Bắt đầu từ sự cảm nhận, thẩm thấu những phong vị ẩm thực, dần dần Nguyễn Thường Quân đam mê nghề nấu ăn. |
Kể câu chuyện chiều sâu văn hóa của đất nước
“Chất” nhà nghề ở Nguyễn Thường Quân phát lộ từ rất sớm, một phần do năng khiếu, một phần được thừa hưởng từ ông nội - một đầu bếp có tiếng từng nhiều năm nấu ăn cho lãnh đạo cao cấp. Bắt đầu từ sự cảm nhận, thẩm thấu những phong vị ẩm thực, dần dần anh đam mê nghề nấu ăn.
Những năm học tập ở nước ngoài, tài chế biến những món ăn quê nhà của Quân khiến nơi anh ở luôn trở thành tâm điểm của không chỉ những bạn học đồng hương xa xứ, mà còn của nhiều người bạn nước ngoài - những “tín đồ” ẩm thực Việt sau một lần “lỡ thử” món ăn Quân nấu.
Gần đây, trào lưu tổ chức hội chợ ẩm thực nhằm thu hút khách du lịch tăng mạnh ở nhiều địa phương. Ông có nhận xét gì về hoạt động này?
Nhìn ở khía cạnh kinh tế - xã hội, việc tạo ra một sự kiện ẩm thực để phục vụ quảng bá, thu hút du khách, mang lại hiệu quả kinh tế… là có thể chấp nhận được. Thực tế, có nhiều hội chợ ẩm thực làm khá tốt, trở thành sự kiện hàng năm, tạo sân chơi bổ ích, là niềm tự hào của địa phương. Tuy nhiên, cũng có hội chợ làm chưa tốt, nếu không muốn nói là nhếch nhác, lộn xộn, không đem lại kết quả như mong đợi. Ngoài ra, có địa phương tổ chức hội chợ ẩm thực theo phong trào mà không đánh giá hiệu quả, chưa có định hướng rõ ràng về văn hóa, hướng đến những cái hay của ẩm thực Việt Nam…
Ông nhìn nhận thế nào về một số lễ hội bị đánh giá là “phản cảm”?
Đúng là chúng ta có những lễ hội dễ gây hiểu nhầm cho khách quốc tế, như lễ hội chém lợn, lễ hội chọi trâu… Tôi cho rằng, mỗi thời kỳ, người ta có nhận thức khác nhau, cách nhìn nhận khác nhau. Trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, văn hóa là một trong những tiêu chí để đánh giá sự phát triển của một địa phương, rộng hơn là của một đất nước, thì chúng ta nên mạnh dạn loại bỏ những thứ không phù hợp, không thuộc văn hóa đại diện đặc trưng. Tất nhiên, điều này rất khó thực hiện, bởi đó là yếu tố truyền thống, nhưng phải tìm cách khác phù hợp hơn.
Về nước, làm du lịch, Quân có điều kiện khám phá nhiều vùng miền trên cả nước. Đến bất kỳ nơi nào, việc đầu tiên Quân làm là tìm hiểu nét đặc sắc của ẩm thực, tìm gặp những người nấu ăn “có tiếng” tại địa phương, hoặc những “nghệ nhân” ẩm thực của vùng để trò chuyện, trao đổi về ẩm thực. “Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa, góp phần làm nên sự hấp dẫn của mỗi vùng miền còn là nét đặc sắc của ẩm thực”, anh bày tỏ.
Quyết định đi sâu vào lĩnh vực ẩm thực và coi đó là một yếu tố cốt lõi của du lịch, năm 2003, Nguyễn Thường Quân mở Nhà hàng Old Hanoi tại 18 - Tôn Thất Thiệp, Hà Nội. Sự tài hoa trong nghệ thuật chế biến món ăn truyền thống kết hợp với cách trình bày vô cùng khéo léo, đẹp mắt, đặc biệt là không gian cổ xưa của ngôi biệt thự Pháp khiến những món ăn trở nên hấp dẫn một cách lạ kỳ, tất cả đã góp phần làm nên tên tuổi của Old Hanoi.
Old Hanoi đã đón tiếp nhiều nhân vật nổi tiếng, chính khách, nghệ sĩ trong và ngoài nước, được trang du lịch danh tiếng Trip Advisor tôn vinh trong nhiều năm, xếp hạng trong 100 nhà hàng tốt nhất Việt Nam… Đây cũng là nơi Hãng BBC ghi hình và phát sóng chương trình truyền hình ẩm thực thực tế “Asian Great Escape” của siêu đầu bếp quốc tế Gordon Ramsay (người sáng lập Cuộc thi nấu ăn Master Chef thành công vang dội toàn thế giới)…
Trở thành thành viên danh dự của Hiệp hội Đầu bếp thế giới (World Chef), bên cạnh việc nỗ lực lan tỏa tinh hoa ẩm thực Việt ra thế giới, Nguyễn Thường Quân tiếp tục cho ra mắt thương hiệu “Bếp Quân” để tư vấn dinh dưỡng, chia sẻ bí quyết, hướng dẫn nấu ăn cho những người nội trợ…
Trên cương vị Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam (VICA), Quân được giao phụ trách chuyên môn của Đề án Quảng bá ẩm thực Việt Nam do Bộ Ngoại giao khởi xướng. Hàng loạt sự kiện giới thiệu ẩm thực Việt Nam tại nước ngoài được tổ chức thành công, góp phần tích cực vào việc quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế.
“Tôi cho rằng, ẩm thực là một yếu tố cốt lõi của du lịch. Ẩm thực kể câu chuyện chiều sâu văn hoá của một đất nước. Ẩm thực sẽ gợi lên sự tò mò khám phá điểm đến và du khách sẽ tìm đến với chúng ta nhiều hơn. Chúng tôi thấy tự hào khi góp một phần vào sứ mệnh quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè năm châu…”, anh nói.
Nguyễn Thường Quân còn có một niềm vinh dự lớn lao khác, đó là sau thành công vượt mong đợi của Tuần lễ giới thiệu ẩm thực Việt Nam tại Pháp (năm 2019), anh được Tổng thống Pháp gửi thư mời đích danh tham dự Diễn đàn Ẩm thực quốc tế tại Paris 2020.
Tin vào “hồi thái lai” của ẩm thực Việt
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến ngành ẩm thực gặp những khó khăn rất lớn. Giữa muôn vàn gian nan, Nguyễn Thường Quân không hề bi quan, mà vẫn tràn đầy niềm tin và hứng khởi khi nói tới “hồi thái lai” của ẩm thực Việt.
“Dù gian nan đến đâu cũng không thể cản được hành trình lan tỏa của ẩm thực Việt Nam trên toàn cầu, bởi nó chứa đựng những câu chuyện, những tính cách của người Việt, mà điển hình là sự kiên trì, bền bỉ, không bao giờ lùi bước trước khó khăn”, anh giãi bày.
Quân bảo, ẩm thực đóng vai trò quan trọng, nhưng chưa được nhìn nhận đúng mức. Trước đây, huyền thoại Marketing Phiip Kotler đã đưa ra gợi ý “Việt Nam nên là bếp ăn của thế giới”, nhưng sự chậm trễ khiến chúng ta mất đi cơ hội.
Việt Nam là đất nước khá thành công trong quảng bá hình ảnh, tạo dấu ấn trên bản đồ du lịch thế giới. Từ những ngày đầu đón khách quốc tế cho đến khi có sự bứt phá ngoạn mục về lượng khách (18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019 - PV), điều rất tự hào là du khách khi nhắc tới Việt Nam là nhắc tới ẩm thực, bên cạnh nhiều yếu tố khác như phong cảnh, bản sắc văn hóa, con người thân thiện…
“Cần khai thác sâu hơn các yếu tố trong ẩm thực như văn hóa, sức khỏe, tính hấp dẫn… để trở thành thương hiệu, từ đó thu hút khách nhiều hơn nữa”, Quân nói và cho rằng, ẩm thực Việt có tính chất đa dạng, phong phú, có nhiều câu chuyện để kể.
Sự độc đáo về nguyên liệu theo chiều dài đất nước, từ vùng núi đến vùng biển, tạo nên một “bản hòa tấu” chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc. Chính vì vậy, trong hành trình khám phá Việt Nam, du khách quốc tế không thể có một ngày nào nhàm chán.
Qua ẩm thực, người ta sẽ thấy ẩm thực Việt Nam không những ngon, mà còn cực kỳ đặc sắc, thú vị, mỗi món ăn đều có sự ảnh hưởng bởi tính chất của từng vùng. Lấy ví dụ món ăn nổi tiếng được khách quốc tế hết lời ca ngợi là phở, Quân bảo, phở Bắc không bao giờ ăn kèm rau sống hay giá; ngược lại phở Nam bao giờ cũng đi kèm rau thơm, giá sống hoặc giá trần, có nơi còn có ngò gai (mùi tàu), rau húng…
“Thời gian gần đây, để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, ẩm thực các vùng miền đều có xu hướng tiếp cận ẩm thực hiện đại, sau chế biến, vẫn giữ được chất và hương vị của nguyên liệu…”, Quân chia sẻ.
Nguyễn Thường Quân cho rằng, đội ngũ đầu bếp rất quan trọng đối với sự định hình, định hướng để ẩm thực Việt đạt các tiêu chí ngon, hấp dẫn, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với ẩm thực hiện đại. Một nền ẩm thực phát triển, ngoài những món ăn, những nghệ nhân và câu chuyện sẵn có, thì bắt buộc phải có đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp, tay nghề cao.
“VICA đã ban hành tiêu chí xếp hạng đầu bếp, cuối năm 2021 đã triển khai cấp hạng đợt đầu tiên cho 50 người (từ hạng 1 đến hạng 5). Chúng tôi có kế hoạch kết nối với những tổ chức quốc tế, World Chef, những trường dạy nấu ăn nổi tiếng để có sự đào tạo tiên tiến nhất. VICA cũng xây dựng kế hoạch đăng cai tổ chức những cuộc thi ẩm thực quốc tế tại Việt Nam, mời những đầu bếp giỏi đến tranh tài và đặt mục tiêu đạt những giải thưởng lớn…”, Quân nói.