Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Ôm dự án để… bán
Nova Land thông báo, tháng 6/2018, Công ty sẽ xây dựng khu nhà tái định cư tại tại quận 2, để phục vụ việc di dời người dân tại chung cư cũ trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5, TP.HCM). Đây công ty hiếm hoi tiến hành cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM hiện nay.
Trong khi đó, báo cáo của UBND TP.HCM cho biết, hiện nay, đa phần dự án chung cư cũ đã có doanh nghiệp xin được thực hiện cải tạo, xây dựng mới và được UBND TP.HCM chấp thuận, song các doanh nghiệp này lại chậm phát triển dự án.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc một công ty bất động sản lớn tại TP.HCM cho biết, năm 2016, theo kêu gọi từ phía UBND TP.HCM về việc doanh nghiệp tư nhân cùng Thành phố tham gia cải tạo chung cư cũ, ông đã quan tâm vấn đề này. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, những chung cư cũ vị trí đẹp, có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp thì đã có doanh nghiệp trúng thầu, chỉ còn những chung cư ở vị trí xa, nên mới có cảnh doanh nghiệp “hững hờ” với các những dự án này.
“Hiện có nhiều dự án cải tạo chung cư cũ được các doanh nghiệp trúng thầu chào bán lại. Đây được cho là việc doanh nghiệp xí phần để bán”, ông Tuấn Anh nói.
Được biết, các doanh nghiệp trúng thầu xây dựng chung cư cũ được TP.HCM công bố từ lâu, như Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Gia Khang và Công ty TNHH Gia Khang Hà Nội, Tổng công ty cổ phần Vinaconex đăng ký tham gia đầu tư, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận 1; Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư NaKyCo đăng ký đầu tư xây dựng mới thay thế chung cư cũ tại 19/9 Tân Kỳ - Tân Quý, quận Tân Phú; chung cư Tân Phước, quận 11 do Công ty cổ phần Bất động sản Tân Phước làm chủ đầu tư; Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố (HFIC) đăng ký tham gia đầu tư, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận 1, Cụm chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) và cụm chung cư cũ trên địa bàn quận 4… Đến nay, hầu hết dự án cải tạo chung cư này cho vẫn im lìm, người dân phải sống trong cảnh đổ nát, nguy hiểm.
Lý do chậm triển khai, theo giải thích của các doanh nghiệp, là chưa thương lượng được với người dân về giải phóng mặt bằng, chưa có chỗ tái định cư để di dời cư dân…
Ông Huỳnh Văn Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) cho biết, về nguyên tắc, khi doanh nghiệp đã nhận được quyết định cho phép xây dựng, cải tạo chung cư cũ thì phải thực hiện theo tiến độ mà Thành phố đề ra. Nhưng với tình hình án binh bất động hiện nay, lãnh đạo Thành phố đang yêu cầu rà soát lại năng lực của các chủ đầu tư để xem có thể thực hiện dự án hay không, nếu không sẽ thu hồi dự án để giao doanh nghiệp khác.
Kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản tham gia
Ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thời điểm này, không thể đợi doanh nghiệp trong nước tham gia xây dựng lại chung cư cũ, nên Sở và UBND TP.HCM đang kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản.
Ông Kiên cho biết, tại Hội thảo mời gọi doanh nghiệp Nhật Bản tham gia các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản tại TP.HCM vừa được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản phát triển đô thị sinh thái hải ngoại (J-CODE) tổ chức, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã ngỏ ý muốn tham gia.
Ông Keiji Kimura, Chủ tịch J-CODE cho biết, hiện J-CODE có 57 thành viên, đều có nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, rất mong muốn hợp tác cùng TP.HCM trong việc tham gia cùng cơ quan quản lý Thành phố để đầu tư, xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại và thân thiện với môi trường.