Viễn thông - Công nghệ
Chuyển đổi số tạo nguồn hàng dồi dào cho M&A
Hữu Tuấn - 23/11/2022 16:17
Làn sóng chuyển đổi số đang tạo ra nguồn hàng lớn cho thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) trong thời gian tới.
Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng là điểm nóng thu hút các khoản đầu tư công nghệ

Động lực trong thị trường downtrend

Năm 2021, tổng giá trị M&A tại Việt Nam ước đạt 10,2 tỷ USD. Lĩnh vực công nghệ thông tin đã dẫn dắt thị trường với 42 thương vụ, quy mô đạt hơn 1 tỷ USD.

Từ đầu năm 2022, mặc dù cả thế giới chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thắt chặt tiền tệ và ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine, nhưng lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam đã ghi nhận hàng loạt thương vụ đáng chú ý. Điển hình là Sky Mavis nhận tiếp vốn 150 triệu USD từ nhóm các nhà đầu tư do Binance dẫn đầu; Masan hoàn tất thỏa thuận đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần của Trusting Social; Tiki bán 10% cổ phần cho Shinhan (Hàn Quốc), thương vụ ước tính khoảng 40 triệu USD...

Ông Trần Vinh Dự, Giám đốc chiến lược và giao dịch tài chính của EY Đông Dương cho biết, các lĩnh vực công nghệ thu hút được lượng vốn đầu tư lớn tại Việt Nam gồm fintech (công nghệ tài chính), edtech (công nghệ giáo dục), logistics và tự động hóa kinh doanh. Đặc biệt, hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ số đang phát triển nhanh chóng, nhất là ở các doanh nghiệp sở hữu hoặc đầu tư công nghệ cao, có cơ sở dữ liệu khách hàng lớn.

Theo đánh giá của Google, Temasek và Bain & Company, các quỹ đầu tư công nghệ duy trì đà tăng trưởng, bất chấp sự thận trọng của các nhà đầu tư. Với mức tăng trưởng 15% về giá trị thương vụ từ nửa đầu năm 2021 đến nửa đầu năm 2022, nguồn vốn công nghệ vẫn được duy trì mạnh mẽ và Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng tiếp tục là điểm nóng thu hút các khoản đầu tư công nghệ.  Điều này không chỉ tạo động lực cho giới start-up, doanh nghiệp công nghệ, mà còn cho thấy niềm tin vào thị trường Việt Nam.

Chờ đợi sự trở lại của dòng vốn

Tuy ghi nhận nhiều thương vụ đáng chú ý trong năm 2022, nhưng xu hướng suy giảm của toàn thị trường đã ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực công nghệ. Cơn bão suy thoái, suy giảm kinh tế đã khiến hàng loạt công ty công nghệ lớn bị giảm sút cổ phiếu, giảm quy mô hoạt động. Từ đầu năm 2022, “mùa đông gọi vốn” lĩnh vực công nghệ đã phả làn gió lạnh đến thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, CEO Loship nhận xét, thời kỳ dòng tiền dễ dãi từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá đã qua. Các quỹ đầu tư hiện đang tìm kiếm mô hình kinh doanh hoặc start-up có thể phát triển có lợi nhuận và bền vững.

Năm 2023, nhìn chung thị trường sẽ tiếp tục khó khăn, nhưng “trong nguy có cơ”, các doanh nghiệp, dự án công nghệ, start-up có giải pháp tốt, giàu tiềm năng vẫn có nhiều cơ hội gọi vốn. Các công ty, tập đoàn công nghệ lớn, quỹ đầu tư sẵn tiền mặt cũng nhiều cơ hội lựa chọn những dự án công nghệ để rót vốn hoặc hoàn thiện hệ sinh thái của mình.

TS. Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn KPMG Việt Nam nhận định, một trong những yếu tố kích hoạt M&A năm 2023 là làn sóng chuyển đổi số. Làn sóng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đang quan tâm đến start-up cung cấp các giải pháp sáng tạo.

Ở góc độ các quỹ đầu tư, Ascend Vietnam Ventures - quỹ đầu tư hiện có kế hoạch rót vốn vào 25 start-up Việt từ giữa năm 2022 đến cuối năm 2023 cho biết, chuyển đổi số diện rộng ở Việt Nam đang tạo ra một thế hệ start-up chất lượng.

Việt Nam là môi trường lý tưởng cho các start-up phát triển với tham vọng vươn đến thị trường quốc tế.

Còn nhà nghiên cứu, tư vấn kỳ cựu trên thị trường là ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản) cho biết, gần đây, các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực công nghệ. Nhu cầu gia tăng nhanh chóng trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh “không tiếp xúc” càng làm tăng sự quan tâm đối với lĩnh vực này. Triển vọng kinh tế tươi sáng của Việt Nam, số lượng người dùng Internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng cũng tạo ra sự gia tăng nhu cầu đối với các dịch vụ liên quan như dịch vụ giao hàng tận nhà và kho bãi.

“Không thể phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ trong thị trường M&A ngày nay. Khi nhu cầu chuyển đổi số ngày càng tăng, chúng tôi dự báo, sẽ có nhiều cơ hội M&A hơn trong lĩnh vực phần mềm, dịch vụ đám mây, bảo mật công nghệ thông tin và các công nghệ hỗ trợ cơ sở hạ tầng khác”, ông Masataka “Sam” Yoshida nhận xét.

Tuy nhiên, để M&A lĩnh vực công nghệ trở thành kênh hút vốn hiệu quả, điều thị trường cần lúc này không chỉ là nguồn vốn.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để cạnh tranh với các nước trong khu vực, Việt Nam cần tiếp cận theo hướng rộng hơn, đó là tạo ra môi trường cho các quỹ đầu tư.

“Hiện nhiều doanh nghiệp băn khoăn về các rủi ro pháp lý khi hoạt động tại Việt Nam. Do đó, cần một khung thể chế, môi trường thể chế cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Tin liên quan
Tin khác