Thời sự
Cắt giảm điều kiện kinh doanh không thể mãi là... cuộc chiến (Kỳ 3)
Khánh An - 20/08/2018 08:24
Nếu việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là cuộc chiến giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, thì giới kinh doanh sẽ còn nhấp nhổm chưa yên. Lúc này, môi trường kinh doanh cần những người hành động vì sự thuận lợi của doanh nghiệp.

Kỳ 3: Không để doanh nghiệp gục ngã

20 năm trước, nhiều điều kiện kinh doanh vô lý đã chặn đường lớn lên của hàng ngàn doanh nghiệp. Hiện tại, đó là lý do làm héo mòn sức sáng tạo của người Việt và làm gục ngã nhiều doanh nghiệp. Yêu cầu phát triển đất nước đang đặt cả cơ quan nhà nước và doanh  nghiệp vào thế phải làm khác. Không thể tồn tại những kiến nghị, đề xuất cải cách mà như rơi vào thinh không...

Đây là thời điểm phải thay đổi không chỉ tư duy, mà cả phương thức kiểm soát, giám sát quy định về điều kiện kinh doanh.

Sự chậm chân của tư duy? 

Giữa điểm nóng mang tên Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) có một văn bản riêng, dày 16 trang, gửi Văn phòng Chính phủ. Tiêu đề của văn bản này khá đặc biệt, đó là bình luận và góp ý cho Dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) và đề xuất không nên thông qua dự thảo này.

“Tư duy của Bộ Giao thông - Vận tải trong dự thảo này là điển hình của sự không đổi mới. Lấy cách thức hiện hữu áp đặt cho phương thức kinh doanh mới không thể giải quyết bất cập hiện tại, thậm chí còn tạo rào cản cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM lý giải.

Thực ra, Dự thảo đã trình Chính phủ có không ít điểm mới, đã đơn giản hóa, bãi bỏ một số quy định về điều kiện kinh doanh, như đã cắt giảm quy định về niêm yết logo, màu sơn biểu trưng, điều kiện về trung tâm điều hành, tần số, thiết bị liên lạc, đồng phục, thẻ tên lái xe taxi..., nhưng những thay đổi đó là chưa đủ. 

Bóc tách chi tiết các quy định của Dự thảo, các chuyên gia của CIEM cho rằng, cách tiếp cận chi phối là người dân, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những gì pháp luật quy định. Họ đã đếm được yêu cầu siết chặt kinh doanh vận tải được lặp lại 3 lần trong Tờ trình, 22 lần quy định giao thẩm quyền cho Bộ Giao thông - Vận tải quy định thêm. Họ còn phát hiện biểu hiện cài cắm lợi ích ngành, đưa ngay điều kiện kinh doanh vào định nghĩa rằng, “đơn vị kinh doanh vận tải là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải đã được Sở Giao thông - Vận tải cấp giấp phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”, thay vì đáng ra phải hướng vào mục tiêu bãi bỏ ít nhất 50% điều kiện kinh doanh hiện hành, hay đảm bảo an toàn, giảm chi phí cho doanh nghiệp như chỉ đạo của Chính phủ trong gần 3 năm qua. 

Hệ quả là, nhiều phương thức, mô hình kinh doanh, hay nói rộng hơn là quyền quyết định kinh doanh của doanh nghiệp bị can thiệp thô bạo, từ hợp đồng chạy xe, biểu đồ chạy xe đến các giao kết giữa nhà xe và bến xe... 

Sự lo lắng của ông Cung không chỉ nằm ở phía cơ quan quản lý nhà nước. Kể từ khi được khởi động sửa đổi vào năm 2016, dự thảo này luôn gây bão trong giới kinh doanh mỗi được đưa ra lấy ý kiến. Không dưới 1 lần, các hiệp hội taxi Hà Nội và TP.HCM có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giữ nguyên số lượng xe tối thiểu với doanh nghiệp taxi hay phải quản lý các loại hình taxi điện tử như taxi truyền thống...

“Tôi đặc biệt lo lắng với tư duy này, vì họ bảo vệ những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp đang hoạt động, thay vì ủng hộ mở cửa thị trường, mở rộng người chơi để tạo sân chơi cạnh tranh bình đẳng cho thị trường vận tải ô tô. Nếu doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp kinh doanh truyền thống không vượt qua được lợi ích nhóm, không đặt nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh lên trên khi tham gia phản biện, xây dựng chính sách, chính họ lại kìm hãm môi trường kinh doanh”, ông Cung nói.

Không chỉ kìm hãm môi trường kinh doanh, lợi ích nhóm, sự chậm chân của tư duy sẽ kéo lùi, thậm chí đẩy doanh nghiệp Việt Nam ra bên lề của xu hướng phát triển, không thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như mục tiêu của Nghị quyết 10-NQ/TW.

Không để doanh nghiệp gục ngã vì rào cản vô lý

Cho tới thời điểm này, vài ngày sau hạn chót 15/8/2018,  số lượng văn bản sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh mà các bộ, ngành phải trình lên các cấp có thẩm quyền gần như đã hoàn tất. Nhưng, mối lo lắng về chất lượng các bản dự thảo vẫn còn. CIEM thậm chí đã có lịch hội thảo bàn về nội dung này vào ngày mai (21/8).  

Cách đây một tháng, khi các dự thảo trên bắt đầu được đưa ra lấy ý kiến doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã buộc phải đề xuất thay đổi cách phân giao nhiệm vụ soạn thảo các dự thảo liên quan đến điều kiện kinh doanh với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

“Trong nội bộ từng bộ, đề nghị các bộ trưởng không giao các vụ, cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép lại là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án hay chủ trì soạn thảo các nghị định, thông tư cải cách cấp phép này. Những đơn vị đang cấp phép không có động lực và tìm cách giữ lại quyền của mình. Quy định cải cách cần giao cho các đơn vị độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác”, ông Lộc khuyến nghị.

Hơn thế, các khảo sát của VCCI còn nhìn thấy sự thiếu triệt để trong khá nhiều phương án cải cách, vì chạm trần quy định của luật, nhưng lại chưa thấy các bộ, ngành đề xuất sửa đổi. Một trong những lý do mà Nghị định 86/2014/NĐ-CP không thể giải quyết hết các rào cản là do quy định tại Luật Giao thông đường bộ.

Tỷ lệ DN công nghệ cao và doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp chế biến - chế tạo
Tỷ trọng số lượng doanh nghiệp công nghệ cao tăng từ 11,4% lên 12,68%; doanh nghiệp tư nhân tăng từ 96,5% lên 97,7%.
Tỷ trọng lao động trong doanh nghiệp công nghệ cao tăng từ 13,81% lên 18,12%; trong doanh nghiệp tư nhân tăng từ 95,1% lên 97,2%.
Tỷ trọng doanh thu của doanh nghiệp công nghệ cao tăng từ 27,05% lên 40,11%; trong doanh nghiệp tư nhân tăng từ 86,3% lên 92,4%.
Giai đoạn 2011-2015; Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia về chính sách công tại Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho rằng, đây là thời điểm phải thay đổi không chỉ tư duy, mà cả phương thức kiểm soát, giám sát quy định về điều kiện kinh doanh.

Ở một số quốc gia, cơ chế này được quy định rõ ràng. Canada có nguyên tắc “một đổi một” - nếu đưa ra một điều kiện mới thì phải bãi bỏ một điều kiện hiện hành. Còn tại Mỹ, khi vừa nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã đặt mục tiêu cắt bỏ 70% quy định hành chính và coi đó là một chiến lược để đưa nước Mỹ “hùng mạnh trở lại”... 

“Chúng tôi đã đề xuất thành lập cơ quan giám sát tiến trình cắt giảm rào cản kinh doanh, xa hơn là thiết kế và xây dựng những nền tảng cho việc ban hành quy định liên quan. Nguyên tắc là không là tách chức năng thiết kế quy định ra khỏi chức năng thực thi và Nhà nước phục vụ, chứ không quản lý”, ông Đồng nói.

Năm ngoái, CIEM cũng đã chủ động xây dựng Dự thảo Nghị định về Kiểm soát điều kiện kinh doanh, như một công cụ hiệu quả trong cải cách về điều kiện kinh doanh. Văn bản này đã quy định 5 tiêu chí điều kiện kinh doanh và nội hàm của từng tiêu chí (sự cần thiết, hiệu lực; tính hợp lý; hiệu quả; tính cụ thể, rõ ràng, chính xác, dễ hiểu, tính hợp pháp), liệt kê đầy đủ biện pháp quản lý mà cơ quan soạn thảo đã cân nhắc...

“Nhưng đề xuất không thành, vì thiếu cơ sở pháp lý. Chúng tôi đang tính tới đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vì tính đặc thù của điều kiện kinh doanh, nhất là đòi hỏi về thẩm định độc lập. Tôi cũng nghĩ, đây là thời điểm rất tốt để làm việc này”, ông Cung nói.

Trở lại buổi công bố Báo cáo Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 tại VCCI. Hôm đó, đại diện doanh nghiệp kinh doanh gas, doanh nghiệp ngành in, doanh nghiệp thực phẩm.... đã đứng lên cám ơn các bộ, ngành, cám ơn các hiệp hội doanh nghiệp đã sát cánh để hàng loạt rào cản kinh doanh vô lý được cắt giảm.

Nhưng, nhiều doanh nghiệp đã không thể chờ đợi đến ngày này để nói lời cám ơn, vì không đủ nguồn lực, thậm chí là niềm tin để vượt qua chặng đường chờ đợi trong im lặng. 

Đã đến lúc, các yêu cầu cải cách phải là mục tiêu hoạt động, chứ không thể là cuộc chiến giành giật quyền lợi giữa quản lý nhà nước và quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

"Nếu chúng ta không đồng bộ, không áp từ trên xuống thì không ai muốn cải cách”. 

 Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Nếu chúng ta không đồng bộ, không áp từ trên xuống, thì không ai muốn cải cách, vì cán bộ thực thi thủ tục không muốn rời bỏ quyền lợi. Với vai trò gác cổng, Văn phòng Chính phủ sẽ có kênh đánh giá độc lập, làm rất kỹ, tránh tình trạng cắt giảm hình thức hoặc cắt điều kiện này lại mọc điều kiện khác.

"Ép Grab, Uber vào khuôn của taxi truyền thống là sai lầm nghiêm trọng”.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Những hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới có thể chưa được khuyến khích, có thể bị cấm hoạt động... hay có thể phải chịu những rào kỹ thuật nào đó, nhưng không có nghĩa là triệt tiêu phương thức kinh doanh này. Ép Grab, Uber vào khuôn của taxi truyền thống là sai lầm nghiêm trọng.

Tin liên quan
Tin khác