Nhiều bệnh viện đang thiếu thuốc và thiết bị để điều trị cho bệnh nhân ung thư |
Số ca ung thư ngày càng tăng
Theo Bộ Y tế, ở một số nước trên thế giới, tuy số bệnh nhân mắc ung thư tăng, nhưng tỷ lệ tử vong một số loại ung thư lại giảm. Trong khi đó, tại Việt Nam, số ca mắc và tử vong do ung thư không ngừng tăng cao, đã đến ngưỡng báo động. Đây là gánh nặng, thách thức cho ngành y tế trong công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm.
Sau hơn 3 năm chống dịch, quá trình thăm khám của bệnh nhân ung thư cũng bị ảnh hưởng. Bác sỹ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiều người khi tới khám đã ở giai đoạn muộn, khối u kích thước lớn và đã di căn hạch, di căn não, di căn xương, di căn phổi, di căn gan. Các bệnh nhân tới khám tại Trung tâm chủ yếu gặp những bệnh lý về ung thư gan, phổi, đại tràng, dạ dày…
Hiện đang tồn tại nhiều khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, là rào cản khiến bệnh nhân ung thư bị gián đoạn hoặc chậm trễ điều trị, dẫn đến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng.
Nguy hiểm hơn, phần lớn người bị ung thư đều nghĩ rằng mình mắc bệnh nan y mà các phương pháp điều trị của Tây y không mang lại hiệu quả, vì vậy họ thường tìm đến các phương pháp chữa ung thư không chính thống qua mạng xã hội, qua mách bảo của người khác như sử dụng thuốc Nam, thuốc gia truyền, thuốc của người dân tộc thiểu số vùng cao...
Một số trường hợp lại nghĩ rằng, thực hiện chế độ tiết thực, nhịn ăn, bỏ đói tế bào ung thư thì sẽ khỏi được bệnh. Đây là các quan điểm sai lầm cần được loại bỏ, trong đó có việc dùng thuốc Nam không có cơ sở khoa học để chữa bệnh ung thư.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến số ca mắc ung thư gia tăng, các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, việc sống thường xuyên trong môi trường ô nhiễm, chất lượng nước, không khí, thức ăn không bảo đảm dẫn đến nguy cơ gây ung thư.
Đáng chú ý, hút thuốc lá là nguyên nhân của 30% loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và là 90% nguyên nhân của ung thư phổi. Việc lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng, gan, vú, đại trực tràng. Chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc hay thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối… chiếm 35% nguyên nhân.
Khó khăn trong điều trị
Đề cập đến trình độ điều trị ung thư ở Việt Nam, lãnh đạo Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho biết, những năm trước đây, một số bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật điều trị ung thư với các thiết bị hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do vướng mắc về cơ chế xã hội hóa trong y tế cũng như vấn đề đấu thầu nên không ít bệnh viện gặp khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, không đưa về được các thiết bị mới, hiện đại.
Theo GS-TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, trong công tác khám, chữa bệnh, việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng. Tuy nhiên, Bệnh viện đang gặp khó khăn trong việc đầu tư máy chuyên dụng phục vụ người bệnh.
Theo tiêu chuẩn, một máy xạ trị điều trị cho khoảng 50-70 người bệnh/ngày thì với số lượng người bệnh hiện nay, Bệnh viện K phải cần thêm 6-7 máy nữa mới đủ. Hiện tại, cả 2 cơ sở của bệnh viện mới chỉ có 9 máy xạ trị. Máy xạ trị ít nên phải hoạt động hết công suất và phải vận hành suốt từ 5h đến 22h.
Tại khu vực phía Nam, theo bác sỹ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đến nay vẫn xảy ra tình trạng cung ứng thuốc về Việt Nam khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thuốc tồn kho ít, dẫn đến thiếu thuốc nghiêm trọng.
Một số thuốc ung thư thuộc loại hiếm, trên thị trường không phải lúc nào cũng có. “Việc không cung ứng kịp thời thuốc thường xuyên xảy ra, khiến bác sỹ phải thay đổi phác đồ điều trị cho bệnh nhân”, bác sỹ Thịnh nói.
Tại bệnh viện này, công tác đấu thầu vật tư, trang thiết bị gặp khó khăn do nhiều mặt hàng chưa được phân loại, phân nhóm vật tư y tế. Ví dụ với hóa chất trong phòng xét nghiệm, nhà thầu cho rằng không phải vật tư y tế do không dùng trên người nên không phân nhóm sản phẩm, không kê khai giá. Thực tế, bệnh viện mua các hóa chất này tiềm ẩn rủi ro lớn, do đó xảy ra tình trạng bệnh viện không dám mua, dù mua phục vụ người bệnh nhưng sợ thanh tra, kiểm tra.
Việc sửa chữa bảo trì thay thế linh kiện, mua sắm mới trang thiết bị cũng khó khăn, quy định phải có 3 bảng báo giá. Có những vật tư đặc thù chỉ một nhà phân phối, không dễ dàng có 3 bảng báo giá. Hoặc có những vật tư chỉ một loại, nhưng vẫn phải tổ chức đấu thầu, phải tốn thời gian rất nhiều, dẫn đến chậm trễ sửa chữa thiết bị để phục vụ người bệnh.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, tình hình cấp giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế còn chậm, dẫn đến các thiết bị y tế chưa được cấp giấy sẽ không được phép lưu hành từ năm 2023. Điều này khiến nhiều vật tư y tế đang sử dụng, sắp hết hạn nhưng xin cấp không biết chờ đến bao lâu.
Bệnh nhân ung thư là đối tượng dễ bị tổn thương, mọi chính sách y tế với đối tượng này cần phải được quan tâm. Trong bối cảnh hiện nay, thiếu trang thiết bị khiến việc điều trị ung thư tại Việt Nam đang rất khó khăn. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải sớm có giải pháp tháo gỡ.