Doanh nhân
CEO - Bếp trưởng Hoàng Tùng: Đồ ăn chỉ chiếm 30% trong trải nghiệm ẩm thực
Nhung Bùi - 04/03/2023 13:02
Đồ ăn Việt có thể hấp dẫn, tạo cảm giác thích thú với khách nước ngoài, nhưng để lên được bàn ăn quốc tế, ẩm thực Việt Nam cần nhiều hơn thế.

Món ăn đường phố Việt Nam như cà phê sữa đá, bánh mì,… luôn được lòng khách du lịch nước ngoài. Nhiều người cũng không ngại bày tỏ cảm giác thích thú khi được trải nghiệm mắm tôm hay trứng vịt lộn của Việt Nam.

Nhưng theo bếp trưởng Hoàng Tùng, CEO của hai nhà hàng đang theo đuổi phong cách ẩm thực cao cấp là T.U.N.G Dining và A By Tung, ẩm thực Việt Nam chưa lên được bàn ăn quốc tế và được cộng đồng thế giới chấp nhận rộng rãi.

“Lý do, theo tôi, vì ẩm thực Việt Nam chưa nói chung ngôn ngữ quốc tế với ẩm thực thế giới”, Hoàng Tùng chia sẻ tại sự kiện công bố lễ hội ẩm thực Flavors Việt Nam năm thứ 4, do Vietcetera và Mastercard đồng tổ chức.

Theo bếp trưởng Hoàng Tùng, ngôn ngữ quốc tế thể hiện ở việc mọi tiêu chí trong ẩm thực cần được vạch ra rõ ràng, đáp ứng các tiêu chuẩn chung của thế giới. Đó không chỉ là câu chuyện về đồ ăn mà còn liên quan đến về vấn đề phục vụ, các yêu tố về xã hội, yếu tố chú trọng bảo vệ môi trường,…

Ví dụ với hai nhà hàng của mình, Hoàng Tùng đã sử dụng thực đơn hạn chế tối đa nguyên liệu đầu vào là thịt, bởi ngành công nghiệp sản xuất thịt là ngành ảnh hưởng nhiều đến môi trường.

Ngoài ra, để nói chung ngôn ngữ với ẩm thực thế giới, ẩm thực Việt Nam cần quy chuẩn hóa các quy tắc về quản trị, vận hành, kiểm soát chất lượng và phục vụ,…cần học hỏi nhiều hơn nữa.

“Trong trải nghiệm nhà hàng cao cấp, với tôi, đồ ăn chỉ chiếm sự thành công 30% thôi. Yếu tố quan trọng không kém là không gian, dịch vụ”, Tùng lý giải. “Khi bước vào một nhà hàng mà không gian khiến thực khách thấy không thoải mái thì những điều còn lại đều vô nghĩa”.

CEO, bếp trưởng Hoàng Tùng (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ tại sự kiện công bố lễ hội ẩm thực Flavors Việt Nam do Vietcetera và Mastercard đồng tổ chức.

Tương tự như vậy, Tùng đánh giá cao vấn đề dịch vụ trong trải nghiệm ẩm thực. Nếu được phục vụ bởi những nhân viên chuyên nghiệp, thái độ niềm nở, thấu hiểu, khách hàng có thể sẵn sàng bỏ qua dù đồ ăn hôm đó họ thưởng thức không quá xuất sắc. Và khách hàng vẫn sẵn lòng cho nhà hàng cơ hội được phục vụ họ lần tiếp theo.

“Tổng hòa trải nghiệm ăn uống không chỉ tập trung vào mỗi đồ ăn. Trong ngôn ngữ quốc tế, mỗi nhà hàng cần tạo ra không gian để khách quốc tế họ muốn bước vào trải nghiệm, sau đó là chất lượng phục vụ tốt. Các nhà hàng bình dân có thể không cần những tiêu chuẩn quá cao, nhưng ít nhất phải đáp ứng vấn đề an toàn thực phẩm và chất lượng phục vụ. Đó là tiêu chuẩn cả thế giới đón nhận, chúng ta không thể đi ngược dòng được”, CEO Hoàng Tùng bày tỏ quan niệm.

Nhìn về mặt tích cực, Tùng đánh giá so với thời điểm anh trở về Việt Nam để khởi nghiệp 3 năm trước đây, ẩm thực Việt Nam đã chứng kiến những sự thay đổi đáng kể. Lớp người trẻ có cơ hội ra nước ngoài, trải nghiệm ẩm thực quốc tế, đã có nhiều sáng tạo và thay đổi. Họ đưa phong cách thưởng thức đồ ăn cao cấp, fine dining, vốn trước đây chỉ phục vụ trong các khách sạn 5 sao tại Việt Nam, thành mô hình kinh doanh cụ thể và tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn.

Dù chưa có nhà hàng đạt sao Michelin nhưng một số nhà hàng cao cấp tại Việt Nam đã bắt đầu tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Năm 2021, hai nhà hàng Việt Nam là T.U.N.G Dining và Anan Saigon đã được vinh danh trong Top 100 nhà hàng xuất sắc nhất châu Á bởi The World's 50 Best.

Flavors Việt Nam là lễ hội thường niên do Mastercard và Vietcetera đồng tổ chức từ năm 2018. Lấy chủ đề “Tầm cao mới của ngành Ẩm thực và Đồ uống tại Việt Nam”, năm 2023, Flavors Việt Nam sẽ trở lại với một loạt chuỗi sự kiện như Hội thảo Ẩm thực và Đồ uống Việt Nam, Giải thưởng Nhà hàng & Quán Bar Việt Nam (Bánh Mì Awards), và Thử Thách Đầu Bếp Tiềm Năng.
Tin liên quan
Tin khác