Chuyển đổi số tại các cơ sở y tế còn khó khăn do thiếu nguồn lực. |
Khó tích hợp và liên kết dữ liệu y tế
Đánh giá về về hệ thống dữ liệu trong ngành y tế, Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021 đã nhận định, nguồn dữ liệu lớn xuất phát từ các bệnh viện, phòng khám rất đa dạng, bao gồm dữ liệu cá nhân, các thông số bệnh tật, ghi chú lâm sàng, hình ảnh chẩn đoán, dữ liệu dịch tễ học...
Tuy nhiên, hệ thống thông tin ở Việt Nam vẫn còn phân tán, tách rời và chưa tích hợp. Các hệ thống này không tuân theo bất kỳ tiêu chuẩn kết nối nào, gây khó khăn cho việc tích hợp và liên kết dữ liệu y tế. Hơn nữa, việc thiếu tài liệu cụ thể về kỹ thuật liên quan đến các tiêu chuẩn mã hóa dữ liệu và trao đổi dữ liệu đã gây khó khăn cho các phương pháp kết nối giữa những hệ thống thông tin y tế.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có hơn 1.400 cơ sở y tế công lập và hơn 300 cơ sở ngoài công lập, là dư địa rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư, hợp tác trong việc triển khai những giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Một khảo sát mới đây do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thực hiện tại 732 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc cho thấy, có 71% cơ sở đã thực hiện thanh toán viện phí điện tử, số còn lại thanh toán bằng tiền mặt; chưa đến 50% bệnh viện thực hiện đặt lịch khám trực tuyến (con số này với bệnh viện tuyến trung ương là 70%); bệnh nhân đặt lịch qua điện thoại là phổ biến nhất (gần 39%), qua website của bệnh viện hơn 28%, qua tổng đài có 21,52% và qua app hơn 11%.
Về bệnh án điện tử, còn hơn 32% cơ sở được khảo sát vẫn chưa triển khai. Trong số các cơ sở đã thực hiện, mới có 3% đơn vị có phần mềm quản lý được ghi chép của hồ sơ bệnh án đã được thẩm định và bỏ bệnh án giấy.
Nguyên nhân khiến chuyển đổi số tại nhiều cơ sở y tế ì ạch là do thiếu kinh phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là hệ thống máy chủ của trung tâm dữ liệu.
Hiện, chi phí đầu tư công nghệ thông tin chưa được tính vào viện phí, dẫn đến để đầu tư mới và tái đầu tư, hầu hết cơ sở y tế phải sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp. Thời gian thực hiện các dự án đầu tư công nghệ thông tin kéo dài do thủ tục phức tạp.
Nhân lực chuyên trách còn khan hiếm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao do thu nhập không đảm bảo, không có chế độ đãi ngộ hợp lý. Hầu hết dự án ứng dụng công nghệ thông tin tại bệnh viện là do các công ty phần mềm thực hiện, nhưng không phải tất cả chuyên gia công ty đều am hiểu những quy trình hoạt động chuyên môn đặc thù ngành y tế. Vấn đề an ninh mạng cũng gặp nhiều thách thức, nằm ngoài khả năng của các bệnh viện do chưa có chuyên viên công nghệ thông tin chuyên sâu về lĩnh vực y tế.
Ngoài ra, sự hưởng ứng của người dân hiện chưa cao, tỷ lệ người dân quan tâm và sử dụng các tiện ích chuyển đổi số của ngành y tế vẫn còn thấp. Thực tế này làm kéo dài thời gian duy trì đồng bộ cả hệ thống số và hệ thống giấy tại các cơ sở y tế.
Nhân lực là ưu tiên số một
Nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số tại các cơ sở y tế trên địa bàn, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM mong muốn hoàn thiện và đồng bộ cơ sở pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số y tế trên phương diện quốc gia, đặc biệt là quy định pháp lý cho việc lưu trữ hồ sơ, bệnh án trên môi trường điện tử, thừa nhận các loại giấy phép được cấp trên môi trường mạng.
Ngoài ra, Sở Y tế đề nghị Thành phố hỗ trợ ngân sách đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở y tế nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý và mục tiêu chuyển đổi số của ngành. Đồng thời, Nhà nước nên có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích nhân sự công nghệ thông tin làm việc trong cơ sở y tế, đưa chi phí đầu tư công nghệ thông tin vào cấu thành giá bảo hiểm y tế.
Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin khẳng định, chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân, nếu triển khai không đảm bảo chất lượng, sẽ tạo ra những hiệu ứng, kết quả ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe.
Với mục tiêu ngành y tế đặt ra là đến năm 2025, các bệnh viện có thể chuyển sang bệnh án điện tử mà không cần bệnh án giấy, thì đến nay, về mặt kỹ thuật nghiệp vụ, cơ bản các bệnh viện đã có thể sẵn sàng. Tuy nhiên, còn liên quan đến nguồn lực đầu tư.
Theo đó, hầu hết bệnh viện đều được quản lý ở các địa phương, khi đẩy mạnh công nghệ thông tin, sử dụng bệnh án điện tử, nếu địa phương quan tâm tạo điều kiện bố trí kinh phí cho bệnh viện, thì tới năm 2025 có thể triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn cho bệnh án giấy.