Doanh nghiệp
Chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Thùy Liên - 30/12/2014 08:33
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cho biết, năm 2015, Bộ quyết tâm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thanh Hóa: 3.000ha đất làm vùng nguyên liệu nuôi bò sữa
Doanh nhân Thái Hương: Người tạo “đế chế” sữa tươi
Khép lại tranh luận về độ an toàn của thực phẩm biến đổi gen?
Bầu Đức chi 6.300 tỷ đồng... chăn bò!
Chăn nuôi luẩn quẩn giữa cung và giá

An toàn thực phẩm là một trong những nỗi lo lớn nhất của người dân, nhất là trong dịp lễ, tết. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay?

Vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là trăn trở lớn nhất của chúng tôi trong năm 2015. Hiện nay, chúng ta đã đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng lương thực, thực phẩm cho nhân dân, song chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều nỗi lo. Nhiều năm qua, chúng tôi đã phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp, song đến nay, dù tình hình không xấu đi, nhưng chưa có nhiều cải thiện so với yêu cầu của người dân.

Cho nên, năm 2015, ngành quyết tâm có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực này, đáp ứng mong đợi của nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát

Tại Hội nghị tổng kết ngành NN&PTNT tuần qua, chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ, lấy năm 2015 là Năm An toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vậy cụ thể, ngành nông nghiệp sẽ có giải pháp gì để tạo sự chuyển biến, đột phá trong lĩnh vực này, thưa Bộ trưởng?

Hai vấn đề làm người dân lo lắng, quan tâm nhất đến an toàn thực phẩm là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong rau, trái cây và tồn dư chất cấm, dư lượng kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

Theo kết quả xét nghiệm, dư lượng thuốc BVTV trong rau còn 5 - 6%, có những loại cao hơn. Vì vậy, trong năm 2015, ngành sẽ có những hành động quyết liệt để giảm dư lượng thuốc BVTV ở mức cho phép, đặc biệt là trong rau, trái cây, chè…

Cụ thể, chúng tôi sẽ triển khai trở lại Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Mặt khác, để công tác kiểm soát được tốt hơn, Bộ cũng đang nghiên cứu thay đổi nhiệm vụ của Cục Bảo vệ thực vật và Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản theo đề xuất của EU.

Về sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi và thủy sản, chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan chăn nuôi và thú y tại các địa phương thực hiện các biện pháp quyết liệt nhất, với mục tiêu là phải đưa chất cấm về mức 0%.

Về dư lượng kháng sinh, hiện vẫn còn phát hiện một số trường hợp có dư lượng trong thịt, cá. Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo và quyết liệt hơn trong kiểm soát cả việc đưa chất cấm vào sản xuất thức ăn chăn nuôi lẫn việc sử dụng thuốc trộn vào thức ăn chăn nuôi.

Tại nhiều tỉnh phía Nam, tình trạng các trang trại sử dụng kháng sinh hoặc chất cấm còn diễn ra nhiều. Một số nơi, thương lái còn mang chất cấm đến cho người dân sử dụng để sản phẩm đẹp hơn trước khi giết mổ. Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp có đủ lực lượng để kiểm tra, kiểm soát từng trang trại không?

Việc đưa chất cấm vào sản phẩm chăn nuôi thường bằng hai con đuờng: DN sản xuất thức ăn chăn nuôi có chất cấm và người dân tự trộn chất cấm vào thức ăn để con vật lớn nhanh, đẹp mã. Tình trạng DN đưa chất cấm vào khi sản xuất thức ăn đã giảm nhiều vì số lượng DN không lớn và Bộ đã tăng cường kiểm soát. Khó kiểm soát nhất hiện nay là các hộ dân mua thuốc về tự trộn. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công thương, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân để giám sát việc sử dụng vật tư nông nghiệp.

Tôi tin rằng, với sự vào cuộc của tất cả lực lượng, đặc biệt là của chính quyền địa phương, chúng ta sẽ phát hiện tận gốc việc vi phạm. Ngoài ra, công tác giám sát, phát hiện thực phẩm không an toàn tại các lò mổ cũng sẽ được nâng lên một bước. Nếu sau khi xét nghiệm thấy sản phẩm vi phạm, cơ quan chức năng sẽ truy ngược nguồn gốc xuất xứ để xử lý.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tham mưu với Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích phát triển giết mổ hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tin liên quan
Tin khác