Đầu tư
Cấp thiết chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam
Anh Minh - 15/05/2020 19:32
Việc chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công không chỉ giúp hoàn thành 654 km đúng yêu cầu của Quốc hội, mà còn tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng, góp phần giúp đất nước sớm phục hồi sau Covid-19.
Các nhà thầu thi công nền đường tại Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, một trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn đầu tư công.

Hôm qua (14/5), Chính phủ đã có tờ trình số 211/TTr-CP trình Quốc hội về việc điều chỉnh chủ  trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Tại Tờ trình số 211, Chính phủ đề xuất 2 thay đổi lớn tại Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông so với Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng 100% vốn ngân sách Trung ương để đầu tư 11 dự án thành phần Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoan 2017 - 2020, trong đó có 8 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP, gồm các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Thay đổi thứ hai là tổng mức đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 chỉ còn 99.493 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với con số 102.513 tỷ đồng được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 (Nghị quyết 52) do loại bỏ chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng.

Trong Tờ trình số 211, Chính phủ cho biết, đến giữa tháng 5/2020, công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán 11 dự án thành phần cao tốc Bắc -  Nam đã cơ bản hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt trên 70% công việc. Nếu các dự án được chuyển đổi sang đầu tư công thì đây là những điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện ngay trong năm 2020. Trong khi nếu tiếp tục triển khai theo hình thức PPP, với những khó khăn về khả năng huy động vốn tín dụng cũng như việc lựa chọn nhà đầu tư thì sẽ không bảo đảm được tiến độ theo yêu cầu.

Trường hợp thuận lợi thì đến giữa năm 2021 mới có thể huy động được tín dụng và bắt đầu triển khai thi công, sẽ không thể hoàn thành dự án theo đúng tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết số 52 của Quốc hội. Nếu nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, sẽ phải chấm dứt hợp đồng và thực hiện các thủ tục theo quy định để chuyển đổi hình thức đầu tư, có thể đến năm 2022 mới bắt đầu triển khai thi công.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang là động lực quan trọng cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tác động lan tỏa lớn

Theo đánh giá của Chính phủ, việc sớm được triển khai thực hiện, hoàn thành và đưa vào khai thác 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế - xã hội, tác động lan tỏa đến sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực, các địa phương liên quan và vùng kinh tế.

Việc chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, giải quyết về công việc và nguồn thu nhập đối với người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước sẽ trực tiếp thi công xây dựng dự án... góp phần thúc đẩy được tăng trưởng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án thành phần là sự chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo.

Hơn nữa, việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sẽ bảo đảm sự chắc chắn thành công trong quá trình triển khai Dự án, giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng, giảm chi phí dự phòng trượt giá do đẩy nhanh tiến độ thực hiện…; tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là khoảng 99.493 tỷ đồng (trong đó bao gồm 55.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được xác định tại  Nghị quyết số 52).

Điều này sẽ giúp giảm khoảng 19.223 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại Nghị quyết 52 (118.716 tỷ đồng). Số vốn còn lại 44.493 tỷ đồng, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cân đối, bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông - Vận tải. Chính phủ sẽ chỉ đạo, tổng hợp trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của quốc gia, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Mặt khác, sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ nghiên cứu phương án phù hợp để thu hồi vốn nhà nước; mặc dù chưa thể bù đắp ngay cho Ngân sách Nhà nước trong giai đoạn trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ tạo nguồn thu, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.

Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan đã cơ bản hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào khai thác chính thức trong quý II/2020.

Dành tín dụng cho doanh nghiệp, người dân vượt Covid-19

Trao đổi về vấn đề này, tại cuộc họp mở rộng để thẩm tra nội dung trên của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 14/5/2020 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Hùng, hiện dư nợ tín dụng của các dự án BOT giao thông hiện nay khoảng 102.000 tỷ đồng. Trong đó, 59/116 dự án có doanh thu không đảm bảo phương án tài chính, doanh thu không đủ trả nợ ngân hàng.

Nghiêm trọng hơn, 43/116 BOT giao thông đang phải cơ cấu chuyển đổi nợ với tổng số tiền khoảng 66.474 tỷ đồng, gồm: 10 dự án khả năng chuyển ngay sang nợ xấu với số tiền 14.618 tỷ đồng và 33 dự án có nguy cơ chuyển sang nợ xấu với số tiền trên 51.000 tỷ đồng. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng hiện nay phải tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn, các giới hạn cấp tín dụng theo quy định tại Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn phải được điều chỉnh giảm dần, từ 1/1 - 30/9/2020 là 40%; từ 1/10/2020 - 30/9/2021 là 37%; từ 1/10/2021- 0/9/2022 là 34% và từ ngày 1/10/2022 còn 30%.

Đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, ông Hùng cho biết, các nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu, họ có năng lực về thi công nhưng năng lực về tài chính còn nhiều hạn chế.

“Chủ đầu tư chủ yếu là những nhà thầu thì rất khó thuyết phục  ngân hàng cho vay số tiền lên đến 5.000 - 10.000 tỷ đồng đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam. Tôi chưa hình dung ra, nhưng khả năng là không ngân hàng nào họ đồng ý cho vay. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, không một cơ quan nào có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phải cho vay khi dự án không có hiệu quả tài chính hoặc là nhà đầu tư không đủ năng lực; các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam có tổng mức đầu tư lớn, nên nguồn vốn vay ngân hàng có thể vượt giới hạn cấp tín dụng trong khi hiện nay hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng”.

“Việc chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công trong bối cảnh hiện nay là cấp thiết và phù hợp với thực tiễn”, ông Hùng nói.

Tại thời điểm Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị Quyết 52, Chính phủ cũng đã nhận diện rõ những khó khăn về việc huy động nguồn vốn tín dụng, trong thời gian qua, Chính phủ đã giao Ngân hàng nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ ngành để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xử lý. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có giải pháp khả thi để giải quyết triệt để các khó khăn nêu trên, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, các ngân hàng thương mại đang tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục các tác động của Covid-19.

Kết luận cuộc họp, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Đa số các đại biểu đều thống nhất việc phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam để đảm bảo chất lượng và hiệu quả đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của Covid-19, đồng thời ủng  hộ đề xuất của Chính phủ như trong tờ trình; đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, các công trình trọng điểm quốc gia tạo sự lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tuy nhiên, thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi hình thứ đầu tư thuộc Quốc hội, chính vì vậy, đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải cần phải hoàn thiện hồ sơ và giải trình các ý kiến của đại biểu để đảm bảo tính thuyết phục”.

Tin liên quan
Tin khác