Chiều ngày 24/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm và làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu chậm nhất tới tháng 6/2022 phải có vắc-xin sản xuất trong nước. Ảnh: Nhật Bắc |
Sau khi thăm các phòng thí nghiệm, kho lưu trữ vắc-xin, tìm hiểu về dây chuyền đóng ống, đóng gói vắc-xin, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành và các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu cần tổ chức thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất chiến lược vắc-xin, bao gồm việc tiếp cận đa dạng các nguồn vắc-xin, thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vắc-xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể; thúc đẩy nhanh hơn việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất, thử nghiệm vắc-xin trong nước; triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất chiến dịch tiêm vắc-xin.
Thủ tướng phân tích, việc thực hiện thành công chiến lược vắc-xin có vai trò hết sức quan trọng, là công cụ số 1 để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, phát triển kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải tập trung cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin nói chung và trước mắt là vắc-xin Covid-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất là tháng 6/2022 phải có vắc-xin Covid-19 sản xuất trong nước.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án về chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, trong đó có vắc-xin Covid-19, báo cáo Chính phủ theo thủ tục rút gọn.
Báo cáo với Thủ tướng về nguồn cung vắc-xin Covid-19 theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vắc-xin trong nước và quốc tế, cố gắng cuối năm 2021, chậm nhất đầu năm 2022 sẽ có 1 nhà máy sản xuất vắc-xin quy mô lớn đi vào hoạt động.
Bộ Y tế đang thúc đẩy Công ty Vabiotech tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, dự kiến sẽ nhập bán thành phẩm, tận dụng hạ tầng của Vabiotech để đóng ống, đóng gói vắc-xin Sputnik V, test thử tại Việt Nam từ tháng 6 và dự kiến sẽ nhập chính thức đóng ống, đóng gói từ tháng 7 năm nay.
Giai đoạn 2 sẽ lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới để mở rộng công suất đóng gói lên 100 đến 150 triệu liều/năm. Đồng thời, tiếp tục đàm phán với đối tác cho việc chuyển giao công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất gia công toàn phần vắc-xin Sputnik V tại Việt Nam.
Bộ Y tế, các cơ quan cũng tạo điều kiện tối đa cho thử nghiệm vắc-xin trong nước, nếu đạt kết quả thử nghiệm tốt, trong tình trạng khan hiếm vắc-xin, Bộ Y tế sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền để thông qua việc cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.
Liên quan tới chiến lược tiêm chủng vắc-xin theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nếu số lượng vắc-xin về đủ (khoảng 110-150 triệu liều vắc-xin), trong 3-6 tháng, Việt Nam sẽ tiêm khoảng 300.000-500.000 liều mỗi ngày.
Để tổ chức chiến dịch tiêm từ nay đến hết năm 2021, với số lượng vắc-xin các đơn vị đã cam kết chuyển về Việt Nam trong năm nay là khoảng 110 triệu liều, Bộ Y tế đã làm việc với Bộ Quốc phòng để rà soát và thống nhất việc xây dựng kho bảo quản vắc-xin tại 7 quân khu, quân đoàn, đặc biệt là vắc-xin phải bảo quản ở độ âm sâu.
"Theo tính toán của Bộ Y tế, nếu số lượng vắc-xin về đủ, khoảng 110-150 triệu liều vắc-xin, trong vòng 3-6 tháng còn lại trong năm nay, ước tính chúng ta sẽ tiêm khoảng 300.000-500.000 liều/ngày và đảm bảo hoàn thành chiến dịch tiêm", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Để minh bạch trong điều phối vắc-xin theo ông Tuyên, Bộ sẽ thống nhất với các địa phương, doanh nghiệp để điều tiết tổng số vắc-xin trong kế hoạch, điều tiết đối tượng ưu tiên tiêm theo thứ tự.
Điều này có mục đích vắc-xin do Bộ Y tế tiếp cận, đàm phán, cung ứng, hay vắc-xin do địa phương, hoặc do doanh nghiệp tiếp cận đều nằm trong tổng số vắc-xin đã được duyệt.
"Các trường hợp ưu tiên tiêm theo thứ tự cũng thực hiện theo hướng dẫn từ Bộ Y tế. Đây là chiến dịch tiêm chủng trong phòng, chống dịch, chưa phải tiêm chủng mở rộng, nên trường hợp nào tiêm trước, tiêm sau cần phải có một đơn vị điều tiết", ông Tuyên nêu.