Khởi nghiệp hiện là một xu thế ở Việt Nam nhưng tỷ lệ thất bại rất cao, trên 80% công ty bị phá sản trong 3 năm đầu tiên. Bài học kinh nghiệm từ những công ty này luôn có giá trị với người trong cuộc lẫn cộng đồng. Dưới đây là câu chuyện được chia sẻ bởi doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh - CEO của Saigon Books gửi đến độc giả.
Khởi nghiệp thất bại trở lại đi làm thuê, nhưng khác trước đây, anh đã có kinh nghiệm "làm chủ" nên lần này sẽ cống hiến cho việc kinh doanh của công ty nhiều hơn" |
Người bạn tôi là kỹ sư phần mềm, làm việc trong một công ty công nghệ thông tin. Anh làm việc chuyên nghiệp và tận tâm nên khách hàng của công ty đã khuyên ra làm riêng, họ sẽ chuyển đơn hàng sang cho anh. Vậy là anh quyết định khởi nghiệp và khách hàng đó trở thành đối tác chiến lược của công ty anh.
Một thời gian sau, tình hình kinh doanh của khách hàng dần thay đổi, những người bạn thân thiết cũng lần lượt ra đi và số lượng đơn hàng thì giảm dần. Anh nhận ra sự bấp bênh khi chỉ phụ thuộc vào một khách hàng duy nhất nên đã cố gắng tìm kiếm khách hàng mới.
Thế nhưng, vì anh không có nhiều mối quan hệ nên không thể tìm ngay được khách hàng. Anh nghĩ đến việc lập nên các trang web dịch vụ, nhưng rồi các trang này vẫn không được khách hàng sử dụng nhiều nên tình trạng thua lỗ kéo dài. Tiếp theo, không còn khả năng trả lương cho nhân viên, dẫn đến việc anh buộc lòng phải quyết định đóng cửa công ty.
Mặc dù kinh doanh công ty thất bại nhưng anh bạn tôi đã học được nhiều bài học từ đấy. Anh nói với tôi rằng: "Kết cục, tôi đã không còn là một doanh nhân, nhưng tôi đã học được nhiều điều".
Anh chia sẻ, điều đầu tiên anh hiểu được là "cảm giác khi trả lương". Nhân viên luôn nghĩ việc nhận lương mỗi tháng là chuyện đương nhiên nhưng khách hàng họ lại không nghĩ là sẽ phải trả tiền cho công ty mỗi tháng. Đây thật sự là việc khắc nghiệt nhưng để làm cho nhân viên hiểu điều này lại là chuyện khó khăn. Tuy nhiên, muốn tồn tại, bạn buộc phải nói rõ cho nhân viên thấm nhuần: nếu khách hàng không trả tiền cho công ty thì chúng ta sẽ không có thu nhập và công ty sẽ phá sản. Cho nên, các bạn hãy làm tốt nhất để khách hàng sẵn sàng trả tiền.
Và bài học thứ hai là tầm quan trọng của "dự phòng tài chính". Khi anh còn làm công ăn lương, thấy công ty có doanh thu lớn, anh luôn nghĩ là công ty trả lương cho mình quá thấp. Tuy nhiên, sau này anh hiểu là công ty phải đóng thuế, trả lương, bảo hiểm các loại cho nhân viên và nhiều loại chi phí khác... Khi gặp rủi ro, không có đơn hàng, công ty vẫn phải tiếp tục trả lương cho nhân viên. Chính vì thế, anh đã học được là bao giờ cũng cần phải có số tiền dự phòng cho công ty trong những hoàn cảnh khó khăn.
Điều thứ ba, muốn vẽ nên một kế hoạch kinh doanh lớn lao trong tương lai thì cần phải có thu nhập ổn định trong hiện tại. Những việc anh đã làm là vẽ ra một tầm nhìn lớn, tạo ra một mô hình kinh doanh nhưng lại không làm được điều gì cao cả, hiệu quả.
Anh cho biết đã gọi điện thoại cho khách hàng chiến lược để hỏi "có việc gì để làm không? Hoặc nhờ vả "hãy giới thiệu khách hàng cho tôi". Nghĩa là anh luôn trông chờ vào việc được giới thiệu khách hàng. Anh xem sách báo, trong đó thường bảo là để trở thành nhà kinh doanh, nhà quản lý xuất chúng thì phải làm nên "mô hình kinh doanh thật hoàn hảo"; phải "đưa ra sản phẩm khác biệt"... nhưng hầu hết các công ty trước khi làm được điều đó, anh nghĩ mọi người cần phải dốc sức lo cho sự tồn tại của công ty trước đã. Không sống được trong hiện tại thì không thể mơ mộng cho tương lai.