Vẫn luẩn quẩn
So với những tháng trước, gần đây, tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong nước đã được giải quyết phần nào. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu một số thuốc, nhất là những thuốc đặc trị, hiếm tại nhiều cơ sở y tế.
Liệu cơn bão thiếu thuốc, vật tư y tế có tiếp tục càn quyết các cơ sở y tế trong năm 2023. Đây là câu hỏi lớn đặt ra cho ngành Y tế. |
PGS.TS. Nguyễn Khoa Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Huế cho hay, tình trạng thiếu một số loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị, vật tư y tế đã ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cũng như sự hài lòng của người bệnh.
Theo PGS.TS. Nguyễn Khoa Hùng, ngay từ năm 2021, Bệnh viện đã lập kế hoạch, dự toán cho công tác đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2022.
Tuy nhiên, quy trình mua sắm mất rất nhiều thời gian, sau gần 1 năm mới chỉ mua được 60% khối lượng các gói thầu, phần chưa mua được, bệnh viện đã gửi cấp trên phê duyệt tiếp để mua bổ sung.
Chia sẻ với báo chí bên lề Hội thảo Hướng dẫn triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho hay Bộ Y tế vừa có báo cáo tổng hợp gửi Chính phủ về kết quả kiểm tra, đánh giá thực trạng và tác động của vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư và chuyển dịch nhân lực ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh.
Theo ông Khuê, báo cáo tổng hợp của 4 đoàn kiểm tra từ tháng 8 đến nay cho thấy nhiều thách thức lớn trong hệ thống khám chữa bệnh.
PGS. Khuê nhìn nhận có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, cả khách quan lẫn chủ quan. Trong các nguyên nhân chủ quan, ngoài tâm lý e ngại của lãnh đạo một số đơn vị, còn có vấn đề về năng lực, kinh nghiệm của hội đồng đấu thầu một số nơi; bộ phận lập dự trù kế hoạch chưa sát thực tế, nhu cầu, chưa tiên lượng hết được mô hình bệnh tật…
Trên bình diện chung, Trung tâm Đấu thầu mua sắm tập trung quốc gia vừa có báo cáo cho biết trong số 67 mặt hàng trúng thầu, mới có 43 mặt hàng (64%) có thuốc để cung ứng theo dự trù của bệnh viện.
Có 15/67 mặt hàng (22%) có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng và 9/67 mặt hàng (13%) chưa có thuốc để cung ứng cho cơ sở y tế.
Lý giải về thực tế này, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế cho biết, hầu hết các mặt hàng thuốc trúng thầu tập trung cấp quốc gia hiện nay đã đảm bảo khả năng cung ứng cho nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế.
Hiện có một số mặt hàng thuốc trúng thầu có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng theo dự trù của các cơ sở y tế hoặc chưa có thuốc để cung ứng cho các cơ sở y tế, Trung tâm đã tổ chức các đoàn giám sát đối với các nhà thầu cung ứng các mặt hàng này và đề nghị nhà thầu có biện pháp khắc phục và khẩn trương làm việc với nhà sản xuất để sớm có thuốc cung ứng cho các cơ sở y tế.
"Trong trường hợp nhà thầu không đảm bảo cung ứng thuốc gây ảnh hưởng đến điều trị, Trung tâm sẽ có văn bản đề nghị các cơ sở y tế xử lý theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên", ông Dũng nói.
Lãnh đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng cho biết về phía các nhà thầu, ngay sau khi có quyết định trúng thầu, các nhà thầu đã khẩn trương phối hợp với nhà nhập khẩu đã ký hợp đồng đặt hàng với nhà sản xuất và có kế hoạch nhập hàng.
Ông Dũng cũng đưa ra nguyên nhân khách quan nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nên thời gian sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng, vận chuyển và thông quan kéo dài từ 3 đến 5 tháng. Tuy nhiên Giám đốc Trung tâm Đấu thầu thuốc quốc gia dự kiến tất cả các mặt hàng này về trước 31/12/2022.
Mặt khác, sau dịch Covid-19, nhiều cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao so với dự trù tiến độ ban đầu nên nằm ngoài dự kiến của nhà thầu. “Nhà thầu cũng cam kết không để các cơ sở y tế thiếu những mặt hàng trúng thầu và sẽ làm việc với các cơ sở y tế đề xuất giải pháp, hỗ trợ bằng các sản phẩm tương tự để đáp ứng nhu cầu điều trị trong trường hợp cần thiết", ông Dũng thông tin.
Lãnh đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng cho biết hiện chỉ có 32 hoạt chất được tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia trên tổng số 1.226 hoạt chất thuộc Danh mục thuốc đấu thầu.
Về giá trị, đấu thầu tập trung cấp quốc gia chỉ chiếm 6,7% trên tổng số giá trị sử dụng thuốc hàng năm tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Số lượng hoạt chất và tỉ lệ giá trị còn lại do các đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu.
Dù lãnh đạo Trung tâm Đấu thầu thuốc quốc gia có trấn an nhưng nhiều ý kiến vẫn lo ngại rằng, năm 2023 cơn bão thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn tiếp tục gây chấn động.
Hiện có những bệnh viện tuyến trung ương hiện đành báo ngưng một số dịch vụ vì không đủ thuốc và vật tư y tế, có bệnh nhân đành phải nhờ bệnh viện khác hỗ trợ như phản ánh của lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y dược Huế nêu trên. Nhưng điều đáng nói từ nay đến thời điểm gói thầu mới hết hiệu lực chỉ còn một năm nữa, công tác đấu thầu lại bắt đầu và vòng luẩn quẩn lại tái diễn.
Khẩn cấp gỡ khó
Phản ánh từ doanh nghiệp và cơ sở y tế cho thấy hàng loạt số đăng ký thuốc hết hiệu lực đã xảy ra từ đầu năm nay. Theo Hiệp hội các doanh nghiệp Dược Việt Nam và Hiệp hội các Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, chúng ta cần trung bình từ 3 đến 6 tháng để chuẩn bị cung ứng thuốc (sản xuất, nhập khẩu).
Do đó, tình trạng số đăng ký lưu hành thuốc tại thị trường Việt Nam hiệu lực có thể gây đứt gãy cung ứng hoặc làm dịch chuyển luồng phân bổ các thuốc này sang các thị trường khác ngoài Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện có hơn 21.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc còn hiệu lực. Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 29/2022 của Chính phủ, đến ngày 7/12 vừa qua Bộ Y tế đã công bố 10.304 thuốc tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12/2022.
Trong số các thuốc trên, đã bao gồm các thuốc biệt dược gốc tham gia đàm phán giá, các thuốc tham gia đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương bảo đảm nguồn cung ứng thuốc trên thị trường.
Như vậy, còn hơn 9.000 giấy đăng ký thuốc sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2022. Năm 2023, thêm 3.802 giấy đăng ký thuốc hết hiệu lực.
Điều này dẫn đến số lượng hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc phải xử lý từ nay đến hết năm 2023 là rất lớn (gần 14.000 thuốc), gây ra nguy cơ thiếu thuốc trầm trọng nếu không nhanh chóng xử lý.
Bộ Y tế cũng nhận định nếu không gia hạn kịp thời, doanh nghiệp dược phải dừng sản xuất, kinh doanh, người lao động mất việc làm. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục gia hạn hiệu lực giấy đăng ký thuốc vẫn chậm, không đáp ứng được nhu cầu thực tế do số lượng tồn đọng quá nhiều.
Theo đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hiện mỗi tháng cơ quan này chỉ xử lý được khoảng 500 hồ sơ gia hạn, mỗi năm chỉ có thể xử lý tối đa được khoảng 6.000 hồ sơ gia hạn. Chỉ tính riêng trong năm 2023 sẽ có gần 14.000 hồ sơ cần gia hạn. Chính vì vậy, cần phải có các chính sách nhằm tạo ra sự ổn định và tính dự báo trong công tác cung ứng thuốc tại nước ta.
Nhằm tháo gỡ khó khăn nêu trên, ngày 1/12 vừa qua, các Hiệp hội doanh nghiệp Dược đã có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép tiếp tục áp dụng biện pháp duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong tháng 12 này.
“Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 thì được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến ngày Luật Dược sửa đổi có hiệu lực thi hành”, văn bản của Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam nêu rõ.
Cũng theo các Hiệp hội doanh nghiệp Dược, việc tiếp tục duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành sẽ không có các tác động đáng kể đến việc thu phí thẩm định/ngân sách nhà nước (phần lớn đối tượng duy trì là các thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã nộp phí thẩm định hồ sơ gia hạn) cũng như an toàn, chất lượng của thuốc.
Các Hiệp hội doanh nghiệp Dược cho rằng, việc gia hạn hiệu lực này là cấp thiết (trước ngày 31/12/2022) bởi để lưu hành trên thị trường, tham gia thầu, cung ứng và sử dụng trong điều trị, thuốc phải có số đăng ký có hiệu lực.
Vì vậy, việc không có hoặc không rõ tình trạng số đăng ký lưu hành thuốc còn hiệu lực có thể gây ra những tác động không chỉ đối với việc cung ứng thuốc sử dụng trong điều trị mà còn sự suy giảm niềm tin của doanh nghiệp cung ứng thuốc.
Động thái mới nhất từ Bộ Y tế thì cơ quan này đã bỏ quy định “giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã trúng thầu trong vòng 12 tháng trở lại” khi mua sắm thiết bị y tế
Cụ thể, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BYT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành. Trong đó, tại khoản 2 điều 2, thông tư này đã bãi bỏ “khoản 3 điều 8 của Thông tư số 14/2020, ban hành ngày 10-7-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế”.
Trước đó, khoản 3 điều 8 Thông tư số 14/2020 quy định: “Khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng và không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó. Trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể”...
Quy định này khiến bệnh viện nếu muốn mua thiết bị y tế thì buộc phải mua với giá thấp hơn hoặc bằng giá trúng thầu trong 12 tháng qua tại các cơ sở y tế khác. Tuy nhiên, trong điều kiện tỉ giá, giá điện nước, nhân công, lương... tăng, yêu cầu này trở nên khó thực hiện, nhiều cơ sở y tế khó khăn trong mua sắm thiết bị y tế.
Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 1/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nêu ra và yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế trên tinh thần lấy sức khỏe người dân là trên hết, trước hết.
Thời gian qua, đã có hàng loạt các chỉ đạo, chỉ thị, nghị quyết để tháo gỡ việc thiếu thuốc nhưng cơn khát thuốc tại các cơ sở y tế hầu như vẫn chưa được giải. Điều này nếu không được tiến hành quyết liệt hơn nữa thì năm 2023 người bệnh tiếp tục sẽ phải mòn mỏi đợi thuốc, vật tư y tế.