Đây là phương pháp quản lý hiện đại, nhằm theo dõi quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.
Quản lý văn minh, toàn diện
Chính phủ vừa thống nhất một số nội dung trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm, giấy phép sẽ bị trừ điểm khi người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo đề xuất, trong trường hợp bị trừ hết điểm, bằng lái sẽ không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp giấy phép lái xe mới phải học và thi trong thời gian ít nhất 6 tháng. Nếu trong một năm, tài xế không bị trừ hết điểm, cơ quan chức năng sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp, hoặc trong một năm mà tài xế không vi phạm thì được cộng điểm.
Bộ Công an cũng đưa ra 28 nhóm hành vi mà tài xế sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền và trừ điểm bằng lái. Trong đó có các lỗi như chạy quá tốc độ 10 - 20 km/h, chở quá số người được phép 50 - 100%, không nhường đường cho xe ưu tiên, vi phạm các quy định về an toàn giao thông trên cao tốc… Nhiều lỗi phổ biến khác cũng nằm trong danh sách bị trừ điểm như đi ngược chiều, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định; không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người điều khiển giao thông hoặc kiểm soát giao thông, biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông...
Dự thảo của Bộ Công an cũng nêu rõ, việc trừ điểm sẽ được áp dụng đối với cả giấy phép lái xe ô tô và mô tô, xe gắn máy. Theo quy định trừ điểm thì hành vi đó sẽ quy đổi mất mấy điểm để cộng các lần vi phạm. Trong một năm, nếu trừ đến bằng 0 thì người vi phạm sẽ mất quyền lái xe.
Theo đại diện Bộ Công an, việc cấp điểm cho giấy phép lái xe theo năm đã tham khảo kinh nghiệm một số nước có hệ số an toàn giao thông cao như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đây là biện pháp quản lý văn minh và toàn diện. Thay vì chỉ quản lý theo từng hành vi đơn lẻ như hiện nay, cơ quan Nhà nước còn có thể theo dõi quá trình chấp hành luật của tài xế sau vi phạm.
Khuyến khích người dân chấp hành pháp luật
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, Cục đang tiến hành và triển khai đồng bộ phần mềm xử lý vi phạm. Khi phần mềm ra đời, hoạt động trên phạm vi toàn quốc thì toàn bộ phương tiện vi phạm, giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ có trong hệ thống phần mềm này. Khi lực lượng chức năng ra quyết định phạt thì đều phải nhập dữ liệu vào hệ thống này, đó là dữ liệu rất quan trọng để theo dõi song song với dữ liệu quản lý cấp, cấp đổi giấy phép lái xe. Công tác này không phát sinh thêm thủ tục hành chính cho người dân.
Đại tá Đỗ Thanh Bình giải thích thêm, trong thời hạn một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu người lái xe bị trừ mà chưa hết điểm thì cơ quan chức năng sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp; nếu không có vi phạm bị trừ điểm thì cũng không được cộng tích lũy điểm sang năm kế tiếp; bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại giấy phép lái xe.
“Với mục tiêu giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, việc triển khai quản lý theo hình thức tính điểm giấy phép lái xe được đánh giá là cơ sở để cung cấp thông tin, tạo thành hệ thống đồng bộ từ phòng ngừa, quá trình thực hiện, giảm thiểu rủi ro và gắn trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân...”, ông Bình nhấn mạnh.
Đồng tình với điểm mới này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, ngoài những lỗi do ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân, còn có nguyên nhân sâu xa từ tình trạng “học giả, nhận bằng thật” diễn ra tại không ít trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe.
“Tất cả đều xuất phát từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông vì chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ an toàn cho chính mình và những người tham gia giao thông khác. Trước thực tế đó, việc cấp điểm cho tài xế và trừ điểm sau mỗi lần vi phạm là hình thức răn đe hiệu quả, buộc lái xe phải nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về giao thông”, luật sư Thái cho biết.
Còn theo Đại úy Bùi Quang Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an huyện Đan Phượng, việc cấp điểm cho giấy phép lái xe đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới, đem lại hiệu quả cao. Về phía cơ quan quản lý, việc cập nhật dữ liệu về lịch sử vi phạm của từng tài xế sẽ giúp đánh giá được năng lực, khả năng chấp hành pháp luật; đồng thời công khai, minh bạch công tác quản lý, ngăn chặn sai phạm và phòng ngừa tiêu cực. Về phía người tham gia giao thông sẽ dễ dàng truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu để biết mình bị trừ bao nhiêu điểm, từ đó buộc họ phải cẩn trọng, tự giác nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Bộ Công an cũng đề xuất cho phép các tài xế chấp hành nghiêm quy định được hưởng một số quyền lợi như được ưu đãi khi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, nhằm khuyến khích người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.