đồng BOT, tuy có ưu điểm là thu hút, huy động được các nguồn lực của xã hội, nhưng tạo xung đột lợi ích vì VEC quản lý thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến năm 2036. “Việc có đến 2 nhà đầu tư cùng lúc chia sẻ doanh thu tuyến đường để hoàn vốn sẽ tạo xung đột rất lớn và dẫn tới vỡ phương án tài chính của cả 2 dự án”, một chuyên gia nhận định.