Ngân hàng - Bảo hiểm
CEO VPBank: Khó đòi nợ, ngân hàng không dám cho vay
Thùy Liên - 20/02/2024 17:11
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, ngoài sức hấp thụ của nền kinh tế kém, việc đòi nợ khó khăn trong khi pháp luật thiên về bảo vệ người đi vay hơn bên cho vay là nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm.

Kinh tế tư nhân kiệt quệ, tín dụng không dễ tăng

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng nay (20/2), ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, thúc đẩy tín dụng là mong muốn của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và bản thân chính các ngân hàng thương mại. Mong muốn là vậy, song triển khai không dễ, nguyên nhân là khu vực kinh tế tư nhân đang kiệt quệ.

“Tín dụng tăng khó do sức hấp thụ của nền kinh tế yếu. Mặc dù nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển, song chủ yếu nhờ vào các dự án lớn, đầu tư công và nhóm doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân năm qua cực kỳ kiệt quệ, chỉ 1-2% doanh nghiệp tư nhân là có đủ sức phát triển, điều này đã ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân”, CEO Nguyễn Đức Vinh nhận định.

Theo lãnh đạo VPBank, lãi suất cho vay không còn là rào cản tiếp cận tín dụng. Hiện lãi vay mua nhà của một số ngân hàng giảm chỉ còn 5,9%/năm. Ngân hàng dư thừa vốn, cung lớn hơn cầu trong khi sức cầu lại rất yếu. Tín dụng mua nhà chiếm hơn 50% dư nợ tín dụng của nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh từ năm 2023 đến nay. Cho vay tiêu dùng cũng lao dốc, tín dụng của 16 công ty tài chính tiêu dùng năm qua giảm hơn 20%.

Mặc dù nhu cầu vay vốn vẫn còn song khả năng vay và khả năng trả nợ giảm mạnh. Đây là các lý do khiến tín dụng không thể tăng trưởng.

“Muốn tăng tín dụng chỉ có thể thông qua cách giảm lãi suất và giảm điều kiện vay. Tuy nhiên, năm qua, phần lớn các ngân hàng đều siết chặt quản lý rủi ro để đối phó với nợ xấu đang gia tăng. Chúng ta cần nhìn vào tổng thể để có giải pháp đồng bộ”, Tổng giám đốc VPBank đề xuất.

Ngân hàng không dám cho vay vì chật vật thu hồi nợ

Tại Hội nghị sáng nay, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tỏ ra lo ngại về rủi ro nợ xấu năm nay, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực. Đồng thời, phần lớn các nội dung của Nghị quyết 42 không được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa được ban hành.

“Đây sẽ là điểm khó khăn của các tổ chức tín dụng thời gian tới. Việc thu hồi nợ hiện nay rất khó khăn, đặc biệt là nợ vay tiêu dùng. Rất nhiều cán bộ thu hồi nợ bỏ việc, hiệu quả thu hồi nợ của các ngân hàng, công ty tài chính đều sụt giảm mạnh. Các công ty thu hồi nợ tê liệt hết. Hậu quả là tín dụng đen tăng lên. Chính sách không đồng bộ sẽ giết ngành tài chính tiêu dùng”, ông Vinh lo ngại.

Theo CEO VPBank, do Nghị quyết 42 hết hiệu lực, thời gian tới, các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong tranh tụng khi xử lý tài sản đảm bảo. Khó khăn trong thu hồi nợ cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng thận trọng cho vay, đặc biệt là cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền.

Ông Vinh thẳng thắn cho rằng, ngân hàng chuộng cho vay bất động sản hơn là cho vay kinh doanh. Lý do là cho vay bất động sản, nếu đầy đủ giấy tờ pháp lý, kể cả khi khủng hoảng xảy ra, ngân hàng cũng không sợ mất vốn vì có tài sản thế chấp là bất động sản.

Ngược lại, cho vay sản xuất, kinh doanh, nếu doanh nghiệp phá sản, ngân hàng “ôm” tài sản là dây chuyền trang thiết bị thì cũng không biết để làm gì. Tương tự, cho vay theo dòng tiền nếu doanh nghiệp phá sản, khả năng ngân hàng mất vốn là rất lớn. Trong khi đó, hành lang pháp luật hiện tại đang thiên về bảo vệ người đi vay hơn là bảo vệ người cho vay.

Tin liên quan
Tin khác