Dự án cải tạo và xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng tại địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, sẽ đem lại động lực mới cho việc phát triển văn hóa đọc trong năm 2022 và nhiều năm tới.
CEO Tân Việt Books Nguyễn Kim Thoa |
Thưa chị, tại sao 2022 lại là năm chị tập trung cho việc cải tạo và xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng ở các vùng nông thôn?
Theo quan sát của tôi, nguồn lực của Nhà nước đầu tư vào các nhà văn hóa tại nông thôn khá nhiều, nhưng những địa điểm như vậy lại chưa hoạt động và phát huy được hiệu quả, thường là cửa đóng then cài và không có hoạt động thường xuyên. Bản thân tôi cũng xuất thân từ vùng quê, từ nhỏ cũng không được tiếp cận với sách ngoài sách giáo khoa. Nếu ngày đó được tiếp cận với sách nhiều như bây giờ thì khả năng tư duy, năng lực quan sát, khả năng suy nghĩ cũng sẽ tốt hơn.
Vậy nên, tôi nhìn thấy sự lãng phí nguồn lực của Nhà nước cũng như lãng phí về giai đoạn phát triển của con người. Bởi việc đọc sách ở độ tuổi từ mầm non tới tiểu học vô cùng quan trọng, trẻ em được tiếp cận với sách ở thời điểm này là nền tảng tốt nhất cho sự phát triển sau này. Chúng ta có thể nuôi dưỡng và lấp đầy khoảng trống đó. Khi nhìn nhận vấn đề này, tôi thấy rằng, việc xây dựng và cải tạo được các nhà văn hóa cộng đồng tại nông thôn như vậy là rất tốt. Tốt cho mỗi gia đình, cho địa phương và nhân rộng ra là tốt cho đất nước.
Nhưng để làm việc này không phải là dễ, để đi vận động mọi người bỏ kinh phí ra đã khó, nhưng việc vận hành và làm cho nó hoạt động hiệu quả còn khó hơn, mất công mất sức nhiều hơn. Nhưng với bản lĩnh của mình, khi đã đặt ra mục tiêu, thì tôi sẽ nỗ lực hết sức và tôi tin mình làm được, sẽ nghĩ ra rất nhiều cách và giải pháp để thực hiện.
Có thể lúc đầu làm chưa tốt, thì mình cần điều chỉnh và rút kinh nghiệm. Tâm nguyện của tôi là làm sao để gieo được mầm tri thức cho mọi người, mọi nhà và đó là niềm vui của tôi, của các nhà tài trợ, của các bản làng và Tân Việt Books.
Không gian nhà sách của Tân Việt Books |
Để xây dựng một tủ sách ở nông thôn thì có vẻ đơn giản, nhưng cải tạo cả một nhà văn hoá thì lại là vấn đề khác. Chị đã hình dung hết những khó khăn đang chờ đợi mình chưa?
Tôi nghĩ khó khăn nhất là đáp án cho câu hỏi có xin được nguồn tài trợ không, thì tới lúc này, tôi khá tự tin vì được mọi người ủng hộ. Giai đoạn I, tôi thuyết phục những thân quen, anh em, bạn bè, sau đó mới mở rộng ra.
Cái khó nữa nằm ở việc vận hành. Chúng tôi phải có lộ trình, mục tiêu rõ ràng cho cả năm và chia mục tiêu nhỏ hơn từng quý, từng tháng. Với cách làm là luôn lắng nghe, điều chỉnh và rút kinh nghiệm, tôi tin mình có thể làm được.
Ví dụ, kế hoạch hàng quý phải có sự kiện truyền cảm hứng để mọi người hiểu tại sao phải đọc sách, giá trị của việc đọc sách như thế nào, lợi ích của sách ra làm sao. Đó là những gì chúng tôi phải chia sẻ để người dân quan tâm và ưu tiên cho việc đọc, để nâng cao nhận thức và dân trí cho xã hội. Tôi và nhiều diễn giả sẽ nhận nhiệm vụ chia sẻ về điều này. Ngoài ra, chúng tôi cùng chính quyền địa phương sẽ thành lập ban quản lý cho mỗi nhà văn hóa với ít nhất từ 4 đến 5 người. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng họ, đào tạo lại để họ duy trì những hoạt động thường xuyên cho nhà văn hóa cộng đồng.
Trước đây, chị đã rất thành công với mô hình cải tạo thư viện các trường học, thư viện công cộng. Đây có phải là cơ sở để chị tự tin để triển khai dự án này không?
Sau chương trình cải tạo thư viện các trường học, tôi đã có dịp đi gặp các hiệu trưởng và nghe phản hồi của họ. Họ nói không thể ngờ rằng, nhà trường lại có thể có công trình thư viện như vậy, việc này lẽ ra cần phải làm sớm hơn. Giờ ra chơi, học sinh yêu thích lao vào thư viện đọc sách. Có lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo thư viện chia sẻ với tôi rằng, những mùa hè trước chỉ có vài trăm thẻ đăng ký đọc sách, nhưng nay đã lên tới hàng ngàn thẻ bạn đọc khi có thư viện mới. Không phải các con không thích đọc sách mà do người lớn chưa tạo ra môi trường và chưa định hướng cho trẻ thôi. Đó chính là những tiền đề để tôi tổ chức triển khai Dự án cải tạo và xây dựng nhà văn hóa ở nông thôn. Bởi thế hệ tương lai của đất nước được tiếp cận với sách từ nhỏ, thì sẽ góp phần tạo ra thay đổi lớn cho chính người đọc và cho xã hội.
Đây có phải dự án cộng đồng lớn nhất mà chị từng triển khai?
Có lẽ như vậy, nếu không vì dịch Covid-19 thì chúng tôi đã có thể triển khai được từ cách đây một năm. Đây là dự án chúng tôi đã tìm hiểu, ấp ủ nhiều năm nay và đến giờ, khi phải xác định sống chung với dịch Covid-19, thì chúng tôi quyết tâm thực hiện. Bàn về câu chuyện xây dựng văn hóa đọc, tôi cho rằng, đây chính là việc đem lại không gian văn hóa đọc. Bên cạnh việc có nghề, có kinh nghiệm, với việc triển khai xây dựng thư viện cộng đồng, tôi nghĩ rằng, cần phải đặt tình yêu, tâm huyết và cả niềm tin vào việc này, thì mới có thể làm được.
Trong không khí Tết cổ truyền, nếu để nói vài câu cô đọng với bạn đọc, chị sẽ nói gì?
Tôi muốn nói rằng, các bố, các mẹ hãy coi việc xây dựng thói quen đọc sách từ nhỏ cho con em mình như trao một tài sản lớn cho con trong tương lai. Tôi cảm nhận được điều này rất rõ, bởi lãng phí nhất là lãng phí thời gian. Con em chúng ta vẫn còn những thời gian trống, các bậc cha mẹ hãy cố gắng định hướng cho con việc đọc để lấp đầy những khoảng trống đó. Để khi lớn lên, chúng không chỉ có tri thức, mà còn có cả tâm hồn đẹp.
Tại Hà Nội:
Tân Việt Bookstore tại B2 - R5 Trung tâm thương mại Vincom Royal City - 72A Nguyễn Trãi
Tân Việt Bookstore tại B1 - Vincom Plaza Bắc Từ Liêm - 234 Phạm Văn Đồng
Tân Việt Bookstore tại B1 - Trung tâm thương mại Vincom Times City - 458 Minh Khai
Tân Việt Bookstore tại 449 Bạch Mai
Các tỉnh, thành phố:
Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Cần Thơ.