Doanh nghiệp
CFC thua kiện vì... không mời cổ đông nhỏ
Hữu Tuấn - 17/12/2014 08:31
Mới đây, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án cổ đông kiện đòi hủy đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) và Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 của Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Giải pháp thanh lọc cổ đông, tránh thao túng ngân hàng
Vietinbank chuyển khoản nợ 5.000 tỷ đồng của Vinalines thành cổ phần
Vietnam Airlines sau IPO: “Ông lớn” sải cánh

Diễn biến vụ kiện

Nguyên đơn là ông Hoàng Trung Âu (ở số 5 nhà G4D, Khu tập thể Thành Công,  Ba Đình, TP.Hà Nội) người sở hữu 33.200 cổ phiếu của bị đơn là CFC; người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Tổng giám đốc CFC. Tại phiên tòa, bà Hà ủy quyền cho luật sư Hồ Anh Khoa, Văn phòng Luật sư Basico, đại diện tại phiên tòa.

Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên hủy Nghị quyết ĐHĐCĐ 2013 của CFC vì không mời một cổ đông nắm 0,0549% vốn

Theo Đơn khởi kiện ngày 19/9/2013 và phần trình bày tại phiên tòa, ông Âu cho biết, ông sở hữu 33.200 cổ phiếu (chiếm 0,0549%) của CFC, nhưng tại ĐHĐCĐ năm 2013 tổ chức ngày 21/4 Chủ tịch HĐQT là ông Lê Nam Khánh đã không mời ông Âu dự họp.

Ngày 25/6/2013, ông Âu có đơn gửi Chủ tịch HĐQT CFC yêu cầu  hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 số 186 ngày 21/4/2013.

Ngày 3/7/2013, bà Hà đã gửi văn bản không chấp nhận yêu cầu của ông Âu với lý do bên chuyển phát nhanh đã chuyển thư mời cho ông Âu. CFC đã gửi ông Âu bản photocopy hoá đơn chuyển phát nhanh ghi ngày 5/4/2013 có chữ ký, địa chỉ người nhận và có cơ sở cho rằng, ông Âu đã nhận được giấy mời họp.

Ngày 21/7/2013, ông Âu gửi đơn lần 2 đề nghị huỷ Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 và nêu rõ: hoá đơn chuyển phát nhanh ghi ngày 5/4/2013 là giả mạo, chữ ký nhận chuyển phát nhanh thư mời họp không phải của ông Âu và việc bà Hà ký gửi văn bản trả lời ông là không đúng thẩm quyền.

Ngày 5/8/2013, bà Hà tiếp tục gửi văn bản cho ông Âu khẳng định đã gửi giấy mời dự họp cho ông Âu và nhân viên chuyển phát nhanh của Công ty cổ phần Thương mại Hàng không Nội Bài ngày 5/4/2013 đã đến nhà ông Âu đã “gửi cho một chị đúng địa chỉ đó” (tức ở số 5 nhà G4D, Khu tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội – PV).

Ngày 16/8/2013, ông Âu tiếp tục gửi văn bản với yêu cầu như trên, nhưng ngày 22/8/2013, bà Hà gửi văn bản không chấp nhận yêu cầu của ông Âu với lý do theo ủy quyền của Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc có đầy đủ thẩm quyền trả lời ông Âu, đã thực hiện nghĩa vụ mời họp theo địa chỉ ông Âu việc chuyển thư đến là nghĩa vụ của đơn vị chuyển phát.

Theo ông Âu, sau nhiều lần gửi văn bản, ông đã làm đơn khởi kiện đề nghị hủy bỏ kết quả ĐHĐCĐ, Nghị quyết ĐHCĐ CFC vì đã vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 100; khoản 3, Điều 106, Luật Doanh nghiệp và Điều 38, Điều lệ Công ty về mời họp ĐHĐCĐ. Đến nay, ông Âu vẫn chưa nhận được Giấy mời họp, Biên bản Họp ĐHĐCĐ, Biên bản kiểm phiếu năm 2013 của CFC theo quy định.

Theo ông Âu, CFC không đưa ra được bản gốc hóa đơn chuyển phát nhanh vì đó là chứng cứ giả mạo, nội dung phiếu không kê khai chi tiết, không có khối lượng, không cước phí…

Tại phiên tòa, luật sư Hồ Anh Khoa cho rằng, CFC đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật và Điều lệ của CFC về trình tự, thủ tục triệu tập cổ đông dự họp ĐHĐCĐ năm 2013. Công ty đã gửi thông báo mời họp tới các cổ đông trước 15 ngày, kể từ ngày thông báo được gửi hoặc chuyển đi một cách hợp lệ, được trả cước phí hoặc bỏ vào hòm thư.

CFC đã làm thủ tục gửi chuyển phát bảo đảm thông báo mời họp cùng các tài liệu kèm theo cho ông Âu vào ngày 5/4/2013 (theo dấu Bưu cục Hà Nội trên hóa đơn chuyển phát nhanh) và ngày họp ĐHĐCĐ là ngày 21/4/2013.

Đồng thời, thông báo mời họp của CFC gửi tới các cổ đông đều đảm bảo các thông tin cần thiết và được gửi kèm cùng các tài liệu đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty.

Thông báo mời họp cùng các tài liệu này và một số tài liệu khác của phiên họp cũng được CFC công bố đầy đủ, công khai trên trang thông tin điện tử: www.cfc.com.vn.

Đại diện CFC cho biết, đã sử dụng dịch vụ chuyển phát bảo đảm của Công ty cổ phần Thương mại Hàng không Nội Bài để chuyển thông báo mời họp tới các cổ đông của CFC, trong đó có cả cổ đông Hoàng Trung Âu.

Cụ thể, ngày 5/4/2013, thông báo mời họp cùng các tài liệu kèm theo đã được CFC làm thủ tục chuyển tới địa chỉ của ông Âu. Hóa đơn gửi đi do Công ty cổ phần  Thương mại Hàng không Nội Bài phát hành mang số hiệu AC 219062; ghi nhận chính xác địa chỉ của cổ đông Âu.

Theo xác nhận của Công ty cổ phần Thương mại Hàng không Nội Bài tại Công văn trả lời ngày 2/8/2013, thì thư gửi kèm theo hóa đơn nói trên đã được nhân viên chuyển phát đúng địa chỉ ghi nhận trên hóa đơn. Đồng thời, nhân viên trực tiếp chuyển thư kèm hóa đơn cũng đã có xác nhận đã chuyển thư tới đúng địa chỉ trên hóa đơn.

Luật sư Khoa cho rằng, yêu cầu hủy Nghị quyết của ĐHĐCĐ do ông Âu đưa ra là không có cơ sở, không có căn cứ pháp lý, đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện.

CFC thua kiện và bài học ứng xử với cổ đông nhỏ

Hội đồng Xét xử cho biết, ngày 7/4/2014, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã có công văn yêu cầu Công ty cổ phần Thương mại Hàng không Nội Bài cung cấp bản chính hoá đơn AC 219062, nhưng đơn vị này không cung cấp được vì đã trả hoá đơn gốc cho CFC. Ngày 5/5/2014, Tòa án có văn bản yêu cầu CFC trình chứng cứ là bản chính hoá đơn  AC 219062. Ngày 26/5/2014, CFC có công văn trả lời CFC đã nộp sao y bản chính hoá đơn AC 219062 (do CFC tự làm), còn bản chính đã bị thất lạc trong quá trình sắp xếp lại tài liệu.

Hội đồng Xét xử cho rằng, hoá đơn AC 219062 bản chính hoặc sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền xác nhận là chứng cứ trước tòa chứng minh việc ông Âu có nhận được Giấy mời dự ĐHĐCĐ hay không. Nhưng CFC không cung cấp được bản chính hoặc sao y bản chính của cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Hội đồng Xét xử đã chấp nhận đề nghị hủy bỏ kết quả ĐHĐCĐ, Nghị quyết ĐHĐCĐ CFC của ông Âu và tuyên hủy Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2013 của CFC số 186 ngày 21/4/2013.

CFC thành lập năm 2008 với 61,5% vốn điều lệ từ Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).  Chính vì vậy, tại những doanh nghiệp lớn như CFC, cổ đông nhỏ như ông Âu thường không có vai trò quyết định những vấn đề quan trọng của Công ty. Vì thế, việc cổ đông nhỏ bị “lãng quên” vẫn thường xảy ra.

Tuy nhiên, việc ông Âu thắng kiện sơ thẩm tại vụ án này đã nói lên một điều: những cổ đông nhỏ tại các doanh nghiệp cũng có thể bảo vệ quyền lợi của mình và được pháp luật bảo vệ, nếu quyền lợi đó là chính đáng.

Tin liên quan
Tin khác