Doanh nhân
CEO, sáng lập Coolmate Phạm Chí Nhu: Xây dựng “tủ đồ” cho nam giới
Thị Hồng - 11/03/2021 14:23
Có thể cung cấp 10 món đồ cơ bản cho nam giới với giá 490.000 đồng bao gồm phí vận chuyển, Coolmate kỳ vọng đạt doanh số 65 triệu USD vào năm 2025 và từng bước tiến đến IPO.
TIN LIÊN QUAN
Phạm Chí Nhu, nhà sáng lập/CEO Coolmate.

Doanh số tăng 5 lần sau một năm thành lập

Coolmate là sự kết hợp giữa ‘Cool’ và ‘Mate’ được thành lập năm 2019, với mong muốn đem đến cho khách hàng ưa trải nghiệm, thích phiêu lưu một vẻ ngoài “cool” ngầu, mới mẻ, năng động. Hơn cả, start-up này còn muốn được trở thành những người đồng hành “mate” thấu hiểu và những trợ thủ đắc lực nhất cho nam giới.

Phạm Chí Nhu, nhà sáng lập/CEO Coolmate cho biết, nam giới không có thói quen thường xuyên mua sắm như nữ giới. Việc đi đến từng cửa hàng mua từng đôi tất, từng áo thun là “cực hình” với nam giới. Mua sắm trực tuyến được kỳ vọng trở thành giải pháp phù hợp hơn, đặc biệt với người trẻ, khi theo khảo sát gần nhất của start-up này với hơn 1.000 nam giới trong độ tuổi từ 18-35, hơn 50% số này đang mua sắm đồ cơ bản thông qua online dù trải nghiệm còn chưa được như kỳ vọng.

“Vì thế, chúng tôi tạo ra Coolmate. Chỉ với 2 phút trên website, người dùng có thể tạo ngay cho mình một tủ đồ bao gồm các món đồ cơ bản như áo thun, đồ lót, bít tất, với 10 sản phẩm mà chỉ cần trả 490.000 đồng đã bao gồm phí vận chuyển”, Nhu nói và cho biết, doanh số của Công ty đã tăng 5 lần sau một năm thành lập chỉ nhờ vào việc bán các món đồ cơ bản dành cho nam giới như áo thun, đồ lót và bít tất.

Với tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 30%/tháng, Coolmate đã có lợi nhuận từ nửa cuối năm 2020 cũng như đã nhận vốn đầu tư. Start-up này còn tận dụng một phương pháp gia tăng doanh số thông qua chia sẻ của những người có sức ảnh hưởng, khi từng có trường hợp mang về doanh số hơn 50.000 USD/ngày.

100% sản phẩm sản xuất tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những nước sản xuất, xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, rất nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới đang được sản xuất tại Việt Nam. Nhà sáng lập Coomate cho đây là một sự khẳng định cho uy tín, chất lượng và lợi thế về giá cả cạnh tranh trên thế giới đối thương hiệu “made in Việt Nam”. Vì thế, không có lý do gì mà một thương hiệu Việt Nam như Coolmate lại không sản xuất các sản phẩm của mình tại chính đất nước mình.

100% sản phẩm may mặc của Coolmate được sản xuất bởi chính những người thợ may lành nghề của Việt Nam. Start-up này tự hào gắn nhãn “Proudly Made in Vietnam”, cũng như tự tin cạnh tranh công bằng với các thương hiệu nước ngoài cả về chất lượng lẫn giá cả.

Các đối tác sản xuất là một phần của Coolmate. Thay vì đặt hàng thời vụ và từng đơn lẻ với nhiều xưởng may khác nhau để tìm giá rẻ nhất, Coolmate tập trung xây dựng mối quan hệ chiến lược với các đối tác sản xuất có uy tín ngay từ đầu.

“Cùng với nhau, chúng tôi tin rằng, khi các sản phẩm chất lượng được thị trường chấp nhận nhiều hơn thì cũng là lúc mà xưởng sản xuất có nhiều đơn hàng hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn. Có những đối tác đã đi từ ngày đầu tiên với Coolmate khi chúng tôi còn rất nhỏ và cho tới nay Coolmate đã trở thành đối tác lớn của họ, mối quan hệ và triết lý hợp tác vẫn không hề thay đổi”, theo phần giới thiệu về các công đoạn sản xuất trên website của Coolmate.

Nhu cho biết, Coolmate đang tập trung xây dựng hình ảnh là một thương hiệu thời trang theo mô hình B2C. “Chúng tôi không xem các sàn thương mại điện tử là đối thủ, mà các thương hiệu thời trang truyền thống có thể trở thành đối thủ. Nhưng họ sẽ gặp vấn đề về giá vì không thể bán 1 chiếc áo thun với giá 7-10 USD như Coolmate do có nhiều chi phí trung gian, mặt bằng”, Nhu nói và cho biết, 98% khách hàng mua sắm tại Coolmate đều hài lòng với chất lượng sản phẩm nhận được.

Với tỷ suất lợi nhuận 45%, cùng tốc độ tăng trưởng như hiện tại, doanh số của Coolmate được kỳ vọng đạt 65 triệu USD và đáp ứng yêu cầu IPO tại Việt Nam. Thêm vào đó, đội ngũ Coolmate còn đặt mục tiêu, mỗi nam giới Việt Nam khi muốn mua một sản phẩm cơ bản, sẽ chọn truy cập vào Coolmate đầu tiên.

Ngoài thị trường nội địa, start-up này còn đang xây dựng kế hoạch phát triển tại các thị trường khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Tin liên quan
Tin khác