Thời sự
Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Sức nóng cần được chuyển về lãnh đạo địa phương
Khánh An - 17/11/2018 09:00
Số điều kiện kinh doanh đã cắt giảm, sửa đổi, thay thế tiếp tục tăng lên, nhưng điều này chưa đồng nghĩa với chi phí kinh doanh của doanh nghiệp (DN) giảm tương ứng. Sức nóng cắt giảm đang cần được chuyển về lãnh đạo địa phương.
TIN LIÊN QUAN

Những khoản chi phí kinh doanh bị loại dần

Sau hơn 2 năm, kiến nghị loại bỏ ngành nghề kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đạt được kết quả lớn. Chính phủ đã chính thức bãi bỏ Nghị định 87/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy. 

.

Tất nhiên, để chính thức xóa tên ngành nghề này ra khỏi danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần thêm một bước thủ tục pháp lý là sửa đổi Luật Đầu tư. Song, điều quan trọng là Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan chủ trì xây dựng và kiên quyết bảo vệ Nghị định 87/2016/NĐ-CP, cũng là cơ quan đã đề xuất bãi bỏ nghị định này. 

“Để có quyết định trên, chắc chắn không đơn giản, vì tôi đã chứng kiến các bộ, ngành khi góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh chỉ quan tâm đến 2 việc. Một là, có lấy đi chức năng, công việc gì bộ đang làm không. Hai là, có giao thêm trách nhiệm gì không. Hầu như tôi không nghe thấy câu hỏi DN sẽ được gì, mất gì với các quy định đó”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) chia sẻ.

Lần này, với việc bãi bỏ toàn bộ nội dung của Nghị định 87/2016/NĐ-CP, DN sẽ được lợi nhiều khi không phải tuân thủ hàng loạt điều kiện kinh doanh không cần thiết, đi cùng với đó là những khoản chi phí tuân thủ tiết kiệm được. Những DN tới đây tham gia lĩnh vực này sẽ không bắt buộc phải bỏ tiền để đầu tư đủ loại thiết bị như thiết bị ép, khuôn mẫu phù hợp để sản xuất vỏ mũ, thiết bị sản xuất mút xốp…, những thiết bị mà họ hoàn toàn có thể thuê, mượn hoặc tham gia một phần trong chuỗi sản xuất.

Các điều kiện kinh doanh trong Nghị định 87/2016/NĐ-CP chỉ là một số trong hơn 3.000 điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ, sửa đổi, thay thế. Nghĩa là, những khoản chi phí DN có thể cắt giảm được sẽ dày lên tương ứng. 

Nhưng, quan trọng hơn, tư duy quản lý tôn trọng thị trường, tôn trọng quyền kinh doanh của DN thay vì áp đặt của cơ quan quản lý sẽ thúc đẩy DN sáng tạo để tối ưu hóa chi phí kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi đó, các khoản chi phí có thể cắt giảm sẽ lớn hơn, có tính bền vững hơn.

“Bộ Khoa học và Công nghệ phải đi đầu, chứ không thể cứ đi sau về thúc đẩy DN sáng tạo, cải thiện năng suất, chất lượng. Đây cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ trong Nghị quyết 139/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ cắt giảm chi phí cho DN. Chỉ có cách thay đổi tư duy quản lý theo hướng nghĩ cho DN, vì DN thì mới thực hiện được đúng yêu cầu này”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ. 

Những câu hỏi khó về thực thi 

Cách đây 2 năm, ông Cung cũng lên tiếng cảnh báo nhiều lần về xu hướng dựng lên điều kiện kinh doanh không khuyến khích tạo ra chuỗi sản xuất, không khuyến khích chuyên môn hóa, không khuyến khích DN sáng tạo, trái với xu hướng kinh doanh hiện đại…, song kết quả là những điều kiện kinh doanh kiểu như trong Nghị định 87/2016/NĐ-CP vẫn được ban hành. 

Nhưng vào thời điểm hiện tại, ông Cung lại muốn nhắc đến việc thực hiện 26 nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành từ ngày 1/1 đến 13/11/2018.

“Chất lượng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh các ngành phụ thuộc rất lớn vào bộ trưởng ngành đó. Bộ trưởng nào tích cực, bộ đó có kết quả tích cực và ngược lại. Nhưng lúc này là giai đoạn thực thi, vai trò quyết định thành công đang chuyển sang lãnh đạo địa phương”, ông Cung nói.

Ông Cung rút ra điều này từ kết quả sơ bộ đánh giá chất lượng điều kiện kinh doanh mà các chuyên gia của CIEM có được sau khi phân tích các quy định về điều kiện kinh doanh của 4 bộ là Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông và Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Theo đó, số điều kiện kinh doanh cắt bỏ được ghi nhận là thực sự tạo thuận lợi cho DN thuộc về hai bộ là Thông tin và Truyền thông và Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thấp cả về tỷ lệ điều kiện kinh doanh cắt bỏ, sửa đổi, lẫn các thay đổi thực chất.

“Có những điều kiện được tính là sửa đổi, nhưng không có ý nghĩa cải cách, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ bỏ tên Bộ trong quy định cũ là giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật do cơ quan chuyển ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp. Sửa đổi như vậy để tránh sự chú ý, chứ không thay đổi gì. Hay hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trong quy định mới có đầu mục dài gấp đôi so với quy định cũ…”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh (CIEM) lý giải cụ thể.

Với hiện trạng sửa đổi này, để các DN và cả các công chức thực thi biết rõ quy định nào thay đổi, thay đổi như thế nào không đơn giản. Các chuyên gia CIEM phải mất cả tuần lễ để kiểm đếm các điều kiện kinh doanh đã thay đổi, có sửa chữa, bổ sung, thay thế hoặc quy định mới. Cách làm một nghị định sửa nhiều nghị định cho phép thay đổi nhanh, nhưng thực thi sẽ khó khăn. 

“Tôi đã chứng kiến DN bị hành với lý do lãnh đạo đi vắng hay hồ sơ chưa rõ ràng, buộc DN phải gặp trực tiếp mới giải quyết. Lúc này, DN có thực sự cắt giảm được chi phí theo tính toán của các nhà hoạch định chính sách hay không lại phải chờ lãnh đạo địa phương thực sự sâu sát với công việc này hay không, công chức thực thi có thấy áp lực phải thay đổi để DN thuận lợi hơn hay là nhìn vào bước chuyển tiếp để thấy lợi ích riêng…”, ông Cung thẳng thắn.

Tin liên quan
Tin khác