Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM (ảnh: Trọng Tín) |
Theo đại biểu Lê Minh Đức, người dân rất hồ hởi vì TP.HCM đang đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà nhưng vẫn còn tình trạng cán bộ nhận hồ sơ rồi nhắn tin hẹn tới hẹn lui không giải quyết. Có trường hợp người dân nhận được 4 tin nhắn, mỗi lần kéo dài 15 ngày.
Trả lời các đại biểu về vấn đề trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2018, HĐND thành phố đã tiến hành giám sát UBND thành phố về tiến độ cấp giấy chứng nhận nhà ở nói chung và chung cư nói riêng, đến nay đã thực hiện cấp trên 1,6 triệu giấy chứng nhận sở hữu nhà, tăng 27.000 căn so với trước đó.
“Còn lại hơn 17.000 trường hợp chưa cấp vì nhiều lý do như vi phạm xây dựng, tranh chấp, khiếu nại. Từ tháng 6/2018 đến nay, tiếp tục giải quyết được 2.000 trường hợp, còn 15.000 trường hợp đang tiếp tục phân loại giải quyết”, ông Thắng nói và thông tin thêm, phần lớn trong số này còn vướng do xây dựng sai giấy phép, chưa thực hiện chuyển đổi mục đích đất mà đã xây, có tranh chấp khiếu nại ranh đất giữa các hộ dân, hoặc đang chờ phán quyết của tòa án cũng như những trường hợp mua bán bằng giấy tay.
Về chung cư, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và việc buộc phải tuân thủ quy định pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước. Hiện có 62.000 căn hộ thuộc 194 dự án còn vướng chưa thể cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà.
Nguyên nhân theo ông Thắng là do tồn tại các vấn đề sau:
Thứ nhất, trước khi tiến hành xây dựng, chủ đầu tư được cấp phép nhưng đã thế chấp giấy phép này cho ngân hàng. Trên nguyên tắc, khi xây dựng xong, chủ đầu tư phải nộp tiền để giải chấp và nộp lại cho cơ quan quản lý nhà nước để tiến hành cấp giấy chứng nhận cho dân. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư không thực hiện việc này khiến việc cấp giấy chứng nhận cho dân bị ách tắc.
“Sở đã đề xuất giải pháp cho phép ngân hàng giữ lại phần khai thác thương mại trong các dự án để làm cơ sở giải quyết cấp giấy cho người dân trước, đồng thời, cảnh báo người dân khi mua cần nghiên cứu kỹ những vấn đề này”, ông Thắng nói.
Thứ hai, trường hợp chủ đầu tư xây dựng sai so với giấy phép khiến công trình không thể nghiệm thu, ảnh hưởng việc cấp giấy chứng nhận cho dân. Đối với vi phạm này, buộc chủ đầu tư phải xử lý về mặt xây dựng.
Thứ ba, nhiều chủ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng không đồng bộ và tuân theo thiết kế ban đầu của hệ thống chung cư. Điều này cũng gây ảnh hưởng việc cấp giấy.
Về công khai minh bạch thủ tục, ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay Sở Tài nguyên - Môi trường đã công bố 120 thủ tục về đất đai, môi trường và còn 50 thủ tục đang trình UBND TP.HCM.
“Hiện nay, ngành Tài Nguyên - Môi trường có hệ thống một cửa về đất đai. Người dân có thể vào tra cứu. Về việc cán bộ nhũng nhiễu, tôi nhận trách nhiệm. Từ khi chuyển việc cấp giấy chứng nhận về Văn phòng đăng ký đất đai, Sở phải rà soát 1200 cán bộ về năng lực, trình độ để sắp xếp lại. Chúng tôi đã sắp xếp lại 200 trường hợp. Đúng là có chuyện quá trình tiếp nhận hồ sơ, anh em xử sự không đúng quy định. Ngành có quy định nhưng chấp hành không đúng”, ông Thắng thừa nhận.
Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cũng chỉ ra nghịch lý là ngành đất đai hệ thống dữ liệu khổng lồ, lẽ ra cần có hệ thống Công nghệ thông tin hoàn chỉnh nhưng tất cả các phần mềm chưa hoàn chỉnh. Phần mềm của Bộ Tài nguyên - Môi trường không phù hợp.
“TP.HCM đã xin ý kiến UBND TP.HCM và Bộ Tài nguyên - Môi trường ứng dụng một phần mềm riêng và mới đây Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường đã có văn bản đồng ý”, ông Thắng nói.