Viễn thông - Công nghệ
Câu hỏi lớn đằng sau hoạt động ví điện tử và tài chính của Grab
Hữu Tuấn - 22/05/2019 09:00
Việc Grab bành trướng sang nhiều lĩnh vực không liên quan tới vận tải đã đặt ra hàng loạt câu hỏi lớn về sự tuân thủ pháp lý của Grab khi triển khai cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là trung gian thanh toán, tài chính - hiện nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện.
Số dư tài khoản trong GrabPay by Moca có thể được dùng để chi trả cho nhiều dịch vụ khác không phải của Grab.

GrabPay by Moca có phải là ví điện tử?

Tháng 9/2018, DealstreetAsia đưa tin, Grab đã mua lại 3,523% cổ phần và hợp tác chiến lược với Moca. Tháng 10/2018, hai bên ra mắt ví điện tử GrabPay by Moca, đánh dấu sự hiện diện chính thức của Grab trong thị trường ví điện tử/trung gian thanh toán Việt Nam với các chiến dịch khuyến mại siêu khủng để hút khách.

Thực tế, Grab đã cung cấp dịch vụ GrabPay ở Việt Nam từ tháng 3/2017 đến tháng 9/2018, với nhiều chức năng thanh toán như một ví điện tử mà không có giấy phép trung gian thanh toán do Ngân hàng Nhà nước cấp. Câu hỏi đặt ra là, dịch vụ này có nằm trong diện Grab được phép thí điểm theo chương trình của Bộ Giao thông - Vận tải dành cho “xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi” hay không?

Khi Grab bắt đầu cung cấp dịch vụ ví điện tử với “chiếc áo mới” GrabPay by Moca, bề ngoài, Grab chỉ nhận mình là một đối tác lớn của Moca, nhưng rất nhiều dịch vụ trong GrabPay by Moca lại do Grab trực tiếp cung cấp. Số dư tài khoản trong GrabPay by Moca có thể được dùng để chi trả cho nhiều dịch vụ khác không phải của Grab (như thanh toán khi ăn uống, mua sắm ở gần 1.500 cửa hàng đối tác của Grab). Điều này khiến khá nhiều người thắc mắc rằng, Grab có thật sự chỉ là đối tác của Moca hay đang cùng với Moca cung cấp dịch vụ ví điện tử?

Hơn nữa, theo quan sát, ứng dụng Moca trên chợ ứng dụng App Store có giao diện cũng như tính năng hoàn toàn khác và ít hơn so với GrabPay by Moca. Đặc biệt gần đây, một số chương trình khuyến mại của Grab còn nhấn mạnh là, người dùng không cần tải Moca mà có thể sử dụng trực tiếp “ví điện tử Moca trong ứng dụng Grab”.

Cách gọi của Grab với “ví điện tử” này cũng không thống nhất, lúc thì “GrabPay by Moca”, khi thì “ví điện tử Moca trên giao diện Grab”. Hơn nữa, Grab đang sử dụng thông tin bảo mật của khách hàng Moca cho dịch vụ của Grab.

Tất cả nhập nhằng trên xuất phát từ một điểm: Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cho Moca, chứ không phải cho GrabPay by Moca. Vậy tính chính danh của GrabPay by Moca ở đâu? GrabPay by Moca có thể được gọi là ví điện tử không, nhất là khi Thông tư 39/2014/TT-NHNN về trung gian thanh toán quy định: “Nghiêm cấm việc làm giả, tẩy xóa, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn giấy phép; ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo giấy phép”?

Trong khi các ví điện tử trong nước như Momo, Payoo “trầy da tróc vẩy” mới xin được giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, bởi đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện với nhiều quy định ngặt nghèo về hệ thống, công nghệ, bảo mật, an ninh tiền tệ, thì một thỏa thuận “hợp tác” với Moca đã giúp Grab - một doanh nghiệp xuyên biên giới nước ngoài - thoải mái triển khai hàng loạt dịch vụ tương đương ví điện tử tại Việt Nam.

Vai trò thật sự của Grab tại Moca cũng là một câu hỏi lớn. Trên truyền thông, con số cổ phần được công bố chỉ là hơn 3%, nhưng có tới 2 nhân vật của Grab tham gia HĐQT của Moca. Các hoạt động của Moca gần đây cũng xoay quanh 100% hệ sinh thái của Grab, chứ không có sự kết nối, mở rộng nào với các đối tác khác.

Một số nguồn tin không chính thức cho rằng, Grab rất có thể đã mua lại Moca. Nếu chính xác, thương vụ này đặt thêm một câu hỏi lớn cho cơ quan quản lý trong kiểm soát các ví điện tử mà sở hữu nước ngoài đã vượt quá 50%. Là một doanh nghiệp nước ngoài, hoạt động xuyên biên giới, dòng tiền luân chuyển qua GrabPay by Moca sẽ được kiểm soát, giám sát thế nào để đảm bảo an ninh tiền tệ và không thất thu thuế, khi Nhân hàng Nhà nước từng chia sẻ là chưa có quy định pháp lý về việc này?

Theo kế hoạch, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Một nội dung rất quan trọng của Nghị định là quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Nhiều chuyên gia đề xuất tỷ lệ hợp lý chỉ nên là 30% để đảm bảo an toàn và bền vững cho kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh ấy, sự mập mờ xung quanh GrabPay by Moca lại càng đặt ra nhiều câu hỏi.

Trung gian thanh toán có phải là đích ngắm duy nhất của Grab?

Tháng 3/2018, Grab bắt tay cùng Credit Saison (Nhật Bản) thành lập liên doanh Grab Financial Services Asia, chuyên cung cấp các sản phẩm tài chính ở Đông Nam Á. Từ tháng 10/2018, Grab bắt đầu cho một số tài xế đối tác vay tiền để mua xe và điện thoại. Cách gọi tài xế là các đối tác đã giúp Grab lách hàng loạt nghĩa vụ như nộp bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập doanh nghiệp… mà lâu nay đã gây nên rất nhiều tranh cãi. Vậy khoản cho vay này không thể coi là một khoản tạm ứng lương cho nhân viên.

Câu hỏi đặt ra là, Grab đang đứng ở vai trò nào khi thực hiện chức năng này? Bởi cho vay ngang hàng, không thông qua ngân hàng là một hành vi đang bị “xem xét” bởi cơ quan quản lý. Rất có thể, trong tương lai, việc cho vay sẽ không chỉ dừng lại ở khoản tiền cá nhân nhỏ lẻ như trên và cũng không bó hẹp trong phạm vi khách hàng là tài xế nữa. Ngoài ra, lĩnh vực “tín dụng tiêu dùng” liệu có nằm trong những hoạt động mà Grab được phép cung cấp trong giai đoạn thí điểm hay không?

Đầu tháng 5/2019, Grab tung ra chương trình khuyến mại siêu “khủng”: hoàn tiền lên tới 400.000 đồng khi thanh toán hóa đơn tiền điện qua GrabPay by Moca. Việc hoàn tiền thể hiện dưới dạng điểm thưởng về tài khoản của Grab (Grab Rewards). Như vậy, số dư tài khoản Grab lúc này không phải được hình thành qua việc nạp tiền từ tài khoản ngân hàng.

Trong khi đó, theo các quy định pháp luật hiện hành, nguyên tắc các ví điện tử phải liên kết với ngân hàng là “bất di bất dịch”, như khẳng định của ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN về trung gian thanh toán mới đây.

Trên thực tế, Grab đã nhiều lần đề xuất với Chính phủ Việt Nam cho phép nạp tiền vào ví điện tử mà không cần liên kết với tài khoản ngân hàng. Nếu được phê duyệt, dòng tiền sẽ tự do luân chuyển giữa các dịch vụ của Grab ở mọi quốc gia Grab đang có mặt, mà không chịu bất kỳ sự quản lý, giám sát nào từ hệ thống ngân hàng Việt Nam. Việc kiểm soát dòng tiền thậm chí còn trở nên bất khả thi nếu Grab được phép cung cấp thí điểm dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P) tại Việt Nam.

Hệ lụy là việc xem xét doanh thu, lợi nhuận, tính thuế cho doanh nghiệp này vốn đã khó lại càng khó hơn. Chưa kể, khi tất cả các thông tin khách hàng đều nằm trong tay một đơn vị xuyên biên giới, thì rủi ro cho hệ thống tài chính quốc gia là rất lớn.

Những “nước cờ” cao tay mà Grab từng áp dụng để đánh bật Uber khỏi thị trường Việt Nam chính là một cảnh báo lớn. Bằng sức mạnh công nghệ, tài chính vượt trội của mình, dưới vỏ bọc một mô hình kinh doanh mới “sandbox”, không loại trừ khả năng Grab sẽ chèn ép các đối thủ ví điện tử và cho vay tiêu dùng khác tại Việt Nam bằng những mức giá thanh toán, những chương trình khuyến mãi mang tính “phá hủy”.

Vươn tới nhiều mảng kinh doanh khác nhau

Xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 2/2014 với khởi điểm là một ứng dụng đặt xe giúp kết nối các tài xế và hành khách có nhu cầu, sau hơn 5 năm, Grab đã vươn cánh tay của mình tới rất nhiều mảng kinh doanh khác nhau: vận tải (GrabCar, Grabbike…), tín dụng - thanh toán (GrabPay by Moca, Grab Rewards…), ẩm thực (GrabFood), khách sạn (bắt tay với Agoda và Booking.com), cổng thông tin giải trí (Grab TV, minigames…). Mới đây nhất, tháng 4/2019, Grab đã xin thay đổi đăng ký kinh doanh, bổ sung 3 ngành nghề, trong đó đáng chú ý là bất động sản và cổng thông tin.
Tin liên quan
Tin khác