Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định hiện tại Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới. |
Sáng 28/4, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.
Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đã hoàn tất việc lập và được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, là luận chứng khoa học về định hướng phát triển kinh tế - xã hội và phương án bố trí không gian lãnh thổ tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn 10 năm tới và tầm nhìn chiến lược đến năm 2050; từ đó định hình các đột phá chiến lược trong cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, biến thách thức thành cơ hội, tăng cường thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cho rằng, Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh của kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo dư địa cho tăng trưởng.
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản và 2 động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị.
Theo Quy hoạch, năng lượng và năng lượng tái tạo là 1 trong 5 ngành đột phá của tỉnh Ninh Thuận. |
Quy hoạch tập trung phát triển 3 hành lang gồm tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển và mở rộng phát triển theo trục Đông - Tây tạo kết nối vùng, liên vùng theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Cùng với đó, Ninh Thuận xác định Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới, là động lực quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về cảng biển, cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp, đô thị, du lịch; hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập khu kinh tế ven biển của cả nước.
Theo ông Nam, kế thừa thành quả kết quả phát triển của 30 năm tái lập tỉnh, hiện tại Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, Chính phủ đã có chủ trương triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy mạnh việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đó là đưa Cảng hàng không Thành Sơn vào danh mục Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030; đã hoàn thành và tổ chức khánh thành vào chiều ngày 28/4 đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh; Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 đang đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Tất cả mang lại ý nghĩa quan trọng đối với Ninh Thuận và lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư vào Ninh Thuận.
“Với những nội dung định hướng trên, tỉnh Ninh Thuận cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, khai thác tiềm năng phát triển của tỉnh trong thời gian tới”, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cam kết.