Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, sân bay Thành Sơn đưa vào khai thác lưỡng dụng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Ninh Thuận thời gian tới. |
Đó là nhận định của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư Ninh Thuận vừa qua do UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức.
Đối với sự phát triển giao thông của tỉnh Ninh Thuận, ông Kỳ đề xuất, ngoài việc phát triển giao thông đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hão đã hình thành và thông suốt, giúp kết nối với Phan Thiết, TP.HCM thì Chính phủ quan tâm phát triển cảng hàng không tại đây.
Theo đó, chuyển đổi sân bay Thành Sơn thành cảng lưỡng dụng, Ninh Thuận sẽ tạo được điều kiện tiếp cận một cách nhanh nhất cho khách du lịch và giao thông vận tải không chỉ trong khu vực, liên vùng và còn cả khu vực Đông Nam Á.
“Đây là yếu tố quyết định cho con đường phát triển của Ninh Thuận trong tương lai”, ông Kỳ đánh giá. Lý do là kết nối đường hàng không là nhanh nhất khi 85% trên thế giới hiện nay kết nối điểm đến bằng đường hàng không.
Về ngành đường sắt, đại diện Vietravel đề nghị 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa cùng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và công ty phối hợp tốt để triển khai đường tàu du lịch. 5 đơn vị cùng phối hợp cùng nhau phát động đoàn tàu du lịch từ TP.HCM đến Nha Trang và Ninh Thuận; phát động thị trường đi du lịch hè ngay trong mùa du lịch hè 2024.
“Nếu chúng ta thông được đường sắt thì đây là con đường tiếp cận nhanh nhất trong khi đường bộ đang có những yếu tố “tắc” trong dịp cao điểm hiện nay”, ông Kỳ gợi ý.
Ngoài ra đối tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch HĐQT Vietravel đề xuất tỉnh nên quy hoạch ga Tháp Chàm sang 1 khu vực mới bởi khu vực ga hiện hữu lối đi vào ga rất hẹp, không thể trở thành một trung tâm deport về đường sắt logistics kết nối như trong chiến lược phát triển đường sắt lên Lâm Đồng sau này.
Đối với phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận, đại diện Vietravel cho rằng tỉnh, bên cạnh quy hoạch tỉnh đã có, địa phương cần có chiến lược phát triển du lịch đến năm 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Bởi theo ông Kỳ, Ninh Thuận hiện nằm ở 3 địa bàn lớn có sự phát triển du lịch rất mạnh là tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hòa.
“Ninh Thuận nếu phát triển tốt, tận dụng tốt vị trí hạt nhân của mình thì Ninh Thuận sẽ trở thành hạt nhân phát triển của du lịch 3 vùng. Ninh Thuận có hình thế bán sơn địa kết hợp với sinh thái biển, sa mạc, chúng ta có những lợi thế rất lớn trong việc phát triển du lịch đa phương thức, đa dạng trong tương lai. Đặc biệt là du lịch về thể thao và sinh thái biển” ông Huy đánh giá.
Là tỉnh có tiềm năng về năng lượng tái tạo, Chủ tịch HĐQT Vietravel đã góp ý 2 từ với tỉnh Ninh Thuận là “sáng” và “sống”.
Về “sáng”, ban đêm thì sáng, tỉnh nên “chiếu sáng”. Đại diện Vietravel cho rằng, ban đêm tỉnh trông “tối quá”, khách đến du lịch rất là “tối”. Thứ hai là sáng lạn - phải có tương lai sáng lạn mới giữ dân được.
Về “sống”, Ninh Thuận phải sống được và sống động. Ban đêm, Ninh Thuận phải sống động. Về kinh tế ban đêm, Ninh Thuận đã hình thành phố đi bộ, nhưng tỉnh cần quy hoạch lại kinh tế ban đêm, trong đó tập trung vào văn hóa khác biệt, bản địa khác biệt của tỉnh Ninh Thuận.
“Đặc biệt ẩm thực Ninh Thuận rất tốt, Ninh Thuận cần sớm thành lập Hiệp hội Văn hóa ẩm thực. Tỉnh làm hạt nhân cho thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm”, ông Kỳ gợi mở. Như vậy, tỉnh Ninh Thuận sẽ giữ được người dân.
“Chúc Ninh Thuận qua bản công bố này sẽ trở thành một vùng đất sáng và sống, xứng đáng với niềm tin của Chính phủ, của nhân dân”, ông Kỳ bày tỏ tin tưởng.