Thời sự
Chạnh lòng khi nói đến thu nhập lao động BHXH
Mạnh Bôn - 26/10/2014 08:32
() Được hưởng hệ số lương 1,8 - bằng với lực lượng vũ trang và một số ngành nghề đặc thù khác, nhưng đa số những người làm việc trong ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đang trầy trật với vấn đề cơm - áo - gạo - tiền.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sếp BHXH trần tình về mức lương bằng 180% lương công chức
Bức xúc lương nhân viên BHXH bằng 180% lương công chức!
Bộ máy Bảo hiểm xã hội quá cồng kềnh, tốn kém
Bảo hiểm xã hội bất lực với món nợ 11.000 tỷ đồng
“Quỵt” tiền bảo hiểm sẽ bị quy trách nhiệm hình sự
   
  Trong số các cơ quan hành chính, sự nghiệp của cả nước, ngành bảo hiểm thường đứng đầu về số người bỏ việc, chuyển việc  

Khó làm chủ gia đình về mặt kinh tế

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Giám đốc BHXH quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), một trong những người đầu tiên làm việc trong ngành bảo hiểm và cũng đã “cập kề” tuổi nghỉ hưu bùi ngùi: “Với gần 20 năm làm việc trong ngành bảo hiểm, tôi nghiệm ra rằng, hầu hết mọi người làm trong ngành này không thể làm chủ gia đình về mặt kinh tế. Đây là lý do vì sao trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp của cả nước, ngành bảo hiểm thường đứng đầu về số người bỏ việc, chuyển việc”.

Ở các lĩnh vực khác, ngoài lương, người lao động còn có thu nhập mang tính chất như lương, nhưng với ngành BHXH thì lương chính là thu nhập. Ngoài tiền lương được trả hàng tháng, người lao động không có bất cứ khoản nào khác. “Người lao động làm việc trên chục năm mới có tổng thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, trong khi phải bỏ tiền túi đi công tác, giao dịch với khách hàng bằng điện thoại di động cá nhân. Sống ở nội thành Hà Nội với mức thu nhập như vậy thì không ai có thể làm chủ gia đình. Do vậy, vì tương lai của mình, nhiều lao động buộc phải chuyển công tác”, ông Thiện phân tích.

TP.HCM - trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước, nơi mà người dân không câu nệ làm việc ở đâu: cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay tự kinh doanh, miễn là có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Chính vì vậy, BHXH TP.HCM cũng là nơi có tỷ lệ lao động nghỉ việc, chuyển việc cao nhất nước.

“Mấy năm gần đây, kinh tế khó khăn, nên trào lưu bỏ việc đã giảm xuống, nhưng vài năm tới thì chưa biết thế nào”, ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM lo ngại.

Hiện tại, trên 60% trong tổng số 400 lao động làm việc tại BHXH TP.HCM được tuyển dụng trong vài năm gần đây “nhờ” lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán kém hấp dẫn. “Các cháu mới vào làm việc chủ yếu hưởng hệ số lương 2,34, cùng lắm là 2,67. Kể cả được hưởng hệ số lương tăng thêm 1,8, thì tổng thu nhập của họ cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, hơn một nửa lao động trong ngành BHXH TP.HCM là người ở các địa phương khác, nên phải thuê nhà. Với mức thu nhập như vậy mà phải thuê nhà, chi phí đi lại để giao dịch phục vụ công việc, thì dù có chi tiêu tằn tiện đến mấy cũng khó tránh ‘thiếu trước, hụt sau’, nên nguy cơ mất lao động chắc chắn diễn ra khi kinh tế phục hồi”, ông Sang lo lắng.

Cũng theo ông Sang, nếu hết thời gian thí điểm áp dụng hệ số lương tăng thêm 1,8 (từ năm 2012 đến hết năm 2015) mà không có cơ chế đãi ngộ khác tương tự, thì tại các đô thị lớn, làn sóng nghỉ việc trong ngành này không có cách gì ngăn cản được và sẽ rất khó tuyển lao động mới.

Thu nhập của “sếp” bảo hiểm

Ông Trịnh Trung Kiên, Phó giám đốc BHXH Cà Mau là một trong số không nhiều sếp trong ngành bảo hiểm có thể “yên tâm công tác”, mặc dù tổng thu nhập chưa tới 10 triệu đồng/tháng.

“Mình có vợ làm việc ở ngành công an. Tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 20 triệu đồng/tháng, đủ chi phí sinh hoạt và đóng tiền học thêm cho 2 đứa con”, ông Kiên cho biết.

Trong khi đó, Phó giám đốc BHXH huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), ông Huỳnh Thanh Hải vất vả hơn nhiều trong việc mưu sinh. Từ TP. Cà Mau, muốn đến được thị trấn Rạch Gốc (thủ phủ của huyện Ngọc Hiển), phải đi đường bộ 25 km, sau đó đi xuồng 50 - 60 km. Với mức thu nhập chưa đến 7 triệu đồng/tháng, để đảm bảo cuộc sống, ngoài giờ làm việc, ông Hải phải chở nước uống đóng chai giao cho các cơ quan, công sở và một số gia đình trên địa bàn.

Chỉ còn chưa đầy 4 năm nữa, Giám đốc BHXH huyện Củ Chi (TP.HCM), ông Chung Hiếu Vân đến tuổi nghỉ hưu, với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng, thu nhập đứng hàng top đầu trong ngành bảo hiểm. Với thu nhập như vậy, lẽ ra ông Vân phải có cuộc sống sung túc, nhưng thực tế, ông vẫn vất vả vì đang phải trang trải cho 2 con học đại học.

Ở khu vực khó khăn, đời sống sếp BHXH khó khăn không có gì lạ, nhưng đời sống của công chức BHXH ở các đô thị lớn cũng bi đát. Nếu TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, thì quận 1 (TP.HCM) được ví là “lõi của trung tâm”, thế nhưng tổng thu nhập của Phó giám đốc BHXH quận này, bà Lê Thị Tuyết Linh, người đã có 12 năm thâm niên trong ngành, cũng chỉ 7 triệu đồng/tháng.

Khi hỏi về chi tiêu thế nào với mức thu nhập 7 triệu đồng, vì tế nhị, bà Linh không trả lời và tôi cũng không dám hỏi lại. Bởi tôi đã được Giám đốc BHXH TP.HCM, ông Cao Văn Sang “cảnh báo” rằng, nói chuyện với anh em bảo hiểm thì đừng đề cập việc chi tiêu, kẻo mọi người chạnh lòng.

Cũng không chia sẻ việc chi tiêu thế nào với mức thu nhập chưa đến 8 triệu đồng/tháng, trong khi có tới 35 năm công tác liên tục, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng phòng Chế độ (BHXH TP. Hà Nội) chỉ tiết lộ, cũng như hầu hết đồng nghiệp ở BHXH Hà Nội, để tiết kiệm chi tiêu, buổi trưa, bà ăn cơm nhà bếp với giá 15.000 đồng/suất.

Nhân viên BHXH sống thế nào?

Căn phòng cấp 4 lợp fibrô xi măng rộng chừng 8 m2 ở thị trấn Củ Chi là nơi sinh sống của Trần Văn Thành cùng một người bạn. “Trước đây, bọn tôi thuê phòng ở ngoài, nhưng chủ nhà nâng giá phòng, nên phải thuê cái phòng trong cùng của dãy nhà trọ với giá 1 triệu đồng/tháng”, Thành cho biết.

Lương hay nói chính xác hơn là toàn bộ thu nhập của Thành chưa đầy 4 triệu đồng, nên cậu phải tiết kiệm tới mức hà tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

“Sau khi trừ đi chi phí để phục vụ công việc, cộng với tiền đi đưa sữa thuê cho các đại lý, nhà hàng bán lẻ, tằn tiện lắm tôi mới đủ sống”, Thành tâm sự.

Khá giả hơn Thành, Nguyễn Văn Đợt, với gần 15 năm làm việc tại BHXH Cà Mau, có mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Mặc dù có mức thu nhập vào hàng “VIP” của BHXH Cà Mau, nhưng gia đình Đợt cũng chưa thể đủ sống được với tổng thu nhập của 2 vợ chồng. Vì vậy, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, Đợt phải chạy xe ôm.

“Hàng ngày, tôi chỉ chạy xe ôm quanh TP. Cà Mau hoặc đi các huyện lân cận, kiếm được 40.000 - 50.000 đồng, còn ngày nghỉ thì tôi chạy chuyến xa, nhiều khi xuống tận Bạc Liêu, với thu nhập có khi gấp đôi, gấp ba, nên cũng đủ trang trải cho hai đứa con ăn học”, ông Đợt trải lòng.

“Ngày nghỉ thì tôi chạy chuyến xa..., nên cũng đủ trang trải cho hai đứa con ăn học”. Chợt nhớ tới lời của Đợt, tôi cảm thấy mình như có lỗi vì hôm chúng tôi làm việc với BHXH Cà Mau đúng vào Chủ nhật - ngày mà Đợt và nhiều đồng nghiệp của ông cần đi làm thêm để trang trải cuộc sống gia đình thì lại phải tiếp chúng tôi.

(Kỳ sau: Áp lực công việc)

Quỹ bảo hiểm xã hội ngày càng “teo tóp”

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người nghỉ hưu trong độ tuổi 35-50 chiếm trên 30%. Tuổi nghỉ hưu sớm và thời gian hưởng lương hưu dài là một trong những nguyên nhân khiến quỹ bảo hiểm đứng trước nguy cơ cạn kiệt.  

Hình sự hoá hành vi trốn đóng bảo hiểm

(baodautu.vn) Mới đây, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, trong quá trình xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, nghiên cứu tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và việc xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm pháp luật BHXH.

Nợ bảo hiểm xã hội tăng cao kỷ lục

Dù quyết liệt khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) ra tòa, nhưng lũy kế nợ BHXH, bảo hiểm y tế tính đến hết tháng 2/2013 vẫn cao kỷ lục, với gần 10.400 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác