Số tiền mà CapitaLand bỏ ra để sở hữu Asia Square Tower 2 là 2,09 tỷ đô la Singapore (SGD – tương đương 1,54 tỷ USD). |
Giao dịch “khủng”
CapitaLand Commercial Trust (thuộc Tập đoàn CapitaLand, Singapore) vừa đạt được thỏa thuận mua lại tòa tháp Asia Square Tower 2 - tòa nhà trọng điểm trong tổng thể các dự án thương mại tầm cỡ thế giới tại trung tâm tài chính Marina Bay của Singapore. Số tiền mà CapitaLand bỏ ra để sở hữu Asia Square Tower 2 là 2,09 tỷ đô la Singapore (SGD – tương đương 1,54 tỷ USD). Đây là giao dịch tài sản văn phòng có giá trị lớn nhất Singapore và Châu Á Thái Bình Dương và lớn thứ hai trên toàn cầu tính đến thời điểm tháng 9/2017. Đơn vị tư vấn và đại diện cho thương vụ là Quỹ Đầu tư bất động sản BlackRock Asia III, thực hiện giao dịch chuyển nhượng là Công ty tư vấn đầu tư bất động sản JLL.
Trước đó, tòa tháp Asia Square Tower 1 đã được chủ đầu tư bán cho Quỹ đầu tư quốc gia Qatar trị giá 3,4 tỷ SGD (2,45 tỷ USD) vào tháng 6/2016. Toàn bộ tài sản của Square Asia bao gồm tòa tháp Tower 1, tòa tháp Tower 2 và khách sạn Westin Singapore, có tổng giá trị lên đến 5,8 tỷ SGD (4,3 tỷ USD). Cả ba tài sản đều đã bị thâu tóm lần lượt vào các năm 2014, 2016 và 2017.
Theo ông Stuart Crow, Giám đốc Thị trường Vốn Châu Á Thái Bình Dương, thương vụ của Asia Square Tower 2 cho thấy xu hướng những ông lớn bị hấp dẫn bởi những giao dịch khổng lồ tại châu Á. Quá trình thực hiện chuyển nhượng thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư toàn cầu và gửi một thông điệp rõ ràng về sự hồi phục liên tục của thị trường văn phòng tại Singapore.
"Với vị trí đắc địa và những tiện ích đẳng cấp, Asia Square là một trong những tài sản bất động sản thương mại tốt nhất ở Singapore, và rộng hơn nữa là châu Á. Rất khó để có thể tiếp cận được những tài sản chất lượng tốt và danh tiếng như thế, nhưng chúng tôi kỳ vọng sự quan tâm đối với các văn phòng hạng A ở Singapore sẽ ngày càng tăng lên sau những thương vụ như thế này", ông Stuart Crow nói.
Còn ông Greg Hyland, Giám đốc Thị trường vốn Singapore, JLL cho rằng, “thị trường văn phòng Singapore thực sự bắt đầu tăng tốc và thỏa thuận này có khả năng thúc đẩy mối quan tâm hơn nữa, cả trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư sẽ nhận ra rằng họ đang trong giai đoạn mà có khá nhiều cơ hội tốt để nắm bắt những tài sản chất lượng, nhưng chúng tôi dự đoán giá bán sẽ tăng trong những quý tiếp theo khi nguồn cung bắt đầu giảm dần từ nay đến cuối năm 2019”.
Kênh đầu tư ưa thích
Toàn bộ tài sản của Square Asia bao gồm tòa tháp Tower 1, tòa tháp Tower 2 và khách sạn Westin Singapore, có tổng giá trị lên đến 5,8 tỷ SGD (4,3 tỷ USD) đều đã bị thâu tóm lần lượt vào năm 2014, 2016 và 2017. |
Cùng chung nhận định với JLL, CBRE – một đơn vị tư vấn bất động sản có trụ sở chính tại Hoa Kỳ cho rằng, bất động sản quốc tế tiếp tục là một loại tài sản hấp dẫn các nhà đầu tư, khi đầu tư ra nước ngoài của châu Á vào lĩnh vực này tăng đáng kể so với năm trước trong nửa đầu năm 2017. Cụ thể, đã có khoảng 45,2 tỷ USD vốn đầu tư ra của các nhà đầu tư châu Á đã được đầu tư trực tiếp vào tài sản quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng 98,4% so với 22,8 tỷ USD đạt được cùng kỳ năm ngoái.
Sức mạnh trong đầu tư ra nước ngoài của nguồn vốn từ châu Á chủ yếu do sự ưa thích của các nhà đầu tư đối với các giao dịch mua bán lớn trong lĩnh vực bất động sản toàn cầu. Trong nửa đầu năm 2017, 74% các khoản đầu tư cam kết đã được triển khai vào quá trình chuyển đổi có giá trị 250 triệu USD trở lên, so với 56% cùng kỳ năm 2016.
Cũng theo CBRE, các nhà đầu tư Châu Á vẫn tiếp tục quan tâm tới các thị trường Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi (EMEA) và châu Mỹ, thu được 21,9 tỷ đô la Mỹ, chủ yếu là do một khoản 13,2 tỷ đô la Mỹ từ việc mua các bất động sản kho vận và hậu cần. Các khoản đầu tư trong khu vực Châu Á tiếp tục tăng trưởng, kết thúc nửa đầu năm là 10,4 tỷ USD và chiếm 23% tổng vốn đầu tư. Các thị trường Thái Bình Dương ít hấp dẫn các nhà đầu tư châu Á, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,6 tỷ USD.
Ông Tom Moffat, Giám đốc điều hành Thị trường nguồn vốn, CBRE Châu Á chia sẻ: “Nhu cầu đầu tư vào bất động sản nước ngoài của các nhà đầu tư châu Á rất mạnh mẽ và bền vững trong tương lai gần. Tuy nhiên, loại hình giao dịch, đa dạng địa lý và danh mục đầu tư là những phần có sự thay đổi rõ nét nhất trong năm 2017.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổ chức đầu tư đến từ châu Á tiếp tục đóng vai trò là những người chơi có ảnh hưởng hơn trong lĩnh vực bất động sản quốc tế, được hỗ trợ bởi một số giao dịch đánh dấu tại EMEA và châu Mỹ. Nghiên cứu của CBRE ước tính rằng khoảng 64% tất cả các hoạt động huy động vốn của EMEA và 35% các quỹ đầu tư châu Mỹ có nguồn gốc từ châu Á đều từ các tổ chức đầu tư.
Sự đa dạng trong các hạng mục đầu tư tiếp tục là xu thế chính trong chiến lược đầu tư tải sản khi các nhà đầu tư châu Á tái cân bằng danh mục đầu tư bất động sản quốc tế. Theo CBRE, văn phòng và logistic là những ngành hấp dẫn nhất của ngành bất động sản thương mại đối với các nhà đầu tư Châu Á, chiếm 44% và 34% tổng vốn cam kết trong nửa đầu năm. Khu dân cư (7%), khách sạn (7%), bán lẻ (6%) và các hạng mục đặc biệt như viện dưỡng lão (2%) vẫn là những hạng mục đầu tư thích hợp trên toàn cầu.
Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất nhất nhờ vào một nhóm các nhà đầu tư mới tích cực hơn trong 6 tháng đầu năm mặc cho nhiều quy định siết chặt. Trong đó, các quỹ đầu tư quốc gia nổi lên như lớp nhà đầu tư độc nhất và lớn nhất trong nửa đầu năm 2017, nâng tổng mức huy động vốn lên 25,6 tỷ USD so với 10,1 tỷ USD năm trước. Các công ty bất động sản ở Trung Quốc và các tập đoàn cũng là những đơn vị mua bất động sản bất động sản nước ngoài đáng kể trong sáu tháng đầu năm 2017.
Gần đây, một vòng kiểm soát vốn đã được ban hành bởi Hội đồng Nhà nước và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) vào ngày 18 tháng 8 đã được ban hành, với trọng tâm là đầu tư bất động sản ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo CBRE, động thái điều chỉnh này không ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư ra nước ngoài trong trung và dài hạn, nhưng có thể tái lập lại chiến lược đầu tư.
"Các dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng Trung Quốc vẫn là nguồn vốn đầu tư bất động sản thương mại nước ngoài lớn nhất (cả mới và vốn đã lưu hành ở nước ngoài) từ châu Á trong 6 tháng đầu năm năm 2017. Các quy định mới sẽ giúp đảm bảo rằng đầu tư ra nước ngoài trong tương lai sẽ được tập trung nhiều hơn về tài chính và chiến lược, nhưng tác động của vốn Trung Quốc vào các thị trường bất động sản chính trên thế giới sẽ còn tiếp tục trong một thời gian", ông Robert Fong, Giám đốc Nghiên cứu, CBRE Châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh.