Thời sự
Chần chừ, do dự cải cách là có lỗi với nhân dân
Khánh An - 31/03/2021 14:01
Theo TS. Võ Trí Thành, nếu không đổi mới mạnh mẽ về tư duy, thiếu quyết tâm chính trị, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội phát triển.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tin rằng, quyết tâm cải cách, đổi mới và khát vọng thay đổi của nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang đặt các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam vào điểm khởi đầu năng động, nhưng đầy áp lực. Vì nếu không đổi mới mạnh mẽ về tư duy, thiếu quyết tâm chính trị, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội phát triển.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Thưa ông, tuần này, bên cạnh những cuộc thảo luận, đánh giá về nhiệm kỳ công tác khóa XIV của Quốc hội, nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước, của Chính phủ, Quốc hội sẽ bắt đầu công tác nhân sự, trước hết là bầu Chủ tịch Quốc hội, một số phó chủ tịch Quốc hội. Là một chuyên gia kinh tế, ông muốn chia sẻ điều gì vào thời điểm này?

Điểm đầu tiên tôi muốn nói là, khát vọng phát triển, khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng đang là tâm thế chung của người Việt Nam vào lúc này. Chưa bao giờ khát vọng này được truyền tải, lan tỏa mạnh mẽ như vậy.

Những nỗ lực, quyết tâm của các nhà lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ này thể hiện rõ trong xử lý các vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế - xã hội như chống tham nhũng; xây dựng bộ máy chính quyền kỷ luật, kỷ cương, minh bạch; thể hiện trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiên quyết thực hiện tái cấu trúc hệ thống tài chính - ngân hàng, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hội nhập và đặc biệt trong ứng phó với những biến động, những cú sốc, rủi ro từ địa chính trị, thiên tai, bệnh dịch…

Điều này đã tạo nên những năng lượng mới cho từng người dân, doanh nghiệp, cho nền kinh tế về công cuộc đổi cải cách, đổi mới, phát triển kinh tế. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã có bước tiến rất đáng kể, tích cực.

Tất nhiên, nỗ lực cải cách phát triển đất nước không phải được đặt ra ở nhiệm kỳ này, mà là một hành trình dài, bắt đầu từ công cuộc Đổi mới cách đây 35 năm. Song, những đòi hỏi thay đổi quyết liệt, những mục tiêu cao trong phát triển mà nhiệm kỳ này đặt ra và nỗ lực thực hiện đang đặt các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam vào điểm khởi đầu đầy năng động, nhưng đầy áp lực với đòi hỏi mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong quá trình thực hiện các kế hoạch hành động đổi mới, phát triển đất nước.

Áp lực mà ông muốn nhắc đến cụ thể là gì?

Khát vọng mà chúng ta đang nói đến là trong thập niên tới, Việt Nam tăng tốc, phát triển bền vững, trở thành một nước thu nhập trung bình cao, hiện đại và vươn tiếp tới năm 2045 trở thành một nước thu nhập cao, thịnh vượng… Chúng ta cũng đang nói đến một Việt Nam “bắt kịp” và “tiến cùng” thời đại.

Thành tựu của giai đoạn vừa qua rất quan trọng, nhưng rõ ràng chưa đủ đảm bảo cho những thành công của giai đoạn phát triển tiếp theo. Thể chế kinh tế thị trường vẫn đang trong bước hoàn thiện, nhưng rất chậm, nhất là việc hoàn thiện thị trường nhân tố sản xuất như đất đai, lao động, khoa học - công nghệ. Cải cách doanh nghiệp nhà nước chậm. Nguồn lực phân bổ chưa thực sự hiệu quả. Thể chế cho đổi mới sáng tạo được nhắc đến, nhưng chậm triển khai, như các cơ chế sandbox…

Thêm nữa, phát triển ở Việt Nam gắn liền với tiến trình đổi mới, cải cách, mở cửa hội nhập, nhưng bối cảnh kỷ nguyên số đang tăng tốc với rất nhiều yêu cầu, khác biệt so với kinh tế “thực” truyền thống, cả về nguồn lực, đặc trưng và cách thức tương tác, vận hành…, đòi hỏi cải cách, đổi mới phải gắn liền với tốc độ, với sự quyết liệt trong thay đổi, từ nhận thức, tư duy tới hành động. Nếu không đổi mới mạnh mẽ về tư duy, thiếu quyết tâm chính trị, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội phát triển và tụt hậu xa hơn.

Trong bối cảnh mới, tự tin cùng tư duy khoa học và cách tiếp cận thực tiễn là cần, song chưa đủ. Việt Nam cần cả tốc độ và do vậy, phải quyết liệt, cả trong nhận thức, cả trong xây dựng chiến lược và nhất là trong hành động.

Ông chờ đợi gì ở nhiệm kỳ mới?

Tôi vẫn muốn nhắc lại 6 lĩnh vực trọng tâm cần có những đột phá cải cách mà Báo cáo Việt Nam 2035 và “Khung chính sách kinh tế Việt Nam” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra. Đó là hiện đại hóa kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao hiệu quả kinh tế của đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội; tạo dựng thể chế hiện đại và nhà nước hiệu quả.

Để thực hiện những đột phá cải cách, để tạo ra bước ngoặt thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững rất cần sự sáng tạo, thay đổi tư duy, thay đổi cả thiết kế chính sách, cách thức ứng xử. Vì trong bối cảnh này, thực tế có thể sẽ xuất hiện những điểm bất thường, thậm chí “kỳ dị” đối với nhận thức, tư duy quen thuộc. Va đập, thậm chí xung đột là khó tránh khỏi giữa hai cơ chế vận hành kinh tế - cũ và mới.

“Thoát cũ, xây mới” trong quá trình chuyển đổi đòi hỏi phải xử lý rất nhiều thách thức chính sách như chính sách cạnh tranh, chính sách công nghiệp, chính sách tài khóa, nghĩa vụ pháp lý trung gian và vấn đề quyền riêng tư…

Chính vì vậy, ý chí chính trị, nguyên tắc chức nghiệp thực tài và trách nhiệm của người đứng đầu phải được đề cao hơn bao giờ hết.

Có thể nói ngắn gọn, Chính phủ nhiệm kỳ này bước đầu đã tạo ra hình hài cho câu chuyện về đột phá, phát triển, song để tạo thành bước ngoặt thì vẫn còn là hành trình dài. Nhưng cũng chính thời điểm này, chần chừ, do dự cải cách là có lỗi với nhân dân, có tội với đất nước.

Tin liên quan
Tin khác