Ông Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công Nghiệp Cao Su Miền Nam (mã: CSM) cho rằng, 2018 là một năm thực sự khó khăn đối với Công ty khi hoạt động sản xuất kinh doanh của lốp toàn thép chưa hiệu quả, sức cạnh tranh yếu trên thị trường,….khiến kế hoạch lợi nhuận năm không hoàn thành.
Doanh nghiệp trong ngành săm, lốp như Casumina phải đối mặt với sự biến động khó dự báo của nguyên vật liệu đầu vào, khan hiếm các loại hóa chất phục vụ ngành sản xuất săm lốp do chính sách bảo vệ môi trường một cách nghiêm ngặt của các nước xuất khẩu. Cùng với đó là các thương hiệu săm lốp nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... đã làm cho các doanh nghiệp nội địa chật vật trong chính sách tồn trữ và bán hàng.
Cụ thể, sự đa dạng của dãy sản phẩm cùng loại giữa các doanh nghiệp săm lốp (đặc biệt là phân khúc giá rẻ) đã đẩy các doanh nghiệp (cả nội địa lẫn nước ngoài) vào cuộc chiến về giá bán. Ông Nguyễn Xuân Bắc đánh giá điều này, dẫn đến hệ lụy là hiệu quả của toàn ngành săm lốp xe nội địa giảm đi rõ rệt. Thêm vào đó, sự bất đồng trong chính sách thương mại giữa các nước đã đẩy sản lượng săm lốp tồn đọng xuất khẩu sang Việt Nam (đặc biệt là nhóm lốp ô tô tải toàn thép – TBR).
Tỷ trọng doanh thu từ xuất khẩu của Casumina chiếm khoảng 35% trong năm 2018 và dự kiến tăng lên 40%-45% trong năm 2019. Tuy nhiên, Casumina sẽ chịu ảnh hưởng từ biến động tỷ giá do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu như cao su tổng hợp, than đen, hoá chất,…
Tại thị trường nội địa, doanh thu của Casumina giảm 11% so với cùng kỳ năm 2017. Sự cạnh tranh của các thương hiệu nhập khẩu nổi tiếng như Bridgestone, Goodyear, Michellin, Maxxis, Chengshin, Hankook... đặc biệt từ Trung Quốc đối với nhóm sản phẩm lốp TBR giá rẻ đã tạo áp lực mạnh mẽ đối với Casumina.
Cùng với đó, sự sụt giảm doanh thu nội địa còn do sản lượng tiêu thụ nhóm lốp xe đạp xe máy gặp nhiều khó khăn, áp lực cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm nhập khẩu. Nhóm lốp ô tô Bias vành nhỏ giảm do việc thay đổi chính sách của Nhà nước Việt Nam về các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các doanh nghiệp lắp ráp xe nội địa.
Không chỉ Casumina, lãi ròng giảm còn diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp săm lốp như Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng (DRC) hay Công ty cổ phần cao su Sao Vàng (SRC).
Dù vậy, với mức biên lợi nhuận gộp 12% (cao hơn 2,3% so với cao su Đà Nẵng) nhưng lãi ròng Casumina trong quý I/2019 thấp hơn 8 lần so với đối thủ trên, chỉ đạt 2 tỷ đồng. Các chi phí tài chính trong quý của Casumina cũng tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018.
Nợ vay trong năm 2018 cũng chiếm hơn 50% trong cơ cấu tổng nguồn vốn của Casumina, tăng cao so với năm 2017 và dự kiến tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu vốn năm nay khiến chi phí lãi vay cũng tăng theo.
Theo mục tiêu đến 2023, Casumina đặt kế hoạch sẽ đạt doanh thu 6.800 tỷ đồng nhờ nương theo mức tăng trưởng 5.8% của nền công nghiệp ô tô và các doanh nghiệp sản xuất xe máy trong năm qua như một yếu tố quan trọng trong việc duy trì, phát triển chuỗi cung ứng, cung cấp linh kiện và thay thế.
Hiện, Tập đoàn Hoá chất nắm lần lượt 51% vốn tại mỗi công ty là Casumina, cao su Đà Nẵng và cao su Sao Vàng, cũng như đang trong lộ trình thoái vốn tại các công ty con này.
So sánh kết quả và kế hoạch kinh doanh năm 2019 của 3 doanh nghiệp săm lốp nội địa (Đvt: Tỷ đồng)
Chỉ tiêu | Kết quả năm 2018 | Kế hoạch năm 2019 | ||
Doanh thu thuần | LNST | Doanh thu tiêu thụ | LNTT | |
Casumina | 3.891 | 24 | 4.567 | 80 |
DRC | 3.551 | 141 | 4.088 | 157 |
SRC | 925,2 | 12,2 | 915 | 32 |