Thiếu tướng, TS. Lê Công |
Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức được thành lập, hòa chung nhịp đập phát triển kinh tế của Việt Nam với 10 nước ASEAN.
Thiếu tướng, TS. Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho rằng, Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN là diễn biến tốt khi đây là 10 nước có sự phát triển kinh tế khá tương đồng với 600 triệu dân và không có xung đột lớn về chính trị.
Tuy nhiên, bước vào sân chơi lớn của khu vực, làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam đứng vững là một bài toán khó, nhất là khi doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ bé so với các doanh nghiệp tại những nền kinh tế phát triển của khu vực.
Hội nhập và áp lực cạnh tranh
Biến động khó lường của nền kinh tế thế giới và xu thế hội nhập đang đặt các doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường cạnh tranh quốc tế, chứ không chỉ cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp nội. Trong khi đó, với lĩnh vực ngân hàng, TS. Lê Công chia sẻ, nếu như quy mô vốn bình quân của 1 ngân hàng trong khối ASEAN khoảng 1 tỷ USD, thì tại Việt Nam, ngân hàng lớn nhất mới đạt quy mô vốn chủ sở hữu 1 tỷ USD.
“Ở đất nước có nền kinh tế phát triển như Singapore, ngân hàng lớn nhất có quy mô vốn 600 tỷ USD”, TS. Lê Công chia sẻ trong mối so sánh với thực tại ngân hàng Việt và với quy mô vốn của MB hiện mới đạt 500 triệu USD.
Đi cùng với quy mô vốn lớn hơn, các ngân hàng lớn khu vực còn có lịch sử hoạt động lâu dài hơn, kinh nghiệm, năng lực quản trị và nền tảng công nghệ tốt hơn Việt Nam.
Trong khi các ngân hàng Việt Nam chưa chuẩn bị được gì nhiều trước ngưỡng cửa hội nhập, thì một số ngân hàng lớn như Maybank, HSBC, ANZ, Standard Chartered... đã có sự hiện diện tại Việt Nam theo hình thức 100% vốn hoặc tìm cách hợp tác với các ngân hàng nội địa.
Chưa hết, Chính phủ Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán để đi đến ký kết nhiều hiệp định kinh tế quan trọng như TPP, Hiệp định thương mại với EU, với Mỹ..., đặt ra cơ hội lớn, nhưng thách thức cũng rất lớn cho các doanh nghiệp nội địa.
Ngành ngân hàng, vốn được ví như mạch máu của nền kinh tế, đã và sẽ là ngành chịu tác động trực tiếp và sâu sắc nhất từ những thay đổi trong xu thế toàn cầu hóa.
Chia sẻ với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2015, TS. Lê Công cho biết, hoạt động kinh doanh ngân hàng hiện nay chịu ảnh hưởng từ 2 thách thức rất lớn.
Thứ nhất, cuộc chiến trong chính sách tiền tệ giữa các nền kinh tế lớn, sự thay đổi về công nghệ và dòng chu chuyển vốn trên toàn cầu đang ngày càng có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó ngành ngân hàng là tâm điểm. Đặc trưng của những yếu tố khách quan này là biến động ngày càng lớn, tác động ngày càng nhanh và khó lường.
Thách thức thứ hai đến từ bên trong, khi cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng gay gắt, trong đó bên cạnh những hình thức cạnh tranh lành mạnh, đây đó xuất hiện chiêu thức cạnh tranh nguy hiểm.
Khác với 5 năm trước đây, tính chất cạnh tranh trong kinh doanh ngân hàng hiện nay có nhiều điểm mới. Ngân hàng nào cũng phải chọn khách hàng làm trung tâm, trong khi mức độ hiểu biết, khả năng đàm phán của khách hàng tăng lên rất nhiều. Vòng xoáy cạnh tranh đáp ứng nhu cầu khách hàng, thu hút khách hàng tốt bằng nhiều chiêu thức, tạo sức ép lớn cho các chủ thể kinh doanh trong ngành.
Đối diện với những thách thức và thay đổi khó lường từ môi trường bên trong và bên ngoài ngành như vậy, “quản trị sự thay đổi” là câu chuyện được quan tâm hàng đầu với CEO MB.
Về khái niệm, sự thay đổi trong doanh nghiệp là những nỗ lực nhằm cải tổ một cách chủ động để đạt mục tiêu tạo sức cạnh tranh lớn hơn cho doanh nghiệp, từ việc áp dụng công nghệ mới, chuyển dịch chiến lược, tổ chức lại nội bộ, tối ưu hóa văn hóa doanh nghiệp... Tại MB, TS. Lê Công cho biết, giải pháp đầu tiên để ứng biến với sự thay đổi của môi trường kinh doanh là phải xây dựng được năng lực cạnh tranh cốt lõi.
Trong quan điểm của vị CEO này, dù các đối thủ cạnh tranh đến từ bên kia biên giới có mạnh đến bao nhiêu, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có những thế mạnh không thể thay thế và nếu xây dựng được cho mình năng lực cạnh tranh cốt lõi, doanh nghiệp sẽ đứng vững trên thị trường nội địa và không thua khi vươn tầm kinh doanh ra nước ngoài.
Tại MB, từ năm 2011, Ngân hàng đã quan tâm đến việc hợp tác với nhà tư vấn chiến lược hàng đầu McKinsey để đánh giá chính mình và xây dựng năng lực cạnh tranh cốt lõi.
“Vào thời kỳ đầu làm việc, bên cạnh đánh giá những thế mạnh của MB, McKinsey chỉ ra 3 điểm yếu nhân sự của Ngân hàng: đó là thiếu tính định hướng/thiếu sự ham học hỏi và có xu hướng hướng nội”, ông Lê Công chia sẻ.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là vừa qua, khi đánh giá lại Ngân hàng TMCP Quân đội, tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới này đã có những nhận xét rất tích cực về MB, đặc biệt là chất lượng nhân sự và tầm nhìn chiến lược. MB, theo đánh giá của McKinsey, đã quyết liệt, sáng tạo và chủ động thích ứng với thị trường hơn rất nhiều so với 5 năm về trước.
Một MB vững mạnh trên nền tảng 5 chữ C (Chất lượng - Con người - Công nghệ - Công tác Đảng - Công tác chính trị) với văn hóa gắn với giá trị cốt lõi riêng biệt, trên nền tảng thực thi nhanh hướng mạnh đến khách hàng và quan điểm cạnh tranh bằng chất lượng, tự tin, sáng tạo và chủ động hội nhập trên thương trường.
Vì sao MB vững bước khi 3 năm qua, trong khi nhiều đơn vị cùng ngành có sự trồi sụt rất lớn về hiệu quả kinh doanh thì MB liên tục dẫn đầu khối ngân hàng TMCP về nhiều chỉ tiêu hoạt động, đặc biệt là lợi nhuận và hiệu quả hoạt động/nhân sự? “Áp lực cạnh tranh và tâm thế sắp phải hội nhập khiến chúng tôi có nhiều sáng kiến mới”, ông Lê Công nói và chia sẻ, MB vững bước vì xác định rõ những thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của Ngân hàng.
Đầu tiên, mang thương hiệu Quân đội, MB đã và sẽ xác lập vững chắc vị thế của mình là ngân hàng số 1 phục vụ khách hàng quân đội. Khối khách hàng này, được MB chia thành 4 nhóm lớn để có thể tiếp cận và phục vụ tốt nhất.
Khách hàng quân đội ở khắp mọi miền đất nước, hoạt động nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiệm vụ cũng khác nhau như ngoài nhiệm vụ trọng tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc còn tham gia lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tham gia lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo...
Vì thế, việc chăm sóc khách hàng quân đội, MB phải thiết kế chính sách, sản phẩm phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ trong lĩnh vực, địa bàn. “Chúng tôi đã thiết kế những sản phẩm ngân hàng riêng cho khối khách hàng này và sắp tới sẽ có những sự chăm sóc đặc biệt để gắn MB bền chặt hơn với hệ thống khách hàng này”, ông Lê Công nói.
Năng lực cốt lõi thứ hai đến từ sự hợp tác với Viettel. Đây là Tập đoàn Viễn thông hàng đầu ở Việt Nam, có số lượng thuê bao lớn, có địa bàn hoạt động rộng trong và ngoài nước. Với số lượng trên 40 - 50 triệu khách hàng trên toàn quốc và sự hiện diện tại nhiều quốc gia trong khu vực, Viettel và MB có sự hợp tác đặc biệt trong việc chia sẻ tệp khách hàng và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào dịch vụ giao dịch ngân hàng.
Năm 2015, MB đặt mục tiêu phát triển thêm 3 triệu khách hàng mới, trên nền 3 triệu khách hàng hiện có. Mục tiêu này, theo Tổng giám đốc Ngân hàng, là khá khiêm tốn so với không gian khai thác từ tệp khách hàng của Viettel.
“Trong tương lai, chúng tôi muốn hướng đến mục tiêu phát triển 5 - 10 triệu khách hàng mới mỗi năm từ việc phát triển các sản phẩm ngân hàng điện tử trong mối quan hệ hợp tác với Viettel”, ông Lê Công nói.
Với mạng lưới điểm giao dịch và hệ thống nhân sự không lớn nhất trong khối ngân hàng TMCP, MB ghi dấu ấn phát triển hiệu quả nhất và ổn định nhất trong ngành, khi trong 3 năm, 2012 - 2014 và dự kiến năm 2015, các chỉ tiêu ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu), ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản), hiệu quả hoạt động/nhân sự ở mức cao nhất khối. Sau 4 năm thực hiện chiến lược kinh doanh mới, MB đã ghi tên mình trong TOP 3 ngân hàng TMCP, TOP 5 ngân hàng thương mại tốt nhất tại Việt Nam. Con đường phía trước còn rất dài và kinh doanh trong môi trường kinh doanh nhiều biến động, MB chắc chắn cũng phải không ngừng đổi mới. Tuy nhiên, tư duy quản trị sự thay đổi mà CEO MB chia sẻ, được xác lập trên thế mạnh cốt lõi và nền tảng định hướng chiến lược tốt, nhân sự tốt, đang tạo niềm tin về một MB sẽ vững bước trên thương trường, vững bước trong hội nhập. |