Bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH quản lý quỹ SSI (SSIAM) chia sẻ với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn.
Thị trường đã qua giai đoạn “dễ kiếm lời”, nhiều nhà đầu tư vẫn đang thua lỗ nặng muốn rời bỏ thị trường, SSIAM có nhìn nhận gì về thực trạng này?
Vẫn luôn có cơ hội cho tất cả nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt là đối với thế hệ Gen Z, họ được sinh ra và lớn lên ngay trong thời đại số. Do đó, thế hệ Gen Z có hiểu biết và nhận thức cụ thể về tài chính sớm hơn hẳn các thế hệ trước.
Thị trường chứng khoán giống như môn lịch sử, bởi chúng ta phải quan sát và biết nhiều hơn về quá khứ. Khi đã trải qua được những giai đoạn khó khăn, kinh nghiệm sẽ giúp cho nhà đầu tư nắm bắt được sự vận động của thị trường, từ đó đưa ra những đánh giá, nhận định cho hiện tại và tương lại.
Cùng với nhận thức sớm về tài chính, các nhà đầu tư trẻ tuổi cũng có cơ hội được tiếp xúc với nhiều sản phẩm đầu tư hơn so với những thế hệ đi trước, để từ đó có thể xây dựng kế hoạch đầu tư tích lũy tài sản một cách bền vững.
Khi tham gia đầu tư sớm nhà đầu tư sẽ có cơ hội tận dụng được cơ hội hưởng “lãi kép”. Có nghĩa là, số tiền lãi từ khoản đầu tư ban đầu sẽ được tái đầu tư và tiếp tục sinh ra lợi nhuận. Từ đó, lãi lại tiếp tục sinh ra lãi, và thời gian đầu tư càng dài, nhà đầu tư càng thu về được nhiều lợi nhuận.
Một ví dụ tiêu biểu có thể nói đến là Warren Buffett - người được coi là nhà đầu tư thiên tài, cũng là người đã tận dụng được lợi thế của lãi kép khi đã tham gia đầu tư từ rất sớm, khi mới chỉ 11 tuổi. Trải qua nhiều giai đoạn của thị trường, ông đã dần tích lũy được số tài sản khổng lồ.
Nguồn: Finmaster, 2023
Từ số tiền khiêm tốn ban đầu, Warren Buffett đã trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Tính bình quân, mức lãi kép trong suốt gần 80 năm đầu tư của ông đạt khoảng 24,19%/năm.
Mặc dù không phải nhà đầu tư nào cũng có thể duy trì một tốc độ tăng trưởng ấn tượng như vậy, tuy nhiên, chỉ cần duy trì kỷ luật cũng như thói quen đầu tư tích lũy một cách ổn định trong một thời gian dài, mọi nhà đầu tư đều có thể hái quả ngọt.
Vậy kinh nghiệm để phân bổ tài sản cho từng giai đoạn thị trường nên như thế nào, thưa bà?
Các nhóm tài sản khác nhau sẽ có những lợi thế nhất định trong từng giai đoạn của chu kỳ kinh tế. Tương tự như vậy, trên thị trường chứng khoán, mỗi giai đoạn đều có cố phiếu những ngành nghề có thể được hưởng lợi và mang lại hiệu quả đầu tư tốt hơn so với các ngành nghề khác. Do đó, trên thị trường chứng khoán, trong mỗi chu kỳ kinh tế đều có những cơ hội đầu tư sinh lời.
Với một nền kinh tế tăng trưởng tích cực như Việt Nam, SSIAM luôn tin vào xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong dài hạn. Theo đó, chúng tôi luôn khuyến khích nhà đầu tư hướng tới mục tiêu tích lũy tài sản cho dài hạn, thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ các quỹ mở, ETF nhằm tận dụng hiệu quả của lãi kép.
Đối với các nhà đầu tư trẻ tuổi, có thể bắt đầu từ những khoản đầu tư định kỳ hàng tháng, hàng quý (SIP - Systematic Investment Plan - Chương trình đầu tư định kỳ). SIP không chỉ giúp nhà đầu tư dễ tiếp cận với số tiền đầu tư nhỏ, mà còn giúp giảm thiểu rủi ro biến động thị trường trong ngắn hạn, hướng tới mục tiêu đầu tư dài hạn.
SIP có là thói quen phổ biến của người dân ở các thị trường phát triển, lợi ích họ thu lại là gì?
Chương trình đầu tư định kỳ (SIP) khá phổ biến tại các thị trường phát triển và dần xuất hiện tại Việt Nam trong những năm gần đây. Đúng với tên gọi của mình, đây là hình thức cho phép nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các sản phẩm quỹ mở một cách định kỳ, qua đó tích lũy tài sản trong dài hạn và được hưởng lợi từ hiệu quả đầu tư của quỹ.
Hình thức này được ưa chuộng bởi dân văn phòng, hoặc những người đi làm hưởng lương, có nguồn thu nhập ổn định, từ đó trích nguồn thu nhập của mình đầu tư vào chứng chỉ quỹ.
Ưu điểm của hình thức này là có thể bắt đầu từ số tiền đầu tư nhỏ, không quá ảnh hưởng bởi tính thời điểm tham gia đầu tư, việc đầu tư SIP giúp cho nhà đầu tư giảm thiểu những biến động ngắn hạn, tham gia đầu tư một cách đều đặn với tầm nhìn dài hạn.
Nhưng thực tế, tại Việt Nam, ủy thác đầu tư qua nhà đầu tư chuyên nghiệp là các quỹ vẫn chưa được các người dân quan tâm và đón nhận rộng rãi. Vì sao, thưa bà?
Hiện nay, tại Việt Nam, số tài khoản giao dịch chứng khoán tương ứng với 7% dân số, đồng thời chiếm trên 80% giá trị giao dịch trên thị trường. Trong khi đó, số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở mới chỉ đạt chiếm dưới 1% dân số (số liệu tính đến 30/09/2022). Có thể thấy, đa phần nhà đầu tư cá nhân đều đang lựa chọn tự đầu tư thay vì đầu tư thông qua các quỹ.
Tuy nhiên, để có thể tự đầu tư, không phải nhà đầu tư nào cũng được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như dành thời gian để theo dõi và tham gia giao dịch trên thị trường. Tổng tài sản quản lý (AUM) của các quỹ trong nước đến cuối 2022 mới chỉ đạt 23,25 tỷ USD, tương ứng với 2,44% GDP.
Tỷ lệ này vẫn còn thấp so với các quốc gia lân cận như Thái Lan: 28,93% (năm 2017), Malaysia: 31,57% (năm 2017), Trung Quốc: 10,7% (năm 2020), Ấn Độ 15,4 % (năm 2021), …
Theo chúng tôi, nhà đầu tư trong nước vẫn còn ngần ngại trong việc ủy thác tài sản của mình cho các bên thứ ba quản lý, dù đó là những đơn vị quản lý quỹ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc tự đầu tư cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư không có đủ thông tin, năng lực để quản lý khoản đầu tư một cách hiệu quả, kỷ luật.
SSIAM đánh giá xu hướng, triển vọng của kênh đầu tư chứng chỉ quỹ trong tương lai ra sao, dựa trên các cơ sở nào?
Theo thống kê của Statista, năm 2021, giá trị tổng tài sản quản lý của các quỹ trên toàn thế giới lên tới 112,3 nghìn tỷ USD. Trong đó, riêng khu vực Bắc Mỹ chiếm tới gần một nửa giá trị.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng trưởng tổng tài sản quản lý bình quân lên đến 18%/năm trong suốt 10 năm. Chúng tôi tin rằng, thói quen đầu tư tích lũy đến từ cả yếu tố kinh tế cũng như xã hội của mỗi quốc gia.
Sự gia tăng tầng lớp trung lưu, phổ cập kiến thức quản lý tài chính cá nhân đều là những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành quản lý quỹ tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Chúng tôi tin rằng, khi con số này tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu đầu tư tích lũy tài sản một cách bài bản sẽ ngày càng trở nên thiết thực hơn.
Nguồn: BCH Global Asset Management 2022—20th Edition
Tại quốc gia đã phát triển như Mỹ, 45,4% hộ gia đình đầu tư vào sản phẩm chứng chỉ quỹ và 73% trong số đó đầu tư cho mục đích nghỉ hưu.
Xét theo quy mô tài sản quản lý năm 2022, đứng đầu danh sách là Quỹ Đầu tư Hưu trí Chính phủ Nhật Bản (GPIF) với tổng tài sản 1.325 tỷ USD. Tiếp sau đó là Quỹ Tiết kiệm Hưu trí Liên bang Mỹ, Quỹ Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc với tổng tài sản lần lượt là 690 tỷ USD và 608 tỷ USD.
Có thể thấy các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc hiện là những quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhất thế giới, trong đó Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất toàn cầu, người dân đã có những chuẩn bị để đảm bảo ổn định tài chính khi đến tuổi nghỉ hưu.
Việt Nam cũng đang chứng kiến tốc độ tăng dân số giảm sút trong các năm qua, chính vì vậy quỹ hưu trí tự nguyện sẽ là xu thế tất yếu của phát triển.
Quỹ Hưu trí tự nguyện mới do SSIAM thành lập và vận hành ghi nhận có số lượng thành viên lớn nhất Việt Nam trong quý I/2023 với gần 22.000 nhà đầu tư trong nước. Sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện đang là xu hướng mới tại Việt Nam thời gian gần đây nhờ khả năng tăng tính gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động, đồng thời góp phần bảo đảm ổn định tài chính cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu, qua đó giảm thiểu áp lực đối với hệ thống an sinh xã hội.