Ngân hàng - Bảo hiểm
CEO công ty P2P Lendbiz: Khủng hoảng P2P Trung Quốc là bài học cho Việt Nam
Thùy Liên - 16/08/2018 12:55
Liên tiếp những cảnh báo về thị trường cho vay ngang hàng (P2P Lending) non trẻ ở nước ta đang được giới chuyên gia đưa ra, nhất là sau khi hàng loạt sàn P2P tại Trung Quốc sụp đổ. Ông Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lendbiz – một trong những công ty P2P đầu tiên tại Việt Nam- trao đổi với phóng viên www.infomoney.vn (Báo Đầu tư) về vấn đề này.
Ông Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lendbiz

Là một trong những công ty P2P lending đầu tiên tại Việt Nam, sau một thời gian hoạt động, theo ông, nhu cầu của thị trường P2P tại Việt Nam ra sao?

Trước khi bắt tay triển khai mô hình P2P lending, chúng tôi đã có những nghiên cứu về tiềm năng thị trường tại Việt Nam.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có trên 600.000 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 1/3 doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận vốn vay tại các tổ chức tín dụng. Có nghĩa số doanh nghiệp chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn chính thức là rất lớn.

Thực tế, trong gần 1 năm hoạt động, chúng tôi nhận thấy thị trường Việt Nam rất nhiều tiềm năng. Số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần vốn và không tiếp cận được vốn vay ngân hàng là rất lớn. Sau khi được Lendbiz thẩm định và được các nhà đầu tư hỗ trợ nguồn vốn, các doanh nghiệp đều mở rộng kinh doanh, trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Nhiều doanh nghiệp sau khi trả hết nợ đã tiếp tục tái huy động.

Riêng đối với nhà đầu tư (bên cho vay), nhu cầu cũng rất lớn, họ đến từ các ngành nghề, độ tuổi đa dạng và đều chung mục đích là tăng thêm thu nhập thụ động một cách an toàn và bền vững.

Hiện NHNN vẫn chưa ban hành khung pháp lý thử nghiệm với P2P. Điều này có gây khó khăn gì cho thị trường này phát triển?

Hiện nay Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa ban hành khung pháp lý thử nghiệm với mô hình P2P lending. Đây là thực tế dễ hiểu, không chỉ tại Việt Nam, công nghệ và thực tiễn cuộc sống luôn đi trước so với các quy định pháp lý.

Ngay cả tại Trung Quốc, P2P lending có mặt từ 2007 và đến nay đã trở thành quốc gia có quy mô lớn nhất về P2P lending. Tuy vậy, mãi đến năm 2015, Chính phủ Trung Quốc mới ban hành quy định về hành lang pháp lý cho P2P lending.

 Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thành lập Ban chỉ đạo Fintech để  nghiên cứu khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện hệ sinh thái và đề xuất phương án quản lý cho hoạt động này. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đồng tổ chức cuộc thi Fintech Challenge Vietnam, quy mô áp dụng với các doanh nghiệp Fintech ở cả 5 lĩnh vực: e-KYC e-Identity, Open APIs, Blockchain, P2P Lending, Payment.

Là một công ty P2P Lending đi tiên phong trong mảng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, chúng tôi rất mong muốn Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý về hoạt động P2P Lending.

Việc ban hành khung pháp lý sẽ giúp cho xã hội và cộng đồng hiểu rõ hơn về hoạt động này từ đó tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoạt động và phát triển mạnh mẽ. 

Dư luận đang rất lo ngại về mô hình P2P, nhất là khi mô hình này đang có dấu hiệu sụp đổ tại Trung Quốc sau một thời gian bùng phát mạnh mẽ.  Tình trạng đang diễn ra tại Trung Quốc liệu có xảy ra tại Việt Nam, thưa ông?

Mô hình P2P xuất hiện tại Trung Quốc vào 2007 và đến nay đã có tới 3.500 công ty. Sau 10 năm, đến nay các công ty này đã có tổng dư nợ khoảng 187 tỷ USD. Trong đó, dư nợ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 20-40% (theo WangDaiZiJia.com).  Có tới 78% các doanh nghiệp vay vốn từ P2P Lending không tiếp cận được vốn từ các ngân hàng Trung quốc.

Những con số trên cho thấy, P2P lending là một kênh dẫn vốn hữu hiệu đối với nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn vay của ngân hàng.

Những diễn biến thời gian vừa qua tại thị trường P2P lending Trung Quốc, theo tôi chỉ là khủng hoảng tạm thời, như là bộ lọc tất yếu để loại bỏ những doanh nghiệp không kinh doanh nghiêm túc. Đồng thời, điều này sẽ tạo cơ hội cho những Công ty P2P Lending kinh doanh uy tín tại thị trường này như Paipaidai, Dianrong hay Jimubox. Về mặt thị trường, chúng tôi vẫn đánh giá thị trường P2P lending tại Trung Quốc rất giàu tiềm năng và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Để dự đoán tình trạng khủng hoảng như ở Trung Quốc có xảy ra ở Việt Nam không, có lẽ hơi khó. Nhưng chính phủ và các doanh nghiệp P2P Lending tại Việt Nam chắc chắn đã có một ví dụ điển hình để rút ra kinh nghiệm cho mình.

Cho vay ngang hàng P2P – một kiểu ber, grab mang trong cho vay- là một sáng tạo của nền kinh tế số, có nhiều lợi ích song cũng tiềm ẩn một số rủi ro, đặc biệt là rủi ro lừa đảo. Theo ông, cơ quan quản lý cần những giải pháp gì để thị trường này phát triển lành mạnh, đúng hướng. 

Trên thế giới, mô hình P2P lending đã có sự phát triển mạnh mẽ và đã chứng tỏ hiệu quả ở hầu hết các quốc gia đặc biệt tại Anh, Mỹ và Trung quốc. Là một sáng tạo tuyệt vời trong lĩnh vực tài chính và công nghệ, P2P là một công cụ tốt mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư. P2P lending giúp khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn rất khó khăn trong việc có vốn để kinh doanh.

Tuy nhiên, công cụ sẽ chỉ tốt khi được đưa vào tay những người tốt. Rủi ro có thể xảy ra nếu một công ty P2P Lending không có đủ năng lực để thẩm định người vay hoặc sử dụng vốn của nhà đầu tư không đúng mục đích.

Tại Lendbiz, ý thức được điều này nên chúng tôi đã thiết lập được hệ thống công nghệ cho phép nhà đầu tư có thể theo dõi và quản lý các khoản đầu tư vốn của mình. Vốn của Nhà đầu tư do một bên thứ 3 là ngân hàng thương mại quản lý, giám sát và có báo cáo theo dõi.

Với đội ngũ lãnh đạo nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động tài chính, công nghệ và quản trị doanh nghiệp, Lendbiz đã nhanh chóng thiết lập được hệ thống quản trị rủi ro giúp đánh giá và sàng lọc được các doanh nghiệp uy tín, kinh doanh hiệu quả. Trong 1 năm hoạt động vừa qua, các doanh nghiệp đều hoàn trả vốn và lợi nhuận đầy đủ và đúng hẹn cho các nhà đầu tư .

Dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi rất mong muốncơ quan quản lý sớm ban hành khuôn khổ pháp lý về hoạt động P2P. Nếu tham chiếu với các quy định pháp luật tại Trung Quốc và các quốc gia khác như Mỹ, Singapore, Malaysia..., thì ở Lendbiz, chúng tôi đã áp dụng các quy định này cho hệ thống của chính mình ngay từ ngày đầu thành lập. Chúng tôi đang rất sẵn sàng để tiếp nhận một quy định chính thức từ văn bản luật.

Tin liên quan
Tin khác