Thời sự
Chăn nuôi luẩn quẩn giữa cung và giá
Hà Tâm - 22/04/2013 08:18
Trước tình trạng cung tăng - giá giảm diễn ra những tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nếu không xây dựng được chiến lược phát triển bền vững, thì đầu tư vào chăn nuôi, chế biến thực phẩm sẽ còn khó khăn.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, thực phẩm đang rớt giá mạnh, khiến nhiều chủ dự án chăn nuôi phải đóng cửa. Theo tính toán của ông, với giá sản phẩm hiện nay, đầu tư cho chăn nuôi sẽ như thế nào?

So với cùng kỳ năm ngoái, 3 tháng đầu năm nay, sản lượng chăn nuôi sụt giảm khá mạnh, do giá đầu ra của một số sản phẩm như thịt lợn, thịt gia cầm đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là thịt lợn.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là cuối năm 2012, người dân ồ ạt tái đàn để phục vụ Tết, nên nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu không tăng, sức mua thấp.

Với mức giá bán hiện nay (lợn hơi có giá 42.000 - 43.000 đồng/kg ở phía Bắc và 38.000 – 40.000 đồng/kg ở phía Nam), đầu tư cho chăn nuôi không có lãi, thậm chí lỗ. Với những chủ trại không tự sản xuất được con giống, thì mức lỗ còn cao hơn. Do đầu ra khó khăn, số lượng trang trại, hộ dân tái đàn giảm mạnh, nên các cơ sở sản xuất giống chăn nuôi cũng khó khăn.

Những năm trước, dù kinh tế khó khăn, nhưng thực phẩm là ngành hàng tiêu dùng ít bị ảnh hưởng. Tại sao năm nay, thực phẩm lại giảm bất thường như vậy, thưa ông?

Giá thực phẩm năm nay diễn biến khác thường, không theo quy luật các năm. Những năm trước, sau Tết, giá thực phẩm thường ổn định, thậm chí tăng một chút, nhưng năm nay, giá lại giảm mạnh. Điều này cho thấy, sức tiêu thụ, sức cầu của nền kinh tế giảm rất mạnh.

Trong đó, với thịt gà, thịt lợn, nhu cầu của nhóm đối tượng tiêu thụ rất lớn là các nhà ăn tập thể trong các khu công nghiệp đã giảm rất nhiều. Trước đây, 1/4 lượng thịt gà công nghiệp được tiêu thụ tại khu vực các khu công nghiệp, nhưng do ảnh hưởng của kinh tế khó khăn, nhiều khu công nghiệp đóng cửa hoặc giảm sản xuất, sức cầu vì thế giảm mạnh.

Theo nhận định của chúng tôi, khó khăn với ngành thực phẩm và ngành chăn nuôi sẽ còn tiếp diễn ít nhất từ nay đến hết quý II/2013, đặc biệt đối với thịt lợn.

Có nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm chăn nuôi ngày càng rớt giá do cơ cấu chăn nuôi của Việt Nam chưa phù hợp, do đó cần giảm cơ cấu thịt lợn và tăng các loại thực phẩm khác. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Đúng vậy. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có chủ trương thay đổi cơ cấu sản phẩm chăn nuôi theo hướng giảm đầu lợn, tăng đầu gà. Tuy nhiên, sức tiêu thụ thịt gà và trứng gà không tương xứng với sự thay đổi cơ cấu, nên có một số thời điểm, giống như thời điểm hiện nay, giá thịt gà và trứng gà cũng giảm nhanh, trong khi thời điểm áp Tết lại tăng mạnh.

Tôi cho rằng, với thói quen sử dụng thịt tươi của người dân Việt Nam hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi rất khó. Chỉ khi nào, người dân có thói quen sử dụng thực phẩm đông lạnh, thức ăn nhanh, thì cơ cấu gà, lợn mới chuyển đổi được.

Do thua lỗ, tình trạng giảm đàn đang diễn ra trên diện rộng. Liệu điều này có gây thiếu nguồn cung, đẩy giá thực phẩm tăng trở lại vào cuối năm không, thưa ông?

Đây là vòng luẩn quẩn mà chúng ta đã nhắc tới nhiều lần: khi cầu tăng, cung không thể đáp ứng; khi cung tăng thì giá lại giảm mạnh. Vì vậy, nếu không xây dựng được chuỗi chăn nuôi và xây dựng chiến lược bền vững cho toàn ngành chăn nuôi, thì câu chuyện cung tăng - giá giảm sẽ còn phải bàn đi bàn lại rất nhiều.

Tin liên quan
Tin khác