Y tế - Sức khỏe
Chấm dứt tình trạng người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài
D.Ngân - 31/03/2023 12:03
Trong công văn mới nhất của Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện có khó khăn, vướng mắc phải công khai, minh bạch với người bệnh và không để còn tình trạng người bệnh, người nhà người bệnh phải đi mua thuốc, vật tư y tế ngoài bệnh viện.

Ngày 30/3, Bộ Y tế có văn bản số 1758/BYT-KCB về việc thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Trong công văn mới nhất của Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện có khó khăn, vướng mắc phải công khai, minh bạch với người bệnh và không để còn tình trạng người bệnh, người nhà người bệnh phải đi mua thuốc, vật tư y tế ngoài bệnh viện.

Công văn này gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành; các bệnh viện thuộc trường đại học.

Theo đó, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp khó khăn trong việc cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người bệnh.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định số 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98 ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế.

Theo Bộ Y tế, các văn bản này đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế.

Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nêu trên khẩn trương tổ chức triển khai Nghị quyết 30 và Nghị định số 07 để sớm khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Các đơn vị tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 2 văn bản trên, báo cáo về Bộ Y tế để kịp thời giải quyết.

Bộ Y tế lưu ý, các đơn vị có khó khăn, vướng mắc phải công khai, minh bạch với người bệnh và không để còn tình trạng người bệnh, người nhà người bệnh phải đi mua thuốc, vật tư y tế ngoài bệnh viện. 

Đồng thời rà soát, sử dụng các thuốc, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế... sẵn có tại bệnh viện và tại các khoa, phòng, trung tâm thuộc bệnh viện để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, người bệnh có thẻ BHYT. 

Các đơn vị tăng cường triển khai thực hiện tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện và đẩy mạnh khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế.

Sở Y tế, Thủ trưởng các đơn vị đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết 30 và Nghị định 07, báo cáo kết quả về Bộ Y tế.

Cũng liên quan tới việc đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 06/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2019/TT-BYT về việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Theo đó, gói đấu thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị có thể có một hoặc nhiều thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu, mỗi thuốc là một phần của gói thầu.

Các thuốc tại gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị đáp ứng các tiêu chí sau: Thuộc danh mục thuốc biệt dược gốc, thuốc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc và sinh phẩm tham chiếu do Bộ Y tế công bố, trừ thuốc biệt dược gốc thuộc danh mục thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và đã được công bố kết quả đàm phán giá.

Được sản xuất toàn bộ tại các nước thuộc danh sách SRA (Stringent Regulatory Agency, dịch là Cơ quan quản lý dược nghiêm ngặt ) hoặc EMA (European Medicines Agency- Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu);

Hoặc được sản xuất một, một số công đoạn tại Việt Nam và các công đoạn còn lại được sản xuất tại các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA; 

Hoặc được sản xuất toàn bộ công đoạn tại Việt Nam; hoặc được cơ quan quản lý dược các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA cấp phép lưu hành.

Trước đó, theo quy định tại Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập có yêu cầu khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị phải tham khảo giá thuốc và dược liệu trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế do Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) công bố trên trang thông tin điện tử để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu, cụ thể:

Tham khảo giá thuốc và dược liệu trúng thầu trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược, của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc theo nguyên tắc: Giá kế hoạch của từng thuốc, dược liệu không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất của thuốc, dược liệu đó trong mỗi nhóm tiêu chí kỹ thuật đã được công bố;

Đối với những thuốc, dược liệu chưa có giá trúng thầu được công bố hoặc giá tại thời điểm lập kế hoạch cao hơn giá trúng thầu được Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) công bố trong vòng 12 tháng trước đó, cơ sở y tế phải tham khảo báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của ít nhất 3 đơn vị cung cấp trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

Đồng thời bảo đảm giá kế hoạch do cơ sở đề xuất không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đã tham khảo (trừ dược liệu và vị thuốc cổ truyền). 

Những thuốc, dược liệu có ít đơn vị cung cấp, không đủ 3 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng, Thủ trưởng cơ sở y tế căn cứ vào báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của nhà cung cấp, giải trình và chịu trách nhiệm về giá kế hoạch do cơ sở đề xuất là phù hợp với giá thuốc, dược liệu đó trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Thông tư 06/2023/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 12/3/2023 đã xoá bỏ quy định bất hợp lý nêu trên. Tới đây giá kế hoạch (và do đó, giá dự thầu) cho một loại thuốc mời thầu không còn bị chặn trên bởi mức giá cao nhất từng trúng thầu và công bố trước đó.

Bên cạnh đó, khi Thông tư 06 có hiệu lực, thì bên tổ chức thầu mua thuốc hoá dược, sinh phẩm, vắc xin, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền chỉ phả tham khảo 3 báo giá hoặc hoá đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. 

Trường hợp thuốc không đủ 3 báo giá hoặc hoá đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau, Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào ít nhất 1 báo giá hoặc hoá đơn bán hàng của nhà cung cấp tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giải trình, chịu trách nhiệm về giá kế hoạch đề xuất và bảo đảm không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đã tham khảo.

Như vậy bên mời thầu chỉ cần tham khảo 1 hoặc tối đa là 3 báo giá của nhà cung cấp khác chứ không bắt buộc phải theo giá trúng thầu cao nhất từng công bố trước đó.

Thông tư 06/2023/TT-BYT sẽ có hiệu lực thi hành từ 27/4/2023 được kỳ vọng sẽ là giải pháp tiếp theo để giải cơn khát thiếu thuốc trầm trọng tại các cơ sở y tế thời gian qua.

Trước đó, ngày 3/3, Chính phủ ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP thay thế Nghị định 98/2021/NĐ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhập khẩu trang thiết bị y tế. Ngày 4/3 vừa qua, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP tháo gỡ việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hướng dẫn sử dụng và chi trả bảo hiểm y tế cho máy mượn, máy đặt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, Nghị quyết số 30/NQ-CP có hiệu lực ngay khi ban hành nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, kịp thời mở ra cơ chế đáp ứng nguồn cung cầu về thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất…, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế hiện nay.

Nghị quyết số 30/NQ-CP cũng là căn cứ để các bộ, ngành, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất và các nhà quản lý các cấp, lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ các bên, góp phần đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế nhằm phục vụ tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ngay sau khi hai văn bản được ban hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ra công điện yêu cầu Bộ Y tế sớm thể chế hóa Nghị quyết số 30 về đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế.

Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tập trung chỉ đạo khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa Nghị quyết số 30.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Việc này cần hoàn thành trước ngày 10/4.

Chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ban hành các văn bản cần thiết khác thuộc thẩm quyền. Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ ban hành các văn bản. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc Bộ Y tế triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

Tin liên quan
Tin khác