Đầu tư
Cấp bách xóa nút “cổ chai” mang tên cao tốc TP.HCM - Mỹ Thuận
Bảo Như - 26/06/2023 21:10
Việc sớm hoàn thiện cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận lên quy mô 6 - 8 làn xe sẽ giúp khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long kết nối tốt hơn.
Quy mô đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 được tính toán dựa trên lượng xe cách đây hơn 10 năm, nên ngay khi đưa vào khai thác (tháng 4/2022) đã không đáp ứng được nhu cầu đi lại thực tế.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 6/2023, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới có khoảng 164 km đường cao tốc được đưa vào sử dụng thuộc là 3 tuyến: TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Trong đó, việc nghiên cứu, đầu tư mở rộng đồng bộ 2 tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận đang rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Được biết, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài khoảng 40 km được đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, sau hơn 12 năm khai thác lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đã lên tới 50.000 lượt xe/ngày đêm), thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, năng lực thông hành của tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương cũng không còn bảo đảm khi tốc độ lưu thông hạn chế chỉ đạt khoảng 60-70km/h (so với thiết kế là 100-120km/h).

Đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51km, quy mô 4 làn xe, tuy được đưa vào khai thác vào ngày 30/4/2022 với tốc độ tối đa 80km/h nhưng do làn dừng xe khẩn cấp không liên tục nên chỉ cần xuất hiện 1 sự cố va chạm giao thông cũng có thể gây ùn tắc kéo dài.

Theo số liệu từ đơn vị quản lý vận hành, trung bình mỗi ngày tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận phục vụ hơn 23.000 lượt xe, chạm mốc mãn tải. Vào các dịp lễ, tết, lưu lượng xe trên tuyến cao tốc tăng cao đột biến, trong đó ngày cao điểm nhất trong dịp Tết nguyên đán 2023 ghi nhận tới 39.000 lượt xe qua tuyến.

Để đáp ứng nhu cầu giao thông, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương cần sớm đầu tư, mở rộng lên quy mô 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 120km/h; tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cần đầu tư, mở rộng ngay giai đoạn 2 với mặt đường 6 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100km/h.

Về tính cấp thiết của việc nâng cấp hoàn thiện tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) và đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đã nêu ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại kỳ họp tại thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Trong phần trả lời chất vấn 2 đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết là Bộ GTVT đã có đề xuất phương án nâng cấp tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận và sẽ trình Chính phủ ngay trong tháng 6/2023.

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT,  phần khó và tốn nhiều thời gian nhất khi triển khai các dự án hạ tầng giao thông nói chung là khâu giải phóng mặt bằng.

Ở 2 đoạn tuyến này, các địa phương là TP. HCM, Long An, Tiền Giang đã thực hiện giải phóng đủ 100% mặt bằng cho giai đoạn 2. Đây là điều rất thuận lợi để sớm tiến hành đầu tư nâng cấp, hoàn thiện tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận.

Về phương án đầu tư, ông Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, việc hoàn thiện cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận có thể triển khai theo 2 phương thức: đầu tư công hoặc PPP. Trong bối cảnh ngân sách hiện nay eo hẹp như hiện nay, việc triển khai đầu tư PPP để nâng cấp cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận là điều cần tính đến.

“Nếu hợp nhất được 2 đoạn này vào thành một dự án và triển khai theo phương thức PPP, trong đó Bộ GTVT giữ vai trò là cơ quan có thẩm quyền sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện”, ông Dũng phân tích.

Tin liên quan
Tin khác