Thời sự
Cấp điện miền Bắc mùa hè 2022 vẫn gặp nhiều thách thức
Hoàng Nam - 02/04/2022 09:53
Dịch bệnh được khống chế, các ngành kinh doanh, dịch vụ quay trở lại hoạt động bình thường và tăng tốc khiến tiêu thụ điện ở miền Bắc sẽ có mức cao ngay trong mùa hè năm nay.

Tiêu thụ điện vẫn tăng mạnh

Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), năm 2021, dù chịu nhiều ảnh hưởng của Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng phụ tải đỉnh của EVNNPC vẫn rất lớn, khoảng 6,7%. Nếu tính cả lượng phụ tải bị tiết giảm thì phụ tải đỉnh tăng trưởng trên 13%.

Các tỉnh có mức tăng trưởng lớn được biết tới là Hải Phòng (26%), Nam Định (17,6%), Phú Thọ (17,4%), Thanh Hóa (24,5%), Thái Bình (15,8%), Vĩnh Phúc (22%).

Với thực tế đại dịch được kiểm soát, các hoạt động đã trở lại bình thường, một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng phụ tải đỉnh lớn trong năm 2022 được dự báo là Vĩnh Phúc (16,6%), Phú Thọ (19,3%), Nghệ An (16,2%), Hưng Yên (15,9%), Thái Nguyên (13,5%).

Trước thực tế này, câu chuyện lo điện cho miền Bắc mùa hè năm 2022 cũng nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo EVNNPC, về cơ bản, hệ thống điện quốc gia vẫn đảm bảo cấp điện cho phụ tải miền Bắc trong năm 2022. Tuy nhiên, vào mùa hè sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng khiến phụ tải sẽ có những thời điểm tăng cao đột biến.

“Sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế, các ngành kinh doanh dịch vụ phát triển trở lại, dự báo phụ tải đỉnh hè năm 2022 sẽ tăng 12 - 15%, có thể đạt 16.500 - 16.950 MW, tức là thêm 2.000 MW so với mùa nắng nóng năm 2021”, lãnh đạo EVNNPC chia sẻ.

Tuy nhiên, ở phía nguồn cung thì sự bổ sung nguồn điện mới lại chưa nhiều. So với năm 2021, miền Bắc chỉ có thêm khoảng 1.000 MW nguồn điện mới trong năm 2022.

Đáng nói là, dù năm 2022 có 47 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động với công suất tăng thêm dự kiến đạt 759,1 MW, nhưng qua các hợp đồng đã ký kết, thì đến hết tháng 4/2022, chỉ có gần 60 MW được đưa vào vận hành; số còn lại đi vào vận hành từ tháng 8 đến tháng 12/2022. Điều này đồng nghĩa với việc mùa nắng nóng chỉ được bổ sung rất ít từ nguồn cung mới.

Bên cạnh đó, năng lực truyền tải của đường dây 500 kV từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc vẫn không có gì thay đổi so với năm ngoái.

Ngoài ra, nhập khẩu điện từ Trung Quốc cũng bị hạn chế.

Do đó, dự báo trong các ngày nắng nóng cực đoan, miền Bắc sẽ thiếu hụt công suất đỉnh vào các khung giờ cao điểm buổi trưa (12h00 -15h00) và cao điểm tối (21h00 - 24h00).

Lại ráo riết điều chỉnh giờ và tiết kiệm

Năm 2021, miền Bắc đã chứng kiến thực tế tiết giảm phụ tải dịp cuối tháng 5 và tháng 6 khi nắng nóng nhiều ngày liên tiếp kéo dài. Mức tiết giảm cao nhất tới hơn 1.500 MW.

Trước thực tế năm 2022 chưa nhìn thấy nhiều nguồn mới và lớn đi vào vận hành, chuyện thương thảo với các khách hàng lớn lại một lần nữa trở thành giải pháp được thực hiện ráo riết nhằm đảm bảo nguồn cung.

“Năm 2022, chúng tôi dự báo tăng trưởng tại khu vực 27 tỉnh miền Bắc vẫn duy trì ở mức cao trên 9%. Vì vậy, ngay từ năm 2021, chúng tôi đã chủ động giao kế hoạch, thực hiện đầu tư đúng tiến độ, có trọng điểm các công trình điện trên các địa bàn quản lý, đồng thời sẵn sàng cho công tác quản lý vận hành, chuẩn bị sẵn các vật tư, thiết bị dự phòng để thực hiện mục tiêu cao nhất của Chính phủ là đảm bảo cấp điện cho doanh nghiệp và phục vụ đời sống nhân dân”, đại diện EVNNPC cho hay.

Để đảm bảo an ninh cung - cầu, EVNNPC đã xây dựng các phương án điều chỉnh phụ tải, làm việc với chính quyền địa phương và các khách hàng lớn về việc điều chỉnh phụ tải, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thời gian ca kíp; ưu tiên cho các phụ tải loại 1 và phụ tải sinh hoạt.

Bên cạnh việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng lưới điện (cải tạo đường dây, xây dựng thêm đường dây mới, nâng công suất máy biến áp, thêm trạm biến áp mới) để đảm bảo nguồn cấp, đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao, điều mà EVNNPC cũng muốn gửi tới khách hàng là sự chung sức, phối hợp với ngành điện để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Tin liên quan
Tin khác