Để đối phó với việc hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn chính thức ngừng cấp khí để bảo dưỡng và sửa chữa này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lên phương án huy động các nguồn điện dầu, nhằm bổ sung lượng điện thiếu hụt.
Theo đó, EVN hiện đã chuẩn bị các phương án huy động các tổ máy chạy khí khu vực Phú Mỹ-Bà Rịa sang vận hành bằng nhiên liệu dầu DO (nhiên liệu phụ) và huy động thêm các tổ máy nhiệt điện chạy dầu (FO) và tuabin khí chạy dầu chu trình đơn tại Thủ Đức, Cần Thơ. Dự kiến sản lượng huy động bằng nhiên liệu dầu trong thời gian công tác hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn khoảng 358,9 triệu kWh (gồm 321,4 triệu kWh chạy bằng dầu DO và 37,4 triệu kWh chạy bằng dầu FO).
Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn tại Dinh Cố, Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Ngoài ra, EVN cũng chủ động tích nước một số hồ thủy điện miền Nam để có thể huy động tối đa các nhà máy thủy điện miền Nam trong thời gian công tác khí, đảm bảo công suất khả dụng cao nhất cho hệ thống điện miền Nam.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giữa mùa mưa nên việc tích nước, huy động tối đa các nguồn thủy điện không phải là điều mới.
Thống kê của thị trường điện cho thấy, tỷ trọng nguồn thủy điện đang phát trong hệ thống thời gian này chiếm từ 50-58% các nguồn điện hiện có.
Con số này cũng cao hơn rất nhiều so tỷ trọng huy động thủy điện trong các nguồn điện cho cả năm 2013 được đặt ra ở kế hoạch là 41%.
Đối với việc trông chờ nguồn bổ sung khí từ mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh trong thời gian ngừng lô 06.1 mà EVN nhắc tới trên thực tế sẽ không có nhiều bởi khoảng trống trong quá trình vận chuyển bình thường của đường ống Nam Côn Sơn dành cho phần khí Hải Thạch- Mộc Tinh cũng eo hẹp.
Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng cho hay, hôm qua, 6/9, mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh đã cho dòng khí đầu tiên.
Một nguồn cấp điện cho miền Nam được chờ đợi là truyền tải từ Bắc vào Nam. Hiện các nhà máy thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình đều nằm ở khu vực miền Bắc và đang phát cao bởi tận dụng được nguồn nước trong mùa mưa.
Theo EVN, việc thay tụ bù dọc trên các đoạn đường dây 500 kV hay mới đóng điện đường dây 500kV Sông Mây - Tân Định… đã được hoàn tất sẽ tăng cường khả năng truyền tải điện từ Bắc vào Nam đúng giai đoạn này.
Bên cạnh các giải pháp trên, EVN cũng đề nghị khách hàng thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hợp lý, tránh lãng phí, góp phần giảm sức ép trong vận hành hệ thống điện, đặc biệt trong thời gian công tác hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn.
Theo thông báo của EVN, trong ngày 7/9/2013 và từ ngày 9 - 16/9/2013, lô 06.1 (mỏ Lan Tây) ngừng cấp khí để bảo dưỡng sửa chữa, khiến khả năng cấp khí Nam Côn Sơn giảm từ 21,5 triệu m3/ngày xuống còn 5,5 triệu m3/ngày. Riêng ngày 08/9/2013 Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn sẽ tiến hành bảo dưỡng sửa chữa nên toàn bộ nguồn khí Nam Côn Sơn cung cấp cho hệ thống điện là bằng 0.
Như vậy, trong thời gian công tác hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn, lượng khí cấp cho các nhà máy điện rất thấp, chỉ bằng 1/4 năng lực bình thường của hệ thống khí, trong đó ngày chủ nhật 8/9, khả năng cấp khí bằng 0.
Nguồn khí thiên nhiên cung cấp cho các nhà máy điện tuabin khí khu vực Đông Nam Bộ được lấy từ bể khí Nam Côn Sơn gồm các mỏ Lan Tây, Lan Đỏ, Hải Thạch, Mộc Tinh, Rồng Đôi.
Hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn hiện đang cung ứng lượng nhiên liệu cho các nhà máy điện khu vực Đông Nam Bộ với tổng công suất lắp đặt xấp xỉ 5.300MW (không bao gồm Nhà máy điện Hiệp Phước), chiếm 19% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Sản lượng điện huy động tối đa từ các nhà máy điện dùng khí Nam Côn Sơn là 118 triệu kWh điện/ngày, tương ứng mức tiêu thụ khí 21,5 triệu m3/ngày. Sản lượng điện này cũng chiếm khoảng 31,4% sản lượng điện toàn hệ thống trong giai đoạn hiện nay.
Thanh Hương