Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 12.000 ha sầu riêng, sản lượng hằng năm 100.000 tấn. Ảnh: Nhiệt Băng |
Giá thấp kỷ lục, nông dân điêu đứng
Theo phản ánh của ông K’Him (trú tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng), những năm qua, trái sầu riêng - sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù tại địa phương này gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. “Người nông dân cần ngành nông nghiệp sớm có giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này, bảo đảm chất lượng, đầu ra cho trái sầu riêng”, ông K’Him kiến nghị.
Chung “số phận” với sầu riêng, cây bơ - một trong các loại cây ăn quả chủ lực được phát triển mạnh thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên, cũng đang nghẽn đầu ra, giá bán thấp kỷ lục.
Ông K’Broi (trú tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đời sống của nông dân tại Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn, giá vật tư nông nghiệp đầu vào (xăng dầu, phân bón...) tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp như bơ, chuối laba… khó khăn, giá thu mua rất thấp. “Năm 2021, bơ có giá 60.000 đồng/kg, nhưng năm nay chỉ còn 6.000 đồng/kg”, ông K’Broi dẫn chứng.
Tại Đắk Lắk, theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 210.000 ha cà phê với sản lượng hằng năm trên 560.000 tấn. Không chỉ là thủ phủ của cây cà phê, tỉnh này còn có diện tích các loại cây hồ tiêu, cao su, bơ, sầu riêng... lớn hàng đầu ở khu vực. Cụ thể, đối với cây ăn trái, cây vải có diện tích 632 ha, sản lượng 2.600 tấn; bơ 8.900 ha, sản lượng 80.000 tấn; sầu riêng 12.000 ha, sản lượng 100.000 tấn; xoài 970 ha, sản lượng 7.000 tấn…
Với nguồn cung lớn, các mặt hàng nông sản của Đắk Lắk đã xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, khi Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới, thực hiện giãn cánh xã hội, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng nông sản đứt gãy chuỗi giá trị, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.
Theo ông Võ Danh Tuyên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, sầu riêng là một trong những sản phẩm nông sản đặc thù có lợi thế cạnh tranh của tỉnh này. Tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn là 13.187 ha, với năng suất 127,7 tạ/ha, trong đó thị trường tiêu thụ chính là xuất khẩu đi Trung Quốc.
Tuy nhiên, do chưa được xuất chính ngạch, trong khi đường tiểu ngạch trong các năm gần đây bị Trung Quốc siết chặt, nên tình hình tiêu thụ sầu riêng khá khó khăn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyển hướng sang thị trường nội địa, hoặc tiến hành tách múi cấp đông xuất sang Trung Quốc.
Tương tự, đối với cây bơ, bên cạnh khó khăn do thị trường tiêu thụ giảm sút vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguyên nhân chủ yếu của việc giá bơ giảm là diện tích và sản lượng bơ tăng quá nhanh. Hiện toàn vùng Tây Nguyên có trên 15.500 ha bơ, sản lượng 86.500 tấn, trong đó riêng Lâm Đồng có hơn 8.100 ha (tăng 2,8 lần so với năm 2015), sản lượng 71.800 tấn (tăng gấp 3,5 lần năm 2015).
“Trong khi đó, việc tiêu thụ bơ hiện nay chủ yếu là ăn tươi ở thị trường trong nước do đặc tính chín và hình thái vỏ trái không phù hợp để bảo quản trái tươi và xuất khẩu sang các thị trường xa”, ông Tuyên cho hay.
Một lượng lớn sầu riêng ở Đắk Lắk đứng trước bài toán đầu ra. Ảnh: Nhiệt Băng |
“Bài học” phụ thuộc thị trường ngoại
Câu chuyện sản phẩm rau quả tại Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Mỗi khi thị trường xuất khẩu gặp “sự cố”, thì tình trạng “rắn mất đầu” lại diễn ra. Nhưng “bài học” này chưa được cấp quản lý và nông dân “học thuộc”. Việc xây dựng “lực cầu” cho thị trường nội địa không được quan tâm đúng mức. Đó là chưa kể, vấn nạn phát triển tự phát các sản phẩm này đang khá phổ biến, nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên.
Theo Sở Công thương Đắk Lắk, quy hoạch cây cà phê chỉ 150.000 ha, thì nay đã có hơn 200.000 ha; quy hoạch cây sắn 20.000 ha thì đến nay đã trên 35.000 ha… “Đặc thù của nông dân là thấy lợi nhuận trước mắt không đạt là chặt bỏ, chuyển đổi cây trồng một cách tùy tiện, dẫn đến cung vượt cầu và phá vỡ quy hoạch”, một lãnh đạo Sở Công thương cho hay.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định diện tích canh tác cho từng chủng loại mặt hàng, có những khuyến cáo, cảnh báo kịp thời cho từng vùng, từng địa phương khi diện tích canh tác có xu hướng vượt ngưỡng; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đúng quy hoạch và yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản; tổ chức lại thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại. “Có như thế mới định hướng nông dân sản xuất theo quy hoạch, tránh rủi ro và đảm bảo bền vững”, vị lãnh đạo Sở Công thương Đắk Lắk đề xuất.
Tại Lâm Đồng, ông Võ Danh Tuyên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tuy gặp nhiều khó khăn, song những năm qua, việc tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn tương đối ổn định, một phần nhờ thời vụ của tỉnh chậm hơn vụ của Đồng bằng sông Cửu Long, lại có sự rải vụ (sớm nhất là khu vực huyện Đạ Huoai, sau đó là Di Linh, Bảo Lâm và cuối cùng là khu vực Đam Rông, Lâm Hà), nhờ đó đã giảm áp lực tiêu thụ.
Để ổn định đầu ra cho sản phẩm sầu riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các địa phương xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11 chuỗi liên kết, với quy mô 441,8 ha, năng suất 11.770 tấn/năm với sự tham gia của 3 doanh nghiệp, 8 hợp tác xã và 301 hộ nông dân.
Trong đó, phải kể đến những liên kết có quy mô lớn như Công ty Sầu riêng Long Thủy (quy mô liên kết 90 ha, sản lượng 2.000 tấn/năm, với 45 hộ liên kết trên địa bàn huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai), Hợp tác xã Hà Lâm (quy mô liên kết 45 ha, sản lượng 900 tấn/năm, với 25 hộ liên kết liên kết trên địa bàn huyện Đạ Huoai).
Song song với đó, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sầu riêng, thông qua các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, đã phát triển 630 ha sầu riêng đạt các chứng nhận VietGAP và đang trình Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng trồng cho 10 vùng sầu riêng trong tỉnh.
“Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là sầu riêng chưa nằm trong danh mục xuất khẩu chính ngạch là một trong các cản trở đối với sự phát triển sầu riêng bền vững. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện thông thoáng cho xuất khẩu”, ông Tuyên cho hay.
Ngày 11/7/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng riêng.
Để tận dụng tốt cơ hội này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung xây dựng và chứng nhận vùng trồng, đẩy mạnh thực hiện các liên kết, trong đó tăng cường tổ chức các hoạt động liên kết giữa các vùng, với các tập đoàn lớn để tăng cường khả năng giao thương. Song song với đó, tiếp tục đề xuất nghiên cứu các công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến như làm chín, đông lạnh...; tăng cường thu hút các doanh nghiệp sơ chế, chế biến để đa dạng hóa mặt hàng, tạo chỗ đứng và phát triển thương hiệu sầu riêng của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã và đang tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo xúc tiến thị trường nông sản gắn với phát triển sản phẩm OCOP triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối mở rộng thị trường. Đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương triển khai Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến phát triển toàn diện, bền vững, hiện đại và Đề án tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản và chuỗi giá trị toàn cầu tỉnh Lâm Đồng.
Để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm bơ, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng sẽ hoàn thiện và đưa vào áp dụng các mô hình sản xuất bơ trái vụ, giúp nâng cao giá trị bơ trong thời điểm trái vụ, giảm tải lượng bơ vào chính vụ, mở ra cơ hội phát triển cho mặt hàng bơ trong thời gian tới; thu hút các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghệ chế biến cấp đông và các sản phẩm chế biến sâu như bơ đóng hộp, bột bơ, tinh dầu bơ.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bơ (hiện đã có 8 chuỗi liên kết hiệu quả); tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người sản xuất để ổn định vùng trồng, áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm bơ.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ để xuất khẩu bơ sang thị trường Trung Quốc (hiện đã thực hiện được cho 2 sản phẩm chanh cây và sầu riêng).