Du lịch
CEO Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan: Du lịch Việt chinh phục du khách Việt
Hồ Hạ - 21/04/2021 07:39
Đó là thông điệp được CEO Flamingo Redtours, ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021.

Theo ông, kích cầu giai đoạn này không phải là giảm giá, mà là gia tăng giá trị để du khách Việt Nam cảm thấy đây là cơ hội tuyệt vời nhất để khám phá đất nước.

CEO Flamingo Redtours, ông Nguyễn Công Hoan

Du lịch Việt Nam đã trải qua hơn 1 năm chống chọi với tác động ghê gớm của Covid-19. Khi chưa thể đón du khách quốc tế, du lịch nội địa vẫn được coi là “cứu cánh”. Theo ông, giai đoạn này, ngành kinh tế xanh cần kích cầu du lịch nội địa theo hướng nào?

Hơn một năm trước, ngành du lịch kích cầu nội địa bằng giảm giá, thì nay, giá rẻ không còn là yếu tố hấp dẫn nữa, vì dư địa để các doanh nghiệp giảm giá không còn. Mặt khác, việc giảm giá cũng không tạo nên “cú sốc” với du khách như trước đây. Cho nên, muốn thu hút du khách, phải tạo ra các yếu tố khác biệt. Đó là sản phẩm mới, gia tăng giá trị dịch vụ, gia tăng giá trị kèm theo và cá biệt hóa sản phẩm tour.

Bên cạnh đó, trước đây, chúng ta khuyến mại giá rẻ dành cho tất cả mọi người, thì bây giờ, phải chia thành nhiều tệp khách hàng khác nhau. Mỗi du khách có nhu cầu, điều kiện, mong muốn khác nhau, thì doanh nghiệp cũng phải xây dựng các dòng sản phẩm riêng, đặc thù, phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng.

Chúng ta phải làm sao để du khách Việt Nam thấy rằng, những sản phẩm của công ty du lịch đưa ra dường như là thiết kế riêng cho họ. Họ thấy được Việt Nam rất đẹp, xứng đáng để du lịch để thêm hiểu, thêm yêu quê hương, đất nước, chứ không phải đi du lịch là để giải cứu ngành du lịch.

Vì thế, với công ty du lịch và các đơn vị làm dịch vụ, cần phải có khẩu hiệu “Du lịch Việt Nam chinh phục du khách Việt Nam”. Sở dĩ tôi dùng từ “chinh phục” là bởi chúng ta phải xác định, du khách là đối tượng các doanh nghiệp cần hướng tới. 

Để làm được điều này thật không dễ, thưa ông?

Đúng vậy, “chinh phục” du khách chưa bao giờ là dễ dàng, ngay cả khi chưa có Covid-19, nhưng chúng ta buộc phải làm. Sản phẩm du lịch giờ đây không chỉ là phép cộng các dịch vụ ăn, ngủ, nghỉ, tham quan đơn thuần, mà phải tạo ra những yếu tố mới để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Đặc biệt, với các hãng lữ hành, phải tranh thủ những tài nguyên, hạ tầng, tận dụng mọi điểm đến, dịch vụ sẵn có để xây dựng một dòng sản phẩm riêng, có chất xám, sự sáng tạo của doanh nghiệp trong đó và cá biệt hóa cho từng đối tượng khách hàng. Khi đó, du khách mới đi du lịch Việt Nam một cách sung sướng và dùng dịch vụ của các công ty lữ hành. 

Một yếu tố nữa tôi muốn nhấn mạnh là, nếu không chinh phục khách hàng bằng cách xây dựng sản phẩm đặc sắc, không biết định hướng cho du khách, định hướng tiêu dùng, thì sản phẩm du lịch Việt Nam chỉ dừng lại ở mức tối thiểu. Nếu tạo cho du khách những sản phẩm hấp dẫn, thì thay vì đi du lịch một ngày, họ có thể sẽ đi 2 ngày, 3 ngày…

Như ông nói, thì muốn chinh phục du khách Việt Nam, nhất là các du khách khó tính, có mức chi tiêu cao, yếu tố chất lượng và giá trị gia tăng rất quan trọng?

Khi đời sống đã rất cao, du khách không chỉ có nhu cầu ăn no hay ăn ngon như trước đây, mà phải ăn tinh tế theo kiểu thưởng thức, trải nghiệm. Với mua sắm, chăm sóc sức khỏe… cũng vậy. Muốn du khách sử dụng dịch vụ, thì phải kích thích họ bằng cách cá biệt hóa sản phẩm, dịch vụ để họ cảm giác đây là cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm. Nếu thấy nay dùng dịch vụ cũng được, mai cũng chẳng sao, thì họ không sẵn sàng móc hầu bao, nhưng khi nâng lên thành một cơ hội thì mọi người sẽ sẵn sàng sử dụng và chi tiêu ngay.

Thêm một thông điệp tôi muốn nhấn mạnh là, ngành du lịch Việt Nam từ nay cần xác định rằng, kích cầu du lịch không phải là giảm giá nữa và mọi người cũng đừng chờ đợi việc giảm giá. Một bộ phận khách chờ đợi giảm giá trong khi doanh nghiệp không thể giảm giá hơn nữa thì hai bên khó có thể gặp nhau. Đồng thời, việc kích cầu bằng cách giảm giá và sự chờ đợi giảm giá của du khách sẽ tạo tiền lệ rất xấu, sản phẩm du lịch, thị trường du lịch sẽ ngày càng chìm xuống.

Thực tế hoạt động kinh doanh của Flamingo Cát Bà và Flamingo Đại Lải cho thấy, những ngày cuối tuần thường đông khách dù giá tăng gấp đôi và những loại phòng cao cấp được sử dụng nhiều nhất. Điều đó chứng tỏ sức tiêu dùng của du khách Việt Nam rất lớn và nhu cầu của họ rất cao, chỉ là chúng ta chưa chạm tới được nhu cầu và mong muốn đó.

Du lịch là nghề kinh doanh cảm xúc. Vì thế, những giá trị du khách được tận hưởng mới là yếu tố then chốt để làm ấm thị trường du lịch nội địa chứ không phải giảm giá.

Tin liên quan
Tin khác