Điểm nóng
Chặn đứng những liên minh “ma quỷ” làm suy tàn Đất nước - Bài 4: Siết chặt “vòng vây”, tiêu diệt giặc nội xâm
Huy Hào - 17/10/2022 08:20
Nhận rõ sự nguy hiểm của việc cấu kết giữa cá nhân, tổ chức làm ăn bất minh ở khu vực tư với quan chức suy thoái, biến chất, Đảng ta đã quyết định mở rộng đấu tranh phòng, chống tham nhũng ra khu vực này.

Những liên minh “ma quỷ”, chằng chịt như ma trận, đan xen phức tạp, tinh vi giữa các quan chức biến chất với những kẻ tha hóa ở khu vực ngoài nhà nước, với nhiều chiêu trò thao túng, giật dây để trục lợi… đã và đang hình thành các “điểm nóng” về tham nhũng, tiêu cực, thể hiện qua những đại án, vụ việc nóng bỏng nhất, bức xúc dư luận nhất thời gian qua.

Liên minh “ma quỷ” mang độc tố cao, hủy hoại thành quả phát triển của đất nước, phá hoại Đảng từ bên trong, làm xói mòn niềm tin của nhân dân, đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Trước mối nguy đó, Đảng ta chủ trương “từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngoài khu vực nhà nước” - bước đi tiếp theo rất “đúng”, rất “trúng” của Đảng để kịp thời chặn đứng những liên minh “ma quỷ”, tiến tới chặt đứt gốc rễ tham nhũng, không để chúng làm suy tàn Đất nước.


Bài 4: Siết chặt “vòng vây”, tiêu diệt giặc nội xâm

Nhận rõ sự nguy hiểm của việc cấu kết giữa cá nhân, tổ chức làm ăn bất minh ở khu vực tư với quan chức suy thoái, biến chất, Đảng ta đã quyết định mở rộng đấu tranh phòng, chống tham nhũng ra khu vực này. Đây là yêu cầu khách quan, cấp thiết, là một trong những “mũi tiến công” uy lực, từng bước siết chặt vòng vây, tiêu diệt “giặc nội xâm” tham nhũng, tiêu cực.

Đấu tranh, phòng ngừa “từ sớm, từ xa”

Ngay từ những ngày đầu thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo, lên án những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực nhà nước trong không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Năm 1952, Người đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ ‘giặc ở trong lòng’. Nếu chiến sỹ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. Người nêu rõ rằng, tham ô, tham nhũng là “kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng mọi việc của ta”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, cũng nhấn mạnh: phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất... do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ... với động cơ không trong sáng. Nó thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền.

Soi vào thực tiễn, hầu hết những vụ việc, đại án đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo năm 2022 như vụ Việt Á, các chuyến bay “giải cứu”, FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế... đều có sự đan xen công - tư, cấu kết, bắt tay giữa những “quan tham” và doanh nghiệp, cá nhân làm ăn bất chính. Nó cho thấy, thứ “giặc nội xâm” đó vẫn vô cùng nguy hiểm, như Đảng ta đã xác định, là một trong những nguy cơ “đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ”.

Song, Đảng ta đã sớm nhìn ra nguy cơ tiềm ẩn từ sự cấu kết này. Ngay đầu nhiệm kỳ XIII, Đảng đã nêu chủ trương “từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngoài khu vực nhà nước” (Văn kiện Đại hội XIII). Chủ trương này cho thấy tầm nhìn của Đảng đối với việc xác định trọng tâm, trọng điểm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp đó, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước” (Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực).

Theo TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, những vụ đại án đã và đang được đưa ra xử lý là một minh chứng về sự nguy hiểm trong cuộc cấu kết giữa quyền lực chính trị tha hóa và quyền lực kinh tế lũng đoạn.

“Quyền lực chính trị là của nhân dân. Nhân dân trao nó, ủy quyền cho những người làm công bộc của dân. Nếu nó bị chiếm đoạt, để trục lợi cho bản thân cán bộ, gia đình, một nhóm người… thì rất nguy hiểm, hậu họa khó lường. Do đó, phải ngăn chặn sự liên kết giữa thế lực kim tiền với quyền lực chính trị bị tha hóa, mới có thể chặn tham nhũng, tiêu cực từ mầm mống”, TS. Nhị Lê bày tỏ.

Chính vì thế, mở rộng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực ngoài nhà nước là yêu cầu xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đặt ra trong tình hình hiện nay, đồng thời phù hợp với xu thế quốc tế, với các công ước Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên.

Tiến công toàn diện, đúng, trúng “điểm nóng” tham nhũng

Thực tế, tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp ở khu vực đó, mà khi nó “vươn vòi” vào khu vực công, “bắt tay” với cán bộ suy thoái ở khu vực công để cùng trục lợi, thì tác hại, thiệt hại là khôn lường.

Trong một số trường hợp, khu vực ngoài nhà nước có thể trở thành “sân sau”, là nơi “rửa tiền” cho những quan chức, cán bộ biến chất. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ không hiệu quả nếu bỏ qua khu vực này, “điểm nóng” này.

Phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức...

Bên cạnh đó, tham nhũng trong khu vực tư còn ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài lo ngại, cân nhắc khi bỏ vốn, mà câu chuyện “chi phí không chính thức” đã được đề cập không ít lần, như một vấn nạn nhức nhối.

Do đó, theo PGS-TS. Phạm Tất Thắng, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), không chỉ có chủ trương đúng đắn, lo sớm, nhìn xa, quan tâm đến công tác cán bộ, nâng cao trình độ, bản lĩnh, đạo đức cán bộ, đảng viên, Đảng ta còn không ngừng xây dựng, hoàn thiện các chế tài cụ thể, đủ bao quát, đủ mạnh để xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm, có hành vi cấu kết, “đi đêm” với tổ chức, cá nhân khu vực tư để trục lợi.

Từ gốc và bao trùm, là Văn kiện Đại hội XIII, Kết luận số 12-KL/TW; hay chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố để “dọc ngang thông suốt, trên dưới đồng lòng”, cho đến nhiều văn bản rất cụ thể, kịp thời, như quy định về những điều đảng viên không được làm; miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ hạn chế về năng lực, không đủ uy tín, để xảy ra sai phạm; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 1/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “điểm tên” rõ 19 nhóm hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống…

PGS-TS. Phạm Tất Thắng đặc biệt nhấn mạnh Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

“Quy định số 69-QĐ/TW là sự cụ thể hóa rất quan trọng, rất sát thực tiễn, đã nêu rõ các hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với những vi phạm nổi lên, phổ biến, rất ‘nóng’ vừa qua. Đó là tình trạng chạy chức, chạy quyền; dành các dự án lớn, những lô ‘đất vàng’ cho người nhà, người thân, ‘sân sau’, từ đó trục lợi. Đặc biệt, Quy định số 69-QĐ/TW đã ‘gọi tên’ nhiều hành vi, tệ nạn được nhắc đến từ lâu, nay càng lộ rõ trong những vụ việc sai phạm có sự kết nối, ‘hợp tác’ công - tư, như đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính, vấn nạn ‘hoa hồng’ trong các vụ làm ăn…”, PGS-TS. Phạm Tất Thắng đánh giá.

Nhưng, cơ chế, khung khổ pháp lý thôi chưa đủ, nếu chính mỗi cán bộ, mỗi doanh nghiệp hay doanh nhân không có bản lĩnh, đạo đức, không làm chủ được mình. Nhìn từ góc độ khu vực ngoài nhà nước, cụ thể là các doanh nghiệp, doanh nhân, TS. Nguyễn Viết Chức (Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long) khi chia sẻ tại Hội thảo khoa học về Đạo đức doanh nhân và Văn hóa kinh doanh vừa diễn ra tại Hà Nội nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, đã bày tỏ sự trăn trở, “áp lực” khi suy nghĩ về câu hỏi: Tại sao đất nước đang có cơ hội làm ăn lớn, mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân hành xử như là đã không cần chữ tín! Phải chăng, sức mạnh đồng tiền và những thành công lớn đã làm người ta ngưỡng mộ cái triết lý chết người “cái gì không mua được bằng tiền, thì mua được bằng nhiều tiền”?

Để rồi, họ hành xử đầy toan tính, tìm mọi cách mua chuộc quan chức, xây dựng niềm tin bằng “cửa sau” và quyền lực ngầm. Và rồi, họ gánh chịu hậu quả cay đắng, nhưng xã hội và thị trường cũng gánh chịu những hậu quả không hề nhỏ, đó là không chỉ mất tài sản, mà còn mất niềm tin, lòng tốt bị lung lay, cái ác, cái xấu được đà xâm lấn...

Xót xa khi không ít doanh nhân đã vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, coi thường đạo lý, vi phạm pháp luật, làm đảo lộn các chuẩn mực, các giá trị đạo đức, TS. Cấn Văn Lực (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) cho rằng, kinh tế càng phát triển, thì tính phức tạp của đạo đức doanh nhân càng khó kiểm soát.

Để nâng cao đạo đức của đội ngũ doanh nhân gắn với xây dựng văn hóa doanh nghiệp và xây dựng đất nước toàn diện, hội nhập quốc tế, cần sự nỗ lực không chỉ của lực lượng doanh nhân chân chính, mà còn cần sự ủng hộ, đồng hành và kiến tạo của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, với những giải pháp toàn diện, từ hoàn thiện thể chế, pháp luật, chuẩn mực đạo đức kinh doanh, đạo đức doanh nhân, đến tăng cường giám sát xã hội…

Thực tiễn cho thấy, công cuộc phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều gian nan, khi với tác động của mặt trái kinh tế thị trường, các tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên suy thoái ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn hòng qua mặt cơ quan chức năng nhằm trục lợi. Song, với việc nhanh nhạy nhận diện chính xác, có giải pháp kịp thời và tiến công mạnh mẽ, đúng, trúng những “điểm nóng” tham nhũng, tiêu cực, chúng ta tin tưởng và kỳ vọng sẽ chặn đứng những liên minh “ma quỷ”, không để chúng tàn phá, làm suy yếu Đất nước.

(Còn tiếp)

Tin liên quan
Tin khác