. |
Lý do là vì, quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch mang tính chiến lược, là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước… Có nghĩa, khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, thì việc xây dựng các quy hoạch khác sẽ “tắc”. Trong khi đó, đây là giai đoạn nhiều quy hoạch đã sắp hết hạn, cần nhanh chóng xây dựng để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước, của địa phương, của các ngành…
Có lẽ, đó cũng là lý do để cuối tuần trước, Hội đồng Quy hoạch quốc gia đã chính thức nhóm họp để bàn thảo kế hoạch tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, Luật Quy hoạch có hiệu lực sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong công tác quy hoạch. Trong đó, xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp được coi là một đổi mới trọng đại, ảnh hưởng tới chiến lược phát triển của cả đất nước. Vì vậy, dễ hiểu vì sao, đây sẽ là công việc không đơn giản, đòi hỏi không chỉ sự quyết tâm chính trị rất lớn từ các bộ, ngành, địa phương, mà còn đòi hỏi tầm nhìn xa, mang tính chiến lược của mỗi cá nhân tham gia xây dựng quy hoạch. Chính phủ thành lập Hội đồng Quy hoạch quốc gia cũng vì tính phức tạp của việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Hội đồng, đã chủ động nghiên cứu và đề xuất Kế hoạch tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời cũng đã có những đề xuất ban đầu về việc phân vùng kinh tế.
Tuy nhiên, xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, chỉ nỗ lực của riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là không đủ. Bởi quy hoạch tổng thể quốc gia liên quan đến rất nhiều vấn đề, bao gồm cả việc phân vùng và liên kết vùng; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế… Chưa kể, hiện nay, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đang được dự thảo để trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đây cũng chính là căn cứ quan trọng để xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng đang chuẩn bị xây dựng các chiến lược, quy hoạch ngành quốc gia, còn các địa phương đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 cũng như lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị - nông thôn…
Tại cuộc họp của Hội đồng Quy hoạch quốc gia tuần trước, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan tích cực nghiên cứu, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, để trình Hội đồng Quy hoạch quốc gia, Chính phủ xem xét trong tháng 12/2019.
Đây là khối lượng công việc khổng lồ và vô cùng thách thức, bởi việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia phải làm sao bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phải thực hiện đồng thời với các quy hoạch khác. Nhưng đó là việc phải gấp rút hoàn thành, vì tương lai phát triển của cả đất nước.