Tài chính - Chứng khoán
Chấm dứt phiền toái khi mã số thuế là số căn cước công dân
Mạnh Bôn - 14/04/2024 14:51
Không ít cá nhân quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023 với cơ quan thuế (hạn cuối cùng là ngày 2/5/2024) gặp phải những vấn đề rắc rối. Theo ông Mai Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, mọi phiền toái sẽ chấm dứt khi sử dụng số căn cước công dân làm mã số thuế (MST).
Ông Mai Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.



Thưa ông, nhiều người phản ánh là bị mất thời gian và phiền phức khi trực tiếp đi quyết toán thuế thu nhập cá nhân?

Chúng tôi đã nghe phản ánh vấn đề này.

Qua tìm hiểu, thì phiền phức nảy sinh khi cá nhân có nhiều MST. Đây là tồn tại do lịch sử để lại. Cụ thể, khi mở MST, cá nhân bắt buộc phải có giấy tờ tùy thân là căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu. Do không ít cá nhân có nhiều giấy tờ như chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số, căn cước công dân, hộ chiếu; chưa kể, nhiều người chuyển hộ khẩu thường trú, làm chứng minh nhân dân, căn cước công dân mới, nhưng vẫn sử dụng cả giấy tờ tùy thân cũ, nên có nhiều MST khác nhau. 

Khi cá nhân đi quyết toán, cơ quan thuế rà soát lại trên hệ thống các khoản thu nhập ở tất cả mọi nơi với các MST khác nhau để xác định xem có thuộc diện phải nộp thêm (sau khi đã tạm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân) hay được hoàn lại, vì thế mất thời gian.

Tôi cho rằng, việc một người có nhiều MST là do lịch sử để lại, do cá nhân không hiểu sự phiền phức khi có nhiều MST, chứ việc cá nhân đăng ký nhiều MST không nhằm mục đích trốn thuế, gian lận thuế hay chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước. Sự phiền toái này sẽ chấm dứt khi cơ quan thuế hoàn thành việc chuyển đổi MST bằng số căn cước công dân theo Đề án 06 (Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022).

Ngành thuế có động thái gì để giảm bớt sự phiền toái này trước khi sử dụng số căn cước công dân làm MST?

Sự phiền toái do cá nhân có nhiều MST không chỉ xảy ra với trường hợp quyết toán thuế thu nhập cá nhân, mà còn xảy ra với các trường hợp cá nhân đi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước như nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, nhà đất, thuế đất phi nông nghiệp...

Để giảm phiền phức trong thực hiện hành chính thuế, cơ quan thuế đã hướng dẫn người nộp thuế thay đổi thông tin giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 12/2023, Hệ thống Quản lý thuế tập trung (TMS) không cho phép thay đổi khi số chứng minh/căn cước trùng với số giấy tờ tùy thân khác của cá nhân đã tồn tại trên hệ thống. Do vậy, để người nộp thuế có thể thực hiện thủ tục kê khai, nộp thuế, lệ phí, chúng tôi đã hướng dẫn người nộp thuế đóng các MST khác và chỉ sử dụng một MST duy nhất, lấy căn cước công dân để kê khai khi mở MST.

Trường hợp cá nhân vẫn còn nhiều MST, để tạo thuận lợi cho họ thực hiện thủ tục thuế, từ tháng 1/2024, Tổng cục Thuế đã bỏ chặn điều kiện kiểm tra trùng số chứng minh/căn cước trên Hệ thống TMS. Chúng tôi khuyến cáo cá nhân nên thực hiện đóng/hủy MST theo quy định.

Nhiều người cũng đã thấy phiền phức khi có nhiều hơn một MST, nên đã đi đóng bớt. Song theo phản ánh thì việc đóng, hủy MST cũng phiền phức, thưa ông?

Việc đóng, hủy MST thực ra rất đơn giản.

Cụ thể, đối với cá nhân ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập thay đổi thông tin đăng ký thuế, cơ quan chi trả thu nhập nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế cho cá nhân theo ủy quyền qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Trường hợp này thì không có vấn đề gì, vì nhân viên kế toán của cơ quan chi trả thu nhập rất thành thạo.

Trường hợp cá nhân tự thay đổi thông tin đăng ký thuế thì thực hiện theo một trong các hình thức điện tử như qua Cổng dịch vụ công quốc gia, hoặc qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, qua ứng dụng Etax Mobile.

Trên thực tế, giao dịch chính phủ điện tử, hành chính công điện tử mới đưa vào thực hiện. Hầu hết người dân không thường xuyên sử dụng nên mỗi khi vào khai báo, đăng nhập trên môi trường điện tử, họ cảm thấy phiền phức vì chưa quen với hình thức giao dịch này.

Trường hợp người dân không quen thao tác trên hệ thống điện tử, thì có thể gửi hồ sơ đến cơ quan thuế qua đường bưu điện, hoặc trực tiếp đến cơ quan thuế để thực hiện. Tại cơ quan thuế luôn có bộ phận hỗ trợ người nộp thuế.

Một vấn đề nữa được phản ánh, đó là nhiều người đi quyết toán thuế thu nhập cá nhân mới “tá hỏa” khi tự nhiên có nhiều khoản thu nhập “trên giời”. Ông giải thích thế nào về vấn đề này?

Hầu hết những người thường xuyên sử dụng điện thoại di động hàng ngày đều bị quấy rầy bởi các cuộc gọi quảng cáo mời chào các loại dịch vụ “thượng vàng hạ cám”. Có tình trạng này là do chủ thuê bao vô tình bị lộ số điện thoại cá nhân. Trường hợp cá nhân khi quyết toán thuế tự nhiên thấy mình có thu nhập vãng lai ở đâu đó mà họ chưa từng nhận là do vô tình để lộ MST, đã bị một số đối tượng chi trả thu nhập lợi dụng bằng cách kê khống số tiền chi trả thu nhập cho cá nhân, nhằm làm giảm nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.

Khi cá nhân quyết toán thuế, cơ quan thuế sẽ thực hiện rà soát tất cả các khoản thu nhập qua hệ thống công nghệ thông tin và phát hiện ra ngay việc chi trả tiền cho cá nhân của cơ quan chi trả thu nhập nào đó là ảo, là hành vi gian lận thuế, trốn thuế. Cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra ngay và xử lý nghiêm, còn cá nhân thực tế không có thu nhập vãng lai sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Khi đồng nhất MST vào số căn cước công dân thì tình trạng này chắc chắn sẽ chấm dứt, vì cá nhân quản lý được tất cả giao dịch liên quan đến nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước qua ứng dụng định danh điện tử trên smartphone.

Tin liên quan
Tin khác