. |
“Chiến mã” vào đà tăng tốc
Công ty cổ phần Tập đoàn CEO - CEO Group (mã CEO, sàn HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2016 với tổng doanh thu hợp nhất đạt 1.403 tỷ đồng, tăng 217% so với cùng kỳ năm 2015. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 228,3 tỷ đồng, tăng 11,1% so với mức 205,6 tỷ đồng năm 2015. Theo đó, doanh thu của CEO đạt 117% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 110,8% so với kế hoạch.
Doanh thu của CEO chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ bất động sản, trong đó nguồn thu chính là doanh thu từ việc cho thuê Tòa tháp CEO và nguồn doanh thu từ các sản phẩm bất động sản tại Phú Quốc. Bên cạnh đó, việc cung cấp thực tập sinh sang thị trường Nhật Bản cũng đóng góp một phần doanh thu đáng kể cho Tập đoàn. Năm 2016, CEO Group tiếp tục tập trung triển khai các dự án trọng điểm như: Sunny Garden City (Hà Nội), River Silk City phân kỳ 2 (Hà Nam), Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas & Resort tại Phú Quốc… Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật Dự án Sonasea Villas & Resort đã cơ bản được hoàn thiện.
Đường xa, gối có mỏi?
Sự tăng tốc của CEO trong năm 2016 vừa qua hé mở ra nhiều tín hiệu lạc quan với các nhà đầu tư nắm cổ phiếu CEO, nhưng một mối quan tâm nữa với nhà đầu tư này là có đủ sự dẻo dai để tiếp tục sức mạnh trên cuộc đua đường dài.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng cao của CEO trong năm 2016 tuy cho thấy sức mạnh của đại gia đang lên thể hiện khá rõ nét. Tuy nhiên, để giành được những kết quả này, CEO cũng phải vắt tối đa các nguồn lực, rất nhiều khoản chi phí bị đội lên một cách chóng mặt. Theo đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp hơn 2 lần, từ mức dưới 50 tỷ đồng năm 2015 lên mức trên 102 tỷ đồng trong năm 2016, chi phí bán hàng tăng gấp hơn 3 lần, từ mức hơn 8,7 tỷ đồng năm 2015 lên hơn 32 tỷ đồng năm 2016. Đặc biệt, chi phí tài chính tăng vọt gấp gần 5 lần năm trước, từ mức hơn 15,2 tỷ đồng lên hơn 75 tỷ đồng cũng là tín hiệu rất đáng quan tâm về sức khỏe tài chính của CEO trong giai đoạn hiện tại.
Điều này cho thấy, hoạt động kinh doanh của CEO lệ thuộc ngày càng nhiều vào vốn đi vay. Tuy việc vay mượn cũng là bình thường trong giai đoạn đẩy mạnh kinh doanh, nhưng gia tăng vay nợ cũng khiến doanh nghiệp chịu áp lực lớn về chi phí lãi vay, cũng như giảm “sức đề kháng” trong trường hợp “gió đổi chiều”, khi tình hình thị trường có diễn biến không thuận lợi.
Điều đáng chú ý nữa trong cơ cấu tài chính của CEO là, hiện nợ phải trả đang cao khoảng gấp rưỡi vốn chủ sở hữu, với tổng nợ là hơn 2.280 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có gần 1.568 tỷ đồng. Về lý thuyết, việc tỷ lệ nợ vượt lên cao hơn vốn chủ sở hữu có thể coi là một dấu hiệu cảnh báo về an toàn tài chính trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào cơ cấu nợ cụ thể của CEO thì điều này cũng không phải lo ngại quá, do nhiều khoản tuy ghi nhận là nợ, nhưng sẽ tự động giảm đi theo thời gian hoàn thành các dự án, chứ doanh nghiệp không phải “móc hầu bao” trả bằng tiền. Đó là các khoản người mua trả tiền trước, hoặc các khoản doanh thu chưa thực hiện…
Xét về tổng thể, CEO tỏ ra đang đi đúng hướng vào việc khai thác phân khúc được đánh giá là “mỏ vàng” trong giai đoạn hiện nay. Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CEO cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng với các sản phẩm đa dạng như biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố thương mại, căn hộ khách sạn (condotel). Theo đó, năm 2017, condotel ven biển vẫn được giới chuyên môn kỳ vọng sẽ thống trị thị trường bất động sản.