Ngân hàng - Bảo hiểm
Chậm tái cơ cấu do cổ đông chống đối
Hà Tâm - 08/06/2013 09:53
Trong văn bản báo cáo thực hiện lời hứa gửi tới các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định chênh lệch lãi suất chỉ còn 1,93%, giảm so với mức 2,33%/năm tại thời điểm cuối năm 2012; còn việc tái cơ cấu ngân hàng chậm do cổ đông lớn chống đối.
TIN LIÊN QUAN
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Đã xử lý 76.600 tỷ đồng
nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro

Chênh lệch lãi suất giảm, tín dụng tăng gần 3%

Báo cáo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho thấy, thực tế, chênh lệch lãi suất mà các ngân hàng được hưởng không hề cao như dư luận đồn đoán. Cụ thể, hiệnchênh lệch giữa lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra bao gồm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 3,03%.

Nếu trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì chênh lệch chỉ còn 1,93%, giảm so với mức 2,33%/năm tại thời điểm cuối năm 2012. Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của các tổ chức tín dụng sụt giảm mạnh trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013.

Về tín dụng, tính đến cuối tháng 5/2013, dư nợ tín dụng tăng 2,98% so với cuối năm 2012 (tín dụng bằng VND tăng 5,48%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 8,41%).

Đây là một kết quả đáng khích lệ nếu so với cùng kỳ năm 2012 (tín dụng 5 tháng đầu năm tăng trưởng âm, đồng thời góp phần quan trọng giảm bớt tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Dù mức tăng trưởng tín dụng này chưa đạt được kỳ vọng, song Thống đốc cho rằng, hiện có nhiều tín hiệu cho thấy, tín dụng cả năm vẫn đạt mức 12%, do theo thông lệ, tín dụng thường tăng mạnh vào 6 tháng cuối năm. Việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sắp đi vào hoạt động cũng sẽ khiến tín dụng tăng mạnh hơn.

Tái cơ cấu: Cổ đông lớn chống đối là rào cản

Trong Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp trước, Quốc hội đã yêu cầu Thống đốc NHNN phải tạo được sự chuyển biến về xử lý nợ xấu trong năm 2013. Đến nay, nợ xấu vẫn là vấn đề bức xúc của nền kinh tế.

Trả lời về vấn đề này, báo cáo của Thống đốc cho biết, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4/2013, tổng số dư nợ xấu toàn hệ thống là 137,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7 nghìn tỷ đồng (15,8%) so với cuối năm 2012. Còn tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,67%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012 và 3,07% cuối năm 2011.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, con số nợ xấu do các ngân hàng tự báo cáo không có ý nghĩa, tỷ lệ nợ xấu thực tế cao gấp 2-3 lần. Dù vậy, báo cáo của Thống đốc NHNN không tiết lộ tỷ lệ nợ xấu theo đánh giá của cơ quan thanh tra, giám sát NHNN. Thay vào đó, báo cáo chỉ dẫn lại số liệu báo cáo giám sát của NHNN tại thời điểm 31/12/2012: tỷ lệ nợ xấu là 7,8%, giảm khá nhanh so với mức gần 9% tại thời điểm 30/9/2012.

Về xử lý nợ xấu, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đến cuối tháng 4/2013, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN là 284,4 nghìn tỷ đồng. Dư nợ trích lập dự phòng rủi ro nhưng chưa sử dụng là 73,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với cuối năm 2012.

Thống đốc cho rằng, đây là nguồn vốn quan trọng mà tổ chức tín dụng có thể sử dụng ngay để xử lý nợ xấu. Nhờ đó, trong năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013, tổng số nợ xấu đã được các tổ chức tín dụng xử lý bằng dự phòng rủi ro là 76,7 nghìn tỷ đồng.

Về nguồn vốn xử lý nợ xấu, lần đầu tiên, Thống đốc thừa nhận, một trong những khó khăn lớn nhất của xử lý nợ xấu là thiếu sự hỗ trợ về ngân sách.

Liên quan đến tình hình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, tổng tư lệnh NHNN khẳng định, về cơ bản, tinh hình của 9 ngân hàng yếu kém đến nay đã được kiểm soát, nguy cơ mất an toàn đã được giảm bớt. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu ngân hàng diễn ra chậm hơn so với dự kiến. Trong đó, hiện vẫn còn 4 ngân hàng đang hòan thiện p hương án tái cơ cấu trước khi trình Thống đốc phê duyệt chính thức để triển khai thực hiện.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có rất nhiều, song một trong những nguyên nhân đáng chú ý được Thống đốc phân tích là: vì quyền lợi cá nhân, một số cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém thiếu sự hợp tác hoặc chống đối với chính sách, biện pháp cơ cấu lại của Ngân hàng Nhà nước, gây thêm khó khăn cho quá trình cơ cấu lại các ngân hàng này.

Tin liên quan
Tin khác