VN-Index tiến sát mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán “lúa non”?
VN-Index xác lập mức định mới 1.299,5 điểm trong chiều nay. Dù điều chỉnh nhẹ sau đó, chỉ số sàn HoSE vẫn đóng cửa ở mức 1.297,98 điểm, tăng 14,05 điểm (+1,08%) và là mức đóng cửa cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Trái với vài phiên tuần trước, VN30-Index hôm nay chỉ tăng 5,44 điểm, thấp hơn nhiều mức tăng của chỉ số chung. Dòng tiền không chỉ còn “ưu ái” các cổ phiếu vốn hóa lớn. Sắc xanh lan tỏa rộng với 244 mã tăng giá trong khi chỉ có 93 mã giảm giá.
Đà tăng cũng áp đảo trên cả hai sàn HNX và UPCoM. HNX-Index lần đầu vượt mốc 300 điểm, tăng 2,34 điểm (+0,79%) so với hôm trước. UPCoM-Index tăng mạnh nhất (+1,24%), đóng cửa tại mốc 82,6 điểm.
Sắc xanh áp đảo trên ba sàn chứng khoán |
Giá trị giao dịch trên sàn UPCoM vọt lên 2.200 tỷ đồng. Trên hai sàn niêm yết, thanh khoản giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt 28.380 tỷ đồng. Bất chấp sự sôi động của thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa dừng chuỗi phiên bán ròng.
Trên HoSE, khối ngoại mua vào 1.014 tỷ đồng nhưng cũng bán ra tới 1.632 tỷ đồng. Giá trị bán ròng trên cả ba sàn là 640,5 tỷ đồng,cao hơn mức bán ròng ba phiên cuối tuần trước.Gần đây, nhiều quỹ lớn liên tục thông báo đã bán ra cổ phiếu như Dragon Capital bán HPG, CII và HDG hay VinaCapital thoái vốn khỏi Nhà Khang Điền (KDH). Cổ phiếu HPG điều chỉnh hai phiên liên tiếp. Nhóm quỹ ngoại này cũng liên tục bán hơn 10 triệu cổ phiếu CII từ ngày 7/4, một phần cũng là nguyên nhân đẩy giá cổ phiếu CII giảm hơn 23%.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp khối ngoại chấp nhận bán sớm và ăn lãi nhỏ hơn như các cổ phiếu bất động sản như HDG và KDH tăng liên tiếp nhiều phiên gần đây.
Sau Hòa Phát đến VietinBank vượt mặt, vốn hóa Vinamilk tiếp tục thụt lùi
VN-Index tăng tới hơn 14 điểm, có sự đóng góp lớn nhất từ cú bật tăng của cổ phiếu VietinBank. CTG đã tăng 6,1% trong phiên lên 51.200 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức giá cao kỷ lục của cổ phiếu này. Vốn hóa thị trường VietinBank nhờ vậy vọt lên 190.638 tỷ đồng, bứt phá lên vị trí thứ 5 của Vinamilk chỉ kém vài chục tỷ đồng khi đóng cửa phiên 24/5.
Tuy nhiên, khoảng cách trên rất nhỏ. Sau khi hai lần về sát mốc 87.000 đồng/cổ phiếu gần đây, cổ phiếu VNM đã hồi phục khá và cũn nằm trong các cổ phiếu top đầu kéo chỉ số tăng. Sự vươn lên của Hòa Phát và hôm nay là VietinBank đang đẩy ông lớn ngành sữa ra khỏi top 5 vốn hóa cao nhất của thị trường.
Cạnh đó, VHM, GVR và BID cũng là các nhân tố thúc đẩy chỉ số. Ở chiều ngược lại VPB, NVL, PLX, VIC và HPG giảm đã tác động khá nhiều nhưng không đủ ghìm chân mức tăng của thị trường chung.
Giá cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất ngành cao su, phân bón, hóa chất cũng ghi nhận mức tăng đáng kể ghi nhận. Trong ngành cao su, “ông lớn” GVR và DRI đều tăng kịch biên độ. Giá trị giao dịch cổ phiếu DRI thậm chí còn tăng đột biến.
Từ 14h20p, giao dịch khớp lện trên HosE lại gặp khó. Hiện tượng này đã xảy ra trong ba phiên liên tiếp khi thanh khoản tăng, dòng tiền lại chảy “lớn” vào thị trường.
Hế thống giao dịch đã trở nên quá tải và là vấn đề nóng từ những tháng cuối năm 2020. Trong chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI cho rằng hệ thống là điều cần cải thiện. Tình trạng méo mó có thể trực tiếp gây ra sự nghi ngại cho nhà đầu tư.
“Năm 2021 là năm thị trường có thể phát triển tốt và tốt ở đây còn là khía cạnh số người tham gia thị trường tăng, thanh khoản tốt hơn, có thể huy động được vốn cho nền kinh tế, cơ hội phát triển thị trường tốt hơn. Câu chuyện từ nay đến cuối năm là giữ cho hệ thống thông suốt”, Chủ tịch SSI nhấn mạnh trong một chia sẻ tới các cổ đông, nhà đầu tư.