Thép chảy…
Tin cổ phiếu BVG bị hủy niêm yết từ cuối tháng 5 không quá bất ngờ. Vì báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp của Công ty cổ phần Thép Bắc Việt, từ năm 2012 đến năm 2014, đều lỗ. Điều bất ngờ là sự sẵn sàng đối mặt của Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Trần Anh Vương. Hai năm trước, ông và Bắc Việt gần như biến mất trên truyền thông.
“Dám đối mặt có nghĩa là lúc tối tăm nhất đã qua. Việc cơ cấu lại nguồn vốn giúp Công ty thăng bằng hơn về tài chính. Tỷ trọng xuất khẩu chiếm đa số trong doanh thu tạo sự ổn định cả về doanh thu lẫn việc duy trì lãi suất vay bằng tiền USD ở mức thấp. Tôi tin đây sẽ là cơ sở cho việc kinh doanh có lãi trong những năm tới”, ông Vương không dấu chiến lược vừa cơ cấu nợ, thay đổi cơ cấu ngành nghề, vừa làm ăn với đối tác Nhật mà ông và các cộng sự đã kiên trì từ năm 2013 đến giờ.
Tuy nhiên, vị thủ lĩnh của một trong những doanh nghiệp thép công nghiệp còn tồn tại sau cuộc thanh lọc gắt gao của thị trường những năm qua buộc phải thừa nhận rằng, cái giá của một giai đoạn đầu tư nóng quá lớn. “Nhưng thú thực, đó là tài sản phải trả giá mới có được, chứ chỉ nghe kể không thấm. Hiện giờ, chúng tôi buộc phải bình tĩnh tìm cách xuôi theo sóng”, ông Vương nói.
Cũng không dễ bình tĩnh khi soi bản giải trình nguyên nhân lỗ của Bắc Việt. Kinh tế khó khăn, bất động sản, công trình xây dựng… là nguồn tiêu thụ các sản phẩm đầu ra của Công ty là sắt thép, sản phẩm cơ khí… hoạt động cầm chừng, có lúc gần như đóng băng, nên doanh số thương mại giảm mạnh. Giá sắt thép cũng giảm do tác động của thị trường thế giới khiến lợi nhuận gộp của Công ty giảm.
Trong khi đó, lãi vay chiếm tỷ trọng chi phí lớn của Công ty, lớn hơn cả lợi nhuận gộp trong kinh doanh, khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Việc thanh lý tài sản của Công ty, đặc biệt khu đất tại các dự án của Công ty đầu tư trước đó ở Bắc Ninh, Đình Vũ (Hải Phòng) để trả nợ cũng không dễ dàng…
Ngay cả liên doanh với 4 đối tác Nhật là Nippon Steel & Sumikin Metal Products Co., Ltd; Sumitomo Corporation; Sumisho Tekko Hanbai Co., Ltd; Kyoei Steel Ltd để sản xuất và kinh doanh ống thép và kết cấu thép, hồi năm 2012 từng được nhấn mạnh là bước xoay chuyển cho Thép Bắc Việt, cũng chưa đem lại hiệu quả. Hai năm rồi, Bắc Việt phải trích dự phòng khoản lỗ hơn 10 tỷ đồng theo tỷ lệ góp vốn thực tế vào liên doanh.
“Cũng may, khó khăn của Công ty… lăn đúng vòng chính sách, Công ty được phép khoanh nợ để cơ cấu. Nếu không kịp có cơ chế này, tôi cũng không còn ngồi đây vì những khoản vay đầu tư quá nóng, trở tay không kịp”, ông Vương trầm ngâm.
Đến quý IV/2014, những kết quả đầu tiên đã xuất hiện trên bảng báo cáo tài chính, lợi nhuận hợp nhất tăng, lỗ trong hoạt động liên doanh giảm, nhưng vẫn không kịp đưa cổ phiếu BVG ra khỏi vòng nguy hiểm. Như vậy, kế hoạch phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ từ 97,5 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng mà Đại hội đồng cổ đông Công ty Thép Bắc Việt thông qua hồi tháng 4 đang bị làm khó. Chặng đường tái cơ cấu mà ông Vương đang kiên nhẫn theo đuổi sau cú vấp mà ông từng “vốn hóa” tới triệu đô vì vậy sẽ gian nan hơn.
... vào khuôn
Cuối năm 2014, Bắc Việt là một trong số 5 nhà cung cấp nội địa tốt nhất được Samsung ghi nhận. 100 nhà cung cấp được Samsung Việt Nam mời tới để công bố. Không giấy chứng nhận, không phần thưởng, nhưng đây là điều mà các nhà cung cấp cho thương hiệu hàng đầu thế giới này luôn mong muốn.
Không dễ để có vị trí này. Cứ 6 tháng 1 lần, người của Samsung sẽ đến các nhà cung cấp của mình để kiểm tra thực tế sản xuất tại doanh nghiệp.
“Họ nói với chúng tôi rằng, không phải cứ giao hàng đúng thời gian là quy trình sản xuất đều tốt cả. Đôi khi nhà cung cấp vẫn giao hàng đúng chuẩn vì làm 100, chọn được 20 để giao. Samsung không khuyến khích cách làm này. Họ muốn làm được 100 là đủ chất lượng cả 100. Đó là chưa kể quy trình kiểm tra phòng cháy chữa cháy, an toàn trong sử dụng điện, các quy định về làm thêm giờ, tiền ăn trưa cho công nhân…”, ông Vương hồ hởi kể mức điểm 80/100 của Bắc Việt.
Công của vị Chủ tịch HĐQT rất lớn khi trong lúc khó khăn nhất, vẫn quyết “chơi với những người lớn nhất”. Nhà máy khuôn nhựa dù không được đầu tư tiếp do hạn chế về tài chính, đánh mất cơ hội bứt phá, nhưng cũng đã đạt được doanh số tăng 30% so với năm trước. Đây là mảng có lợi nhuận trở lại nhanh nhất. Mảng sản xuất sản phẩm cơ khí cũng chấp nhận mất thêm thời gian triển khai và chạy thử do tiếp cận các mặt hàng mới với kỹ thuật sản xuất cao hơn, nhưng cũng đã nhích lên...
Những năm trước, khi bắt đầu chuyển sang sản xuất sản phẩm phụ trợ, mục tiêu mà ông Vương nhắm tới là Canon... Một giám đốc nhà máy là người Nhật đầu quân cho Bắc Việt để đảm bảo mọi quy trình được kiểm soát theo đúng tiêu chuẩn Nhật Bản, thúc đẩy bộ máy người Việt nhanh đạt chuẩn... Chiến lược này đã giúp Bắc Việt có được cơ hội vàng khi bắt tay liên doanh với 4 doanh nghiệp lớn của Nhật trong lĩnh vực sản xuất ống thép và kết cấu thép ngay thời điểm khó khăn nhất của mình.
Lúc này, ông Vương đang tìm kiếm các vị trí quản lý cấp trung là người am hiểu đối tác lớn Nhật Bản, Hàn Quốc. Thậm chí, ông Vương cũng muốn tìm được người vào vị trí CEO mà ông đang kiêm nhiệm. “Xác định làm phụ trợ thì phải thực sự chuyên nghiệp mới tham gia sâu được vào chuỗi giá trị sản xuất của các thương hiệu lớn. Nhân sự người Việt đang khuyết và yếu ở mảng này. Tôi muốn tìm nguồn nhân sự từ Singapore”, ông Vương tiết lộ kế hoạch.
Cứ nhắc tới công nghiệp phụ trợ, ông Vương như trở thành người khác, đầy năng lượng với nhiều kế hoạch. Có thể nói, sự xoay chuyển kịp thời từ thương mại sang sản xuất, từ ống thép công nghiệp sang tập trung sản phẩm công nghiệp phụ trợ, cơ khí xuất khẩu đã không chỉ cứu sống Bắc Việt mà mở ra hướng phát triển mới cho Công ty – trở thành vệ tinh của các thương hiệu lớn như Canon, Nokia, Foxconn tại Bắc Ninh, nơi nhà máy của Bắc Việt đặt chân…
Cơ hội mở thị trường xuất khẩu đang rộng hơn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN xuất hiện vào cuối năm nay, cũng như khi dòng vốn đầu tư nước ngoài theo chân các hiệp định thương mại tự do tăng lên, nhiều thương hiệu lớn của thế giới chọn Việt Nam để đầu tư, cần đội ngũ doanh nghiệp vệ tinh. Cơ hội để thu hút nguồn nhân lực có trình độ từ các nước ASEAN cũng tăng lên. Ông Vương còn tính tới cơ hội chuyển giao những tài sản của Công ty đã đầu tư nhưng chưa đủ lực để phát triển nhằm khai thác triệt để các giá trị tài sản đó, như máy móc, thiết bị, nhà máy, các khu đất và dự án tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh), Khu công nghiệp Gia Lễ (Thái Bình), Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng)…
“Bối cảnh năm 2015 đang rất đặc biệt. Tiền đầu tư của thế giới đang quay về Mỹ. Kinh tế Mỹ phục hồi, thì mọi thứ về cơ bản sẽ tăng lên, vì đây là thị trường vô cùng lớn và hiệu quả của thế giới. Điều quan trọng nhất là một chu kỳ mới đang bắt đầu. Doanh nghiệp không thể tồn tại nếu không có động thái gì, hay vẫn giữ cách nghĩ, cách làm cũ”, ông Vương chia sẻ.
Những con đường mới …
Sinh ra ở Thái Bình, trước khi lập nghiệp ở Hà Nội vào năm 2000, là một trong người sáng lập Thép Bắc Việt, ông Vương bôn ba khá nhiều từ Bắc chí Nam, ở các vị trí từ nhân viên kinh doanh đến giám đốc làm thuê… Điểm chung trong các lần dịch chuyển của ông Vương là vì “không tìm thấy sự đam mê” trong công việc. Và rồi, ông đến với ngành thép, đắm vào nó khi nhận ra cái duyên của nghiệp, rồi lên dốc xuống ghềnh.
Hiện giờ, ông Vương đang ấp ủ một kế hoạch trở thành thầu phụ cho chính các doanh nghiệp Việt Nam. Kinh nghiệm cả chục năm làm thầu phụ, chưa lần nào Bắc Việt kết nối được với doanh nghiệp cùng quốc tịch. Ông đã thử bàn với một số đối tác nhưng chưa thành.
“Các doanh nghiệp này đều đã có thương hiệu, có thế mạnh về sản phẩm, hệ thống phân phối rồi. Tôi có nhà máy, có thể sản xuất ra sản phẩm cho họ. Chúng tôi đều là bạn, hiểu nhau rất rõ, nhưng cuối cùng vẫn chưa kết hợp được”, ông Vương lo lắng.
Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều doanh nghiệp không muốn thay đổi cách đã đưa họ đến thành công hiện tại. Có cả nguyên nhân họ không muốn chia sẻ lợi nhuận... Nhưng hội nhập tới đây đang thay nhiều luật chơi, mà doanh nghiệp Việt sẽ chịu tác động tiêu cực nếu không thay đổi, không cộng sinh để tạo nên đối trọng đủ sức cạnh tranh khi sân nhà đã là 600 triệu dân ASEAN với tổng GDP 3.000 tỷ USD...
Ông đem lo ngại này đến nhiều diễn đàn, nhất là trong các hoạt động của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội mà ông đang là Phó chủ tịch.
“Tôi lo khi nhiều doanh nghiệp thấy gia công vẫn ổn, đâm đầu vào mà không tính sự tới hạn, không nhìn thấy xu hướng mới. Tôi đã từng suýt bỏ mình vì lơ là xu thế dịch chuyển của thế giới. Bây giờ thì ngấm rồi, nhưng tôi muốn chia sẻ để cùng các doanh nghiệp kịp nương theo những con sóng đang đổ tới”, ông Vương nói.
Ông đang kỳ vọng, các doanh nghiệp trẻ, những đồng nghiệp trẻ của ông sẽ dám cùng thử cách đi mới, mở con đường mới…